Tình huống thương hiệu
Thương vụ DOJI TienPhong Bank: Vận may của một chú cá
TienPhong Bank được cho là một chú cá may mắn khi lọt vào mắt xanh của các đối tác chiến lược giàu kinh nghiệm giữa cảnh ngoi ngóp của nhiều ngân hàng.Số phận những chú cá ngoi ngóp trong cái hồ đang bị ô nhiễm nặng bởi nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ ra sao? Có 2 sự chọn lựa. Hoặc sẽ không ai muốn vớt bởi khó có thể lạc quan vào khả năng sống sót của chúng. Hoặc nếu ai đó để mắt thì lẽ dĩ nhiên họ sẽ lục tung hồ để vớt vát vài con khỏe nhất, nhưng mặc cả mua chúng với giá rẻ.
Vì sao DOJI mua TienPhong bank?
Đối với hai anh em Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú, cái hồ của ngành ngân hàng vẫn còn một vài chú cá khỏe. Ông Phú là Chủ tịch Tập đoàn DOJI, chuyên kinh doanh vàng. Còn ông Tú thì gắn với thương hiệu Diana, vốn khá đình đám sau thương vụ bán lại cho một công ty Nhật với tỉ lệ 95%. Và đây là lúc những nhà giàu thừa tiền, có kinh nghiệm quản lý như các ông đi săn những món hời. Dĩ nhiên, họ có thể chọn lựa nhiều món hàng khác nhau. Và Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) là sự chọn lựa cuối cùng.
Có lẽ không khỏi ngạc nhiên khi đáng lý những nhà kinh doanh nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng như hai anh em họ Đỗ sẽ phải mua những công ty cùng lĩnh vực, nhưng họ đã “lội khác dòng”. Thời gian sẽ trả lời cho thương vụ đầu tư này.
Song, vẫn phải công nhận việc đầu tư vào TienPhong Bank không phải không có lý. Dù được những tên tuổi lớn như FPT, MobiFone, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare), SBI VEN Holdings chống lưng, nhưng TienPhong Bank vẫn không thể thoát xác sau gần 4 năm kinh doanh. Trong khi đó, nền kinh tế gần như bội thực ngân hàng, cần phải tái cấu trúc và ngân hàng này nằm trong số đông chờ cơ hội đổi đời.
Có 2 kịch bản cho TienPhong Bank xét về yếu tố vĩ mô. Thứ nhất, nếu công cuộc tái cấu trúc ngân hàng diễn ra trên diện rộng như một quyết định của Chính phủ, theo kiểu ngân hàng lớn được “chỉ định hợp tác” với các ngân hàng nhỏ hơn để đảm bảo thanh khoản (như câu chuyện của 3 ngân hàng SCB, Ficombank, Tín Nghĩa với BIDV), hoặc để không cho ngân hàng nào bị phá sản thì TienPhong Bank có thể chờ đợi một vận may. Nhưng vận may này không dễ đến khi không ít ngân hàng nhỏ cũng đang sốt ruột tìm người mua.
Thứ hai, nếu việc cải tổ ngân hàng cần nhiều thời gian hơn, lâu hơn và đặc biệt là khi các nhà chức trách quyết tâm và sẵn sàng tâm lý cho những cuộc hy sinh thì các ngân hàng nhỏ, chưa tạo được nhiều tên tuổi như TienPhong Bank sẽ phải tiếp tục tự bơi và chưa chắc có thể cạnh tranh nổi trong một thị trường khốc liệt. Đến nay, kịch bản nào sẽ là chủ đạo vẫn còn là câu hỏi lớn.
Không thể phụ thuộc vào cần câu của nhà chức trách, các ngân hàng đang tìm cách tự thân tồn tại bằng nhiều cách, trong đó giải pháp mua bán – sáp nhập (M&A) đã được nhắc đến. Cần câu vĩ mô đã xa, còn cần câu từ giới tài chính nhà giàu vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Vậy nên, TienPhong Bank có thể ví như chú cá may mắn khi tìm được nhóm đối tác chiến lược có nhiều kinh nghiệm. “Chúng tôi cũng biết một số ngân hàng nhỏ mong muốn được hợp tác, nhưng chúng tôi muốn hợp tác với TienPhong Bank”, ông Tú nói. Ngược lại, các nhà quản trị cao cấp của TienPhong Bank (cũng là các lãnh đạo FPT) cũng thể hiện văn hóa quản trị chuyên nghiệp để dẫn đến kết quả thành công của thương vụ.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các ngân hàng nhỏ trở nên khó bán trong khi TienPhong Bank thì không đến nỗi. Lý do chủ yếu được ông Tú đưa ra là TienPhong Bank không bị lún quá sâu vào các hoạt động cho vay rủi ro cao. Nợ xấu của ngân hàng này năm 2010 là 0,02%/tổng dư nợ (theo báo cáo thường niên). Và ông cũng bày tỏ sự quan ngại về vấn đề nợ xấu đối với những ngân hàng khác mà ông có dịp tiếp xúc. Ngay cả một số ngân hàng thương mại cổ phần thuộc hàng top về quy mô cũng sa vào các khoản cho vay rất lớn, lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng chỉ tập trung vào một vài đối tượng thân thuộc nào đó. Nguy cơ nợ xấu cũng từ đó mà phát sinh.
Tuy nhiên, dù không bị ám ảnh bởi các khoản nợ xấu như một số ngân hàng khác, nhưng TienPhong Bank vẫn không thoát khỏi những khó khăn điển hình của một ngân hàng nhỏ, thể hiện ở 3 khía cạnh: thanh khoản, chiến lược kinh doanh và nhà lãnh đạo.
TienPhong Bank có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, thực hiện các nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng tiêu chuẩn. Trước khi có sự xuất hiện của các cổ đông mới, ngoài huy động, Ngân hàng còn thực hiện cho vay doanh nghiệp và cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Lúc này, giống như nhiều ngân hàng khác, TienPhong Bank vẫn đang bị vướng một số khoản cho vay cho các ngân hàng khác và những ngân hàng này chưa thể trả nợ. Căng thẳng thanh khoản của TienPhong Bank được biểu hiện ở năng lực cho vay chưa cao trong khi khả năng huy động còn ở mức thấp.
Theo báo cáo thường niên, tổng huy động của TienPhong Bank năm 2010 vào khoảng 16.000 tỉ đồng và tăng trưởng dư nợ khoảng 5.000 tỉ đồng. Đến năm 2011, các con số kinh doanh cũng không mấy khả quan (xem “Kết quả kinh doanh quý III/2011 của TienPhong Bank).
Bên cạnh đó là chiến lược kinh doanh, một thách thức lớn đối với các ngân hàng nhỏ. Trong khi các ngân hàng lớn có khả năng thu hút tiền gửi nhờ vào thương hiệu và chất lượng dịch vụ thì các ngân hàng nhỏ chưa thể tạo lòng tin tuyệt đối cho người tiêu dùng. Hơn nữa, năng lực tài chính chưa cao cũng gây cản trở đối với việc ứng dụng những dịch vụ mới, đặc biệt là e-banking. “Trên thế giới, có hàng ngàn dịch vụ liên quan đến ngân hàng. Ở Việt Nam chỉ mới có vài trăm. Chúng ta không phải không có thứ để phát triển, mà vấn đề là có đủ nội lực để phát triển chúng hay không”, ông Tú chia sẻ.
Trong lịch sử phát triển ngắn ngủi của TienPhong Bank, chỉ tính riêng hơn 1 năm vừa qua, Ngân hàng vừa phải đối mặt với vấn đề thanh khoản và triển khai chiến lược một cách yếu ớt, vừa phải đối mặt với việc nhân sự cao cấp bị dịch chuyển thường xuyên và đứng trước thách thức tìm kiếm những nhân tài lãnh đạo mới. Hơn 1 năm mà thay 3 Tổng Giám đốc không phải là chuyện nhỏ đối với một ngân hàng.
Tương lai của TienPhong Bank
TienPhong Bank sẽ vụt sáng sau khi có cổ đông mới? Không ai dám chắc. Nhưng ít ra sẽ có một vài thay đổi mà ông Đỗ Minh Phú đã công bố với báo giới. Đó là sẽ giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng và các khoản nợ xấu.
Trong buổi phỏng vấn với ông Đỗ Anh Tú sau đó, chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi hơn: Vai trò của ông Phú và ông Tú sẽ như thế nào trong TienPhong Bank? Các vị này sẽ làm gì để tạo tăng trưởng cao nhất cho Ngân hàng? Và Ngân hàng sẽ tái cơ cấu ở mức nào?
Ông Tú từ chối nói về vai trò của hai anh em ông trong TienPhong Bank vì theo ông, “ngân hàng là sự hợp tác của các bên có năng lực, không nên độc quyền”. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ dành thời gian để đóng góp cho sự phát triển của Ngân hàng.
Cũng cần nói thêm TienPhong Bank một thời vẫn được nhắc đến là “con đẻ” của FPT. Khi DOJI và ông Đỗ Anh Tú sở hữu 20% của TienPhong Bank, cơ cấu sở hữu của các đối tác chiến lược khác vẫn không thay đổi (FPT: 16,9%, Vinare: 10%, MobiFone: 4,76%, SBI VEN Holdings: 4,9%) và các vị trí lãnh đạo ngân hàng vẫn được giữ nguyên. FPT có thế mạnh về công nghệ, Vinare có kinh nghiệm trong lĩnh vực tái bảo hiểm, MobiFone sở hữu một lượng khách hàng lớn và SBI là ngân hàng Nhật có nhiều kinh nghiệm quản lý. Giờ đây có thêm DOJI, một nhà kinh doanh vàng trong top 3 trên thị trường (gồm SJC, PNJ, DOJI), cộng với kinh nghiệm của ông chủ Diana, đang giữ vị trí thứ hai về thị phần ngành hàng tiêu dùng này.
“DOJI sẽ giúp TienPhong Bank phát triển thêm mảng kinh doanh vàng và chúng tôi, với kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, sẽ giúp Ngân hàng phát triển khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực này”, ông Tú nói. Ông cũng cho biết sẽ hỗ trợ Ngân hàng trong các mảng cho vay doanh nghiệp vừa, vay tiêu dùng, đặc biệt là mảng dịch vụ mà trước đây không phải thế mạnh của TienPhong Bank. “Ở nước ngoài, mảng dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả e-banking chiếm đến 50-60% trong cơ cấu doanh thu của một ngân hàng. Ở Việt Nam, tỉ trọng đóng góp của mảng này vẫn còn khiêm tốn”, ông Tú giải thích.
Trong khi đó, ở mảng huy động, giống như các ngân hàng nhỏ khác, TienPhong Bank cũng đối mặt với vấn đề niềm tin tín dụng từ người tiêu dùng. Dù phía Ngân hàng không khẳng định nhưng có thể dự đoán trước, sẽ có một đợt tăng vốn và tái cấu trúc thương hiệu trong TienPhong Bank để ngân hàng này trở nên thu hút hơn. “Quy mô ngân hàng phải đủ lớn để người dân có thể tin tưởng”, ông Tú nói thêm.
Quan điểm đầu tư “đi vào cửa tử để tìm thấy cửa sinh” hay “khó khăn chính là cơ hội” đúng trong trường hợp của anh em nhà họ Đỗ. Khi đầu tư vào lĩnh vực băng vệ sinh, ông Tú cho biết ông gặp phải những câu hỏi phản biện từ bạn bè. Nhưng kết quả là Diana đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành và khoản giá trị đạt được không phải nhỏ khi bán lại cho công ty Nhật Unicharm.
Tương tự, anh trai ông, Đỗ Minh Phú, người tự nhận là “chưa từng thất bại”, cũng đã đưa doanh thu của DOJI từ mức 60 tỉ đồng (năm 2006) lên trên 20.000 tỉ đồng vào năm 2010 và tiến hành việc mua lại các công ty vàng SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Yên Bái.
Động thái của những thợ săn nhiều kinh nghiệm như gia đình họ Đỗ cho thấy một thị trường ngân hàng trở nên đủ rẻ để mua, vấn đề là mua cái gì để đạt được mức tăng trưởng cao nhất. Ông Tú bày tỏ tham vọng: “Chúng tôi hy vọng TienPhong Bank sẽ tăng trưởng cao hơn 15% so với mức tăng trưởng chung của thị trường trong thời gian tới sau thương vụ này”.
Câu chuyện thương vụ DOJI – TienPhong Bank tiếp tục gióng một hồi chuông: Liệu còn bao nhiêu chú cá đủ khỏe trong cái hồ ô nhiễm có thể hút được người mua? Điều này chỉ có thể nhìn vào nợ xấu, một yếu tố luôn tạo nên sự quan ngại từ phía người mua. Theo báo cáo tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng ở TP.HCM của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tăng rất mạnh, đến 3,85% (tính đến tháng 11.2011 so với cuối năm 2010). Trong đó, một số tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu cao đến hơn 5%.
Và không chỉ dừng lại đó. Hồi tháng 8.2011, theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu theo chuẩn Việt Nam chiếm 3,1% tổng dư nợ, vẫn ở mức an toàn và kiểm soát được. Nhưng theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), theo tiêu chuẩn quốc tế, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã lên đến 13% tổng dư nợ.
Khi thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm như dự báo thì chuyện giải quyết các khoản nợ xấu ngân hàng cũng giống như đặt câu hỏi “bao giờ cho đến tháng mười”. Quá nhiều chú cá đang tái xanh vì nợ xấu, vì đã trót dính vào cơn say nhà đất, để rồi đến lúc này, chỉ mong một người mua nào đó để mắt, còn nếu không, chuyện gì đến rồi sẽ đến.
Theo NCĐT