Connect with us

Ngư dân và bài toán đầu ra cho sản phẩm

Tin trong nước

Ngư dân và bài toán đầu ra cho sản phẩm

Có những chuyến tàu về đầy ắp cá tôm nhưng ngư dân lỗ vốn. Nghịch lý này đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Việc tổ chức đầu ra cho sản phẩm cùng các dịch vụ hậu cần bằng cách nào để ngư dân có thể hưởng lợi nhiều nhất từ việc đánh bắt đang là những trăn trở thường nhật…

Cá đầy tàu, vẫn lỗ vốn

Phiên chợ cá trên cảng cá Đề Gi huyện Phù Cát (Bình Định) bắt đầu từ khi ánh mặt trời đầu tiên chưa ló dạng. Những chuyến tàu đầy ắp thuỷ sản, sau hải trình dài ngày, tấp nập vào cảng mang theo nhiều kỳ vọng của những ngư dân trở về từ khơi xa. Buồn thay, kỳ vọng đó có đạt được hay không lại phụ thuộc gần như hoàn toàn cho thương lái.

Tàu cá cập bến cũng là lúc các đầu nậu bắt đầu vơ vét cá. Gọi vậy bởi đó là những cuộc ngã giá chóng vánh ngay khi hải sản còn nằm trong khoang thuyền. Tuỳ loại hải sản mà họ mua sạch và cho người bốc xếp. Những đại lý nhỏ sau khi phân loại sẽ chất lên xe gắn máy chở đi các điểm phân phối, sơ chế. Những đại lý lớn điều xe đông lạnh xuống tận cảng, gom đầy xe mới trở ra. Chợ cá theo hình dung vẫn là dịch vụ bán buôn nhỏ lẻ, chưa tập hợp thành khu chợ đầu mối như trong đất liền. Các sản phẩm đánh bắt từ biển phải được tiêu thụ ngay, không thể để dành được vì không có kho đông lạnh và ngư dân cần xoay vốn để tiếp tục đi biển.

Anh Hùng, một ngư dân ở xã Cát Khánh huyện Phù Cát, Bình Định cho biết: “Từ xưa giờ đi biển về thì vô đây nhập cá, các nậu trả thế nào thì bán vậy. Biết là có ép giá cũng phải chịu vì đâu có để được lâu. Có bán thì mới có tổn (chi phí cho mỗi chuyến ra khơi – PV) để đi biển tiếp”. Anh Hùng nhẩm tính, nếu đánh bắt gần bờ trong vòng một tuần lễ cũng phải bỏ ra chi phí gần 50 triệu đồng. Nếu đi trúng, sau khi trừ tổn thì lời chút đỉnh, nếu không thì hoà vốn vì chi phí xăng dầu cao. Ngoài ra chuyện lời hay lỗ còn phụ thuộc giá cả thu mua của các đại lý. Nhiều ngư dân ở đây cũng xác nhận điều này.

Thiếu dịch vụ hậu cần, ngư dân bị ép giá

Nghề câu cá ngừ đại dương còn được ngư dân gọi là nghề “câu to” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mà đã làm ăn lớn thì trúng lớn mà mất cũng lớn. Ngư dân làm ra sản phẩm nhưng việc quyết định giá trị của sản phẩm lại thuộc về thương lái. Việc này phổ biến ở nhiều địa phương.

Phú Yên là địa phương khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương (còn gọi là cá bò gù – PV) sớm nhất nước ta (bắt đầu từ năm 1994). Với sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 5.000 tấn, Phú Yên luôn nằm trong tốp ba địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác cá ngừ. Tuy nhiên, giá mua cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên bao giờ cũng thấp hơn Bình Ðịnh và Khánh Hoà từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Tại một đại lý thu mua cá ngừ đại dương ở khu phố 6 phường Phú Đông (thành phố Tuy Hoà, Phú Yên), chúng tôi chứng kiến đầy đủ cảnh nhân viên của đại lý phân loại cá ngừ bằng… mắt. Bằng cách làm này, cá được xếp loại một hay loại bốn hoàn toàn do cảm quan của nhân viên đại lý. Chủ tàu không thể đưa ra một lời phản đối. Ông Đỗ Như Hoá, ngư dân ở phường 6, thành phố Tuy Hoà, xác nhận: “Có chuyến đánh được cá đầy tàu nhưng vì giá cả do đại lý quyết định, mình có chê thấp thì cũng biết bán cho ai vì đâu có kho đông lạnh mà dự trữ”. Chị Trần Thị Xúc, một chủ tàu khác ở phường Phú Đông, chỉ ra thêm một thực tế: “Muốn có phí tổn đi biển, chủ tàu thường phải vay của đại lý nên cá về phải nhập cho đại lý. Họ tính giá nào mình cũng phải chịu thôi!”

Nhiều ngư dân kỳ cựu trong nghề cho biết mặc dù kỹ thuật chế biến của ngư dân không phải thấp nhưng nguyên nhân chính là ở chỗ phần lớn tàu đánh bắt cá ngừ của Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Định đều là tàu gỗ, sử dụng nước đá để bảo quản nên chất lượng sản phẩm kém hơn so với các tàu câu công nghiệp vỏ composite có hệ thống bảo quản lạnh, cấp đông. Vào mùa đánh bắt, nguồn nước đá cây càng khan hiếm nên ngư dân không thể chủ động trong việc lựa chọn nguồn đá ướp. Đá ướp chưa đủ độ đông cứng cần thiết thì sau hành trình dài ngày trên biển, sản phẩm thường giảm chất lượng.

Trong khi đó, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Phú Yên cho đến nay gần như là con số không, chợ bán đấu giá cá ngừ đại dương chưa được hình thành và chưa có hệ thống kho lạnh giữ sản phẩm ngay tại bến cảng nên mỗi khi cập bến, ngư dân buộc phải bán cá ngay cho các đầu nậu vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Thiếu chợ đấu giá, giá cá ngừ đại dương chưa được niêm yết công khai như một số hàng hoá khác, chưa có cam kết về mặt tiêu chuẩn chất lượng của các cơ sở thu mua với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên việc giám sát, quản lý giá và chất lượng cá ngừ đại dương vẫn còn bỏ ngỏ. Mặt khác, chi phí ngày càng tăng cao, vay vốn ngày càng khó, ngư dân chỉ còn một lựa chọn là ứng trước tiền từ các đầu nậu để ra khơi nên buộc phải bán sản phẩm cho họ, bị ép giá càng khó tránh được.

Ai giúp ngư dân?

Hiện nay, chi phí đi biển cho một tàu cá ngừ đại dương loại 90 CV khoảng trên 130 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu vụ năm trước. Giá cá ngừ đại dương năm nay có tăng, nhưng mức tăng không tương xứng với mức tăng của chi phí. Bởi thế, ngư dân thường lấy số lượng để bù vào mà ít chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, những năm gần đây, hầu hết các cơ sở thu mua cá ngừ đại dương đều áp dụng phương thức mua xô nên càng khiến ngư dân ít chú ý đến việc bảo quản chất lượng cá sau khai thác. Các cơ sở thu mua trong tỉnh đều không xuất khẩu trực tiếp mà bán sản phẩm hoặc làm đại lý cho các đơn vị xuất khẩu ở ngoài tỉnh nên việc cạnh tranh giá cả, chất lượng bị hạn chế càng khiến ngư dân thiệt thòi. Chưa kể việc chế biến cá ngừ đại dương để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bình Định, cho biết tỉnh này đã thành lập được 25 tổ đội sản xuất trên biển. Công việc này hiện đang là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, trong dân cũng hình thành các tổ đội liên kết sản xuất tự nguyện, nhất là trong nghề câu cá ngừ, trục mực… Sắp tới, theo bà Thi, tỉnh sẽ hỗ trợ phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị tìm dò cá, đặc biệt là hệ thống hầm bảo quản, sơ chế cá tại chỗ cho ngư dân để nâng cao chất lượng cá đánh bắt được. Bà Thi nói: “Hiện nay Bình Định đã thành lập hiệp hội Cá ngừ đại dương và đã bàn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Để bảo vệ chủ tàu cá khỏi bị ép giá, chúng tôi xác định cả chủ thu mua và chủ tàu cá cùng phải có trách nhiệm bởi thực tế nhiều chủ thu mua đồng thời là người cấp phí tổn cho tàu. Phía cơ quan hữu quan cũng sẽ có những tác động. Hiện nay, nhiều chủ thu mua cho biết sẽ ủng hộ chủ tàu cá trong việc này. Tuy nhiên, giá cả vẫn do thị trường điều tiết nên cũng sẽ còn nhiều hạn chế”.

Với ngư dân, đây là những lối ra giúp họ có thêm sự tự tin để bám biển. Tuy nhiên, họ cũng trải lòng mình về ước muốn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư thêm vào dịch vụ hậu cần nghề cá, vào các cơ sở chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu… Chỉ có vậy, ngư dân mới có thể hăng hái bám biển mưu sinh.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19 − 10 =

To Top