Connect with us

Thời kỳ “xâm thực” của Smartphone Trung Quốc

Tin quốc tế

Thời kỳ “xâm thực” của Smartphone Trung Quốc

Thị trường nội địa đã bão hòa khiến các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc (TQ) càng đẩy nhanh quá trình "xâm thực" thị trường nước ngoài.

Các nhà sản xuất smartphone TQ đang gia tăng sự hiện diện trên thị trường toàn cầu. Năm nay, hai thương hiệu lớn của TQ là Lenovo và Huawei Technologies giành được thị phần đủ đe dọa vị trí nhà sản xuất smartphone lớn nhất mà Samsung giữ trong hai năm qua. Trong khi đó, các thương hiệu khác của TQ cũng đang cố gắng để mở rộng ở thị trường nước ngoài càng nhanh càng tốt.

Coolpad, một hãng sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến, có kế hoạch chi hàng triệu USD trong năm nay để quảng bá thương hiệu ở các thị trường Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ.

Hãng điện thoại gây nhiều sự chú ý của dư luận là Xiaomi lên kế hoạch tấn công thị trường thế giới bằng nhiều con đường. Trong 6 tháng đầu năm, Xiaomi tiêu thụ được hơn 26 triệu smartphone, tăng 271% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 33 tỷ nhân dân tệ, tăng 149%.

Samsung đã ghi nhận những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên khi trong quý II vừa qua đã bị Xiaomi vượt mặt tại TQ. Với những con số khả quan này, Xiaomi đang tiếp tục mở rộng tại thị trường Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Âu.

Tại sao các thương hiệu TQ lại tập trung vào thị trường nước ngoài? “Thị trường smartphone của TQ đang bị bão hòa. Nếu muốn giữ tốc độ phát triển, bạn phải nhìn ra bên ngoài”, chuyên gia phân tích của BNP Paribas cho biết.

Theo hãng nghiên cứu IDC, từ năm 2011 đến năm 2013, TQ đã xuất khẩu smartphone tăng gấp bốn lần, nhưng tỷ lệ này hiện đang chậm lại. Trong khi đó, thị trường smartphone đang tăng trưởng mạnh tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh, nơi nhiều người tiêu dùng vẫn đang thay thế điện thoại di động cơ bản bằng smartphone.

Theo IDC, 89% điện thoại di động xuất xưởng tại TQ trong nửa đầu năm nay là smartphone.

Đối với các thương hiệu TQ, mở rộng ở nước ngoài là một cách để theo kịp sự phát triển và có thể đạt nhiều lợi nhuận hơn. Bởi vì, theo Giám đốc Điều hành Lenovo Yang Yuanqing mô tả TQ hiện là thị trường smartphone cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới. Lenovo, hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới, và Huawei, một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới của các thiết bị viễn thông. Cả hai đều có nguồn lực để cạnh tranh toàn cầu.

Tuần trước, Lenovo cho biết lô hàng smartphone xuất khẩu tới tháng 6 tăng gần gấp 4 lần ở thị trường Đông Nam Á. Còn các đơn hàng smartphone của Huawei trong nửa đầu năm nay tăng hơn gấp 6 lần ở thị trường Trung Đông, châu Phi, và gần gấp 4 lần ở thị trường châu Mỹ Latinh.

Điều đáng chú ý là phần lớn smartphone tiêu thụ ở TQ hiện nay là sản phẩm giá rẻ, dưới 1.500 nhân dân tệ (240 USD), do các công ty nội địa như Lenovo, Coolpad, TCL, ZTE, Xiaomi, Huawei… sản xuất.

Theo thống kê, TQ hiện có khoảng 100 công ty lớn nhỏ tham gia sản xuất smartphone. Nhiều phân tích dự báo “với chiến lược giá rẻ, Xiaomi và các hãng di động như Lenovo, Huawei và Yulong sẽ làm rúng động ngành công nghiệp di động thế giới trong vài năm tới” cho tới khi các nhà sản xuất smartphone phải thích ứng để đưa ra thị trường sản phẩm cấu hình mạnh mẽ nhưng giá bán rẻ hơn nhiều so với hiện tại.

Tuy nhiên, không phải tất cả các thương hiệu smartphone TQ cũng dễ dàng đạt được tham vọng. Trong khi Lenovo và Huawei có các nguồn lực tài chính để tăng cường các kênh phân phối ở nước ngoài, thì các thương hiệu có nguồn lực hạn chế hơn, như Coolpad và Xiaomi, có thể phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là sở hữu trí tuệ.

Một số công ty TQ thiếu bằng sáng chế quốc tế phải đối mặt với rủi ro với các vụ kiện nếu họ mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Đây cũng chính là lý do khiến Xiaomi quyết định không bán dòng smartphone Mi đang rất thành công tại thị trường Mỹ.

Tình hình này khiến Lenovo hồi đầu năm nay đã dốc tiền mua bằng sáng chế liên quan đến các công nghệ di động của công ty công nghệ Nhật Bản NEC. Hãng này cũng đang trong quá trình thương thảo mua lại Motorola Mobility của Google với giá 2,91 tỷ USD. Đây là một động thái tạo cho Lenovo khả năng thâm nhập các kênh phân phối mới cũng như bằng sáng chế.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19 − ten =

To Top