Connect with us

Thương mại điện tử mở showroom

Tin trong nước

Thương mại điện tử mở showroom

Kay.vn, công ty ty thương mại điện tử do Tom Trần, cựu Tổng Giám đốc NhomMua, thành lập và đưa vào hoạt động từ giữa năm 2013, không chỉ hiện diện trên mạng.

Kay.vn là một trong số những công ty thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam quyết định mở thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm hoạt động đồng thời với website. Khách hàng có thể đến cửa hàng xem và mua sắm, đồng thời đây cũng là điểm đổi trả nếu sản phẩm gặp vấn đề.

Đầu năm nay, Lazada (thuộc Rocket Internet, Đức) cũng bắt đầu thử nghiệm mô hình cửa hàng giới thiệu sản phẩm với chi nhánh đầu tiên được khai trương tại Đà Nẵng. Chỉ có diện tích vừa phải, nhưng cửa hàng này đã được Lazada đầu tư thiết kế và bài trí đẹp mắt. Tại đây, ngoài việc được xem hàng, khách hàng được sử dụng máy tính tại chỗ để mua sắm trực tuyến thông qua sự hướng dẫn của nhân viên.

Trên thế giới, xu hướng các công ty này đầu tư mở điểm bán lẻ như Kay.vn hay Lazada không phải là hiếm. Một số công ty chuyên về thời trang ở Mỹ và Canada như Warby Parker, Frank & Oak, Bonobos hay Indochino đều đã phát triển chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm song song với hoạt động kinh doanh trực tuyến ban đầu.

Vì sao các công ty này lại xây dựng hệ thống cửa hàng truyền thống? Sau một thời gian hoạt động trực tuyến thuần túy, cả Warby Parker, Frank & Oak, Bonobos lẫn Indochino đều nhận ra rằng khách hàng của họ có một nhu cầu chung là được sờ tận tay và thử sản phẩm trước khi quyết định mua sắm. Đối với sản phẩm thời trang, việc các công ty thương mại điện tử đầu tư cửa hàng truyền thống còn đem đến giá trị cộng thêm cho khách hàng khi họ được tư vấn trực tiếp về phong cách, sau đó đặt hàng trực tuyến ngay trên điện thoại thông minh của mình và nhận được sản phẩm vào ngày hôm sau.

Hình thức bán lẻ mới mẻ này cho phép các công ty trực tuyến kết hợp được những giá trị mà mua sắm truyền thống (thử sản phẩm) lẫn mua sắm trực tuyến (sự tiện lợi) có thể đem lại cho khách hàng. Ở chiều ngược lại, Macy’s, tập đoàn bán lẻ truyền thống Mỹ, cũng đang đầu tư nhân rộng hình thức mua sắm kết hợp giữa trải nghiệm thực với ảo trên toàn hệ thống.

Trong khi đó, các công ty thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mục tiêu chính là xây dựng lòng tin đối với khách hàng khi đầu tư cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

“Thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang gặp phải những trở ngại từ phía khách hàng. Đầu tiên, họ vẫn còn e dè với hình thức mua sắm trực tuyến vì không có cơ hội tiếp cận với sản phẩm thực tế. Và dù công ty thương mại điện tử có trụ sở làm việc, khách hàng cũng ít khi ghé đến để nhìn thấy sự hiện diện thực sự của chúng tôi. Điều đó khiến chúng tôi gặp khó khăn khi phải xây dựng lòng tin đối với họ”, ông Christopher Beselin, Giám đốc Điều hành Lazada tại Việt Nam, cho biết.

Đầu tư hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm sẽ có thể giúp Lazada giải quyết được những trở ngại nói trên. Tuy nhiên, chi phí đầu tư và vận hành một điểm giới thiệu sản phẩm chắc chắn cũng phải tương đương với chi phí cho một cửa hàng bán lẻ truyền thống, nhưng lại chỉ được dùng cho mục đích xây dựng lòng tin thì liệu có hợp lý.

“Lazada chọn mở showroom đầu tiên ở Đà Nẵng vì đây là một thị trường nhỏ so với Hà Nội hay TP.HCM. Nếu doanh thu của chúng tôi ở Đà Nẵng tăng lên sau khi có cửa hàng thì có nghĩa cách làm này mang lại hiệu quả. Về mặt chi phí, Lazada không có áp lực phải mở rộng hệ thống cửa hàng để tăng doanh thu, nên chúng tôi sẽ chỉ đầu tư tối đa 1-2 điểm giới thiệu sản phẩm tại các thành phố lớn của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Beselin chia sẻ.

Thực tế, cho dù mục đích chính của showroom Lazada chỉ là xây dựng lòng tin, nhưng công ty này hoàn toàn có thể đẩy mạnh trải nghiệm mua sắm giữa thực và ảo cho khách hàng nếu muốn.

Những công ty thương mại điện tử Việt Nam hạn chế tài chính lại chọn những cách tiết kiệm hơn để xây dựng lòng tin khách hàng. Một ví dụ là Tiki.vn, công ty thương mại điện tử nội đi lên từ kinh doanh sách ngoại văn và đang bắt đầu đa dạng hóa mặt hàng. Bên cạnh chính sách hậu mãi, Tiki.vn còn liên tục tham gia những sự kiện thường niên hoặc 2 năm một lần như Đường Sách Tết Nguyên đán hay Hội sách ở TP.HCM.

“Trước mắt, Tiki.vn vẫn trung thành với mô hình thương mại điện tử thuần túy chứ không đầu tư mở cửa hàng. Có nhiều cách để tạo được uy tín với thị trường và chúng tôi muốn tận dụng những sự kiện xã hội thu hút đông đảo người dân tham quan để đạt được điều đó. Ngoài ra, uy tín của Tiki.vn cũng đã được xây dựng qua thời gian nhờ chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp. Chúng tôi muốn dùng sở trường của mình để cạnh tranh với đối thủ”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Tiki.vn, cho biết.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, nhà bán lẻ truyền thống cũng bắt đầu ngắm nghía môi trường trực tuyến như một kênh đầu tư hấp dẫn mới. Giữa tháng 4.2014 vừa qua, hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam đã cho ra mắt trang web Cdiscount.vn cung cấp hơn 7.000 sản phẩm. Với kinh nghiệm bán lẻ sẵn có cộng với uy tín đã xây dựng được, đây rõ ràng là một đối thủ mới đáng gờm ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten + 20 =

To Top