Connect with us

Thức ăn chăn nuôi trước nguy cơ bị thâu tóm

Tin trong nước

Thức ăn chăn nuôi trước nguy cơ bị thâu tóm

Khoản đầu tư của CP Pokphand vào CP Việt Nam được xem là tái cấu trúc. Tuy nhiên, trong đó lại tiềm ẩn tham vọng thâu tóm thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước.

Thông tin từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết nhóm 20 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ngoài đã chiếm hơn 70% thị trường trong nước. Đang dấy lên nỗi lo 30% còn lại có thể rơi dần vào tay khối ngoại, nhất là sau việc Công ty CP Pokphand (CPP) đầu tư lớn vào CP Việt Nam.

Thương vụ hơn 12.000 tỉ đồng

Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Đầu tư Nexus Group, quy mô thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 2,6 tỉ USD. Đặc biệt, trong số 11 thương vụ có yếu tố nước ngoài, đứng đầu bảng về giá trị vốn giao dịch (609 triệu USD, tương đương hơn 12.000 tỉ đồng) thuộc về một doanh nghiệp được thành lập ở Trung Quốc nhưng đặt trụ sở tại Hồng Kông là Công ty CPP thuộc Tập đoàn CP Group của Thái Lan. Theo đó, CPP đã mua lại Modern State, một doanh nghiệp cũng thuộc CP Group (Modern State nắm giữ 70,82% cổ phần của CP Việt Nam).

“Đây là sự chuyển giao vốn đầu tư từ công ty mẹ sang công ty con thuộc chiến lược tái cơ cấu của CPP tại Trung Quốc và Việt Nam”, ông Sook Sunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc CP Việt Nam, cho biết.

Có lẽ việc CPP thâu tóm CP Việt Nam nên được hiểu là chuyện nội bộ của doanh nghiệp này với chiến lược củng cố và đa dạng hóa hoạt động trong khu vực hơn là một thương vụ M&A. Modern State đăng ký pháp nhân tại British Virgin Islands với chức năng đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, CPP và CP Việt Nam vốn cùng ngành nghề nên việc rót vốn từ công ty mẹ sang công ty con được kỳ vọng sẽ mang lại thuận lợi cho cả hai trong hoạt động kinh doanh. Có thể thấy, bản chất của thương vụ này là tái đầu tư bên trong CPP chứ không phải M&A.

Năm 2010, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã thực hiện một cuộc khảo sát về mức độ cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế gồm cả ngành thức ăn chăn nuôi. Kết quả cho thấy CP Việt Nam chiếm khoảng 18% thị trường cả nước. “Theo Luật Cạnh tranh, việc mua bán và sáp nhập dẫn đến kết quả doanh nghiệp chiếm trên 50% thị trường sẽ bị cấm. Nếu từ 30-50% thì doanh nghiệp phải báo Cục, còn dưới 30% thì không phải khai báo”, ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết.

Tuy nhiên, thông thường hoạt động của các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi mang tính địa phương. “Nếu thị phần của CP Việt Nam trên cả nước chỉ có 18% nhưng tại thị phần của họ tại đồng bằng sông Cửu Long lên tới 40-45% thì khả năng thao túng của CP Việt Nam tại đây là có thật”, ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, nhận định.

Nguy cơ bị thâu tóm

Trong những ngày đầu tháng 10.2011, các doanh nghiệp trong ngành lại xôn xao trước thông tin 2 nhà đầu tư của Nhật là Tập đoàn Sojitz và Công ty thức ăn chăn nuôi Kyodo Shiryo sẽ đầu tư 2 tỉ yen để xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. 2 nhà đầu tư này đang được một công ty tư vấn chiến lược ở TP.HCM hướng dẫn thủ tục đầu tư. Có thể thấy, ngành thức ăn chăn nuôi có sức hút không nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một chuyên gia ngành thức ăn chăn nuôi (không muốn nêu tên) cho biết điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trước hết là tiềm năng thị trường. Hiện nay, nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam ước tính mỗi năm cần khoảng từ 25-30 triệu tấn, nhưng các nhà sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Tiếp đến, về mặt tín dụng, doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế do được vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp ở nước sở tại, được công ty mẹ hỗ trợ mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm. Sau cùng, với lợi thế vượt trội về vốn liếng, công nghệ, năng lực quản lý, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn chủ động được nguồn giống để tạo nên vòng tròn khép kín trong chăn nuôi. Thực tế này cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế để có thể chiếm lĩnh phần lớn thị trường thức ăn chăn nuôi.

 

Cảnh giác với những hệ lụy

Nhiều năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, nhất là vào quý IV/2010. Năm nay, mặt bằng giá tiếp tục tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Thức ăn chăn nuôi và con giống tăng giá đang nuốt dần lợi nhuận của người chăn nuôi trong nước.

Thương vụ giữa CPP và CP Việt Nam cũng làm cho các doanh nghiệp trong ngành liên tưởng đến một kịch bản thao túng ngầm của CP Việt Nam đối với cả phân khúc thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Hiện nay, CP Việt Nam đã chiếm khoảng 5% thị trường chăn nuôi heo, 40% gà công nghiệp, 50% trứng gà công nghiệp. Có khoảng 20.000 hộ chăn nuôi heo, gà trong nước đang hợp tác với doanh nghiệp này.

“Nếu khan hàng, thương nhân Trung Quốc sẽ thông qua CPP nhập khẩu heo từ Việt Nam, còn khi ứ đọng hàng lại đẩy sang Việt Nam. Tôi từng cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời thì các tập đoàn nước ngoài như CP sẽ tiến tới thao túng thị trường heo như từng làm với gà”, ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Công Trí ở Đồng Nai, cảnh báo.

Ông Dự, TNK Capital Partners, nói: “Cạnh tranh giữa 240 doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi rất khốc liệt và có tình trạng cá lớn nuốt cá bé, bất kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước. Vì vậy, lợi nhuận trung bình chỉ còn từ 4-5% so với vài chục % trước đây và gần đây đã có khá nhiều doanh nghiệp đã phải từ giã cuộc chơi”. Thống kê của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã giảm một nửa. Riêng quý I/2011, có gần 30% doanh nghiệp chế biến thức ăn cho tôm, cá phải đóng cửa, chưa kể một số lượng đáng kể các doanh nghiệp khác đã bị phá sản hoặc được các doanh nghiệp nước ngoài mua lại.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 − eight =

To Top