Connect with us

Thị trường di động sắp đến thời tăng cước?

Tin trong nước

Thị trường di động sắp đến thời tăng cước?

Cước di động đã chạm đáy nên không thể giảm sâu hơn và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại theo những cách tính khôn khéo của nhà mạng.

Bão hoà thuê bao, khó giảm cước

Với gần 115,2 triệu thuê bao di động đang hoạt động trên các nhà mạng, đây được xem là một con số bão hoà so với tỷ lệ dân số cũng như độ tuổi sử dụng tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc cạnh tranh, giành giật từng thuê bao với các hình thức giảm giá đã trở thành bài toán sống còn của các nhà mạng bởi để có được một thuê bao trung thành, các mạng di động phải bỏ ra số tiền gấp hàng chục lần dưới các hình thức marketing khéo léo.

Việc kéo dài các hình thức khuyến mại “trăm phần trăm”, nhân đôi, nhân ba giá trị thẻ trong suốt các năm qua và chỉ mới chấm dứt trong thời gian gần đây của các nhà mạng đã “làm hư” khách hàng.

Thay vì hài lòng với mức cước viễn thông hiện tại, người dùng lại tỏ ra chán nản với các mức khuyến mại kém hấp dẫn và sẵn sàng quay sang nhà mạng khác để được khuyến mại nhiều hơn, bất kể phải dùng thêm SIM hay đổi số.

Với con số 115 triệu thuê bao di động mà Tổng cục thống kê vừa đưa ra, có thể thấy con số này là một thực tế đầy nghịch lý bởi lẽ nó vượt quá cả dân số. Người dùng thì nhận xét là đất nước còn nghèo nên cước viễn thông phải… rẻ, nhà mạng thì kêu trời vì khuyến mại nạp thẻ không đủ hấp dẫn và người dùng mua SIM khuyến mại để gọi, sinh ra SIM rác, khó quản lý.

Hiện nay, trung bình cước thoại di động vào khoảng 950 đồng/phút (tính trung bình trên cước nội mạng và ngoại mạng) xấp xỉ 4,2 cent/phút, trong khi cước tin nhắn khoảng 330 đồng/tin SMS. Đây được coi là mức chạm đáy bởi trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia có cước dịch vụ di động rẻ nhất.

Một chuyên gia lĩnh vực viễn thông nhận xét: “Nhiều người nhận định rằng cước của Ấn Độ, Thái Lan hay Indonesia rẻ hơn nước ta ở mức dưới 2 cent/phút nhưng ít ai để ý được rằng cách tính cước của họ dựa trên các cuộc gọi nội mạng. Vậy nếu so với các hình thức khuyến mại của S-Fone ‘forever’, Vietnamobile ‘nói cả ngày’ hay Beeline ‘tỷ phú’ thì rõ ràng có khi ta còn rẻ bằng mấy lần họ”.

Hiện tại, người dùng di động Việt Nam chỉ quan tâm đến việc khuyến mại bao nhiêu %, tặng thêm bao nhiêu tin nhắn, phút thoại hay SIM rác nào tài khoản lớn nhất chứ không hề nghĩ đến việc sử dụng một số điện thoại bền vững bằng các gói cước trả sau.

Nhà mạng sẽ tăng cước một cách khôn khéo

Đứng trước một thực tế tiến thoái lưỡng nan, không thể giảm cước sâu hơn nhưng cũng không thể ra thông cáo tăng cước, các nhà mạng trong nước buộc phải tìm đến các chiêu thức mới nhằm tăng doanh thu của mình mà vẫn không làm mất lòng khách hàng.

Sẽ có một số gói cước được điều chỉnh về giá và việc điều chỉnh này sẽ không “gây sốc” cho người dùng bởi mức tăng không đáng kể và chưa ảnh hưởng nhiều đến các hình thức sử dụng. Đơn cử như việc một số gói cước gọi nhóm, gói cước nội mạng sẽ có điều chỉnh về cách tính trên từng phút gọi hoặc luỹ tiến – gọi nhiều mới được rẻ.

Ngoài ra, cách tính tiền tin nhắn SMS sẽ không còn theo từng SMS gửi đi thành công như hiện nay mà nhiều khả năng sẽ áp dụng cách tính theo từng gói lưu lượng. Với một thẻ nạp nhất định, người dùng sẽ được miễn phí một số lượng tin nhắn nội mạng nhất định và nếu vượt quá số tin nhắn miễn phí, cước tính sẽ cao hơn mức hiện tại. Vậy là vẫn làm người dùng di động hài lòng và sẽ khó phân biệt được việc cước dịch vụ của mình đang tăng và nhà mạng thì thu tiền một cách hợp pháp.

Việc thay đổi cách tính cước như vậy đối với một bộ phận người dùng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều bởi về bản chất họ không sử dụng hết các giới hạn này (phút gọi, tin nhắn). Còn một số khác dù bị ảnh hưởng nhưng mức tăng không đáng kể cũng không tạo tâm lý khó chịu bởi lẽ với đối tượng này cái họ quan tâm là chất lượng dịch vụ hơn là giá thành.

Dự kiến nhiều khả năng năm 2012, khi các nhà mạng bắt đầu một cuộc “thay da, đổi thịt” theo chu kỳ đầu tư bằng việc nâng cấp hạ tầng, nhiều khả năng lúc đó mới có một sự thay đổi về cước mang tính đồng bộ với những mức tăng rõ rệt hơn cùng các cách tính cước mới trên phút thoại.

Dù nói thế nào đi chăng nữa, khách hàng di động Việt Nam vẫn là một đối tượng đang được “chiều chuộng” nhất với mức cước thoại, tin nhắn và cả các dịch vụ băng rộng với giá rẻ hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo Vietnamnet

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 4 =

To Top