Connect with us

Thị trường bán lẻ: Quyết liệt trước giờ G

Tình huống thương hiệu

Thị trường bán lẻ: Quyết liệt trước giờ G

Theo cam kết gia nhập WTO, bắt đầu từ ngày 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam.

Chạy trước giờ G

Nếu như năm 2012, các DN bán lẻ trong nước ồ ạt mở điểm bán mới thì trong năm nay đầu tư mạnh mẽ hơn, tập trung mọi nguồn lực tài chính, hệ thống điểm bán, quản trị và gia tăng chất lượng dịch vụ. Trong đó, Saigon Co.op đã tăng cường độ phủ của tất cả các phân khúc, từ bán sỉ, bán lẻ, đến cửa hàng tiện lợi và thậm chí là bán hàng trên truyền hình.

Chỉ trong hai tháng 11 và 12, Saigon Co.op đã khai trương thêm 5 siêu thị Co.opmart tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tính chung, đến thời điểm này, Saigon Co.op có 68 siêu thị Co.opmart, 70 cửa hàng Co.op Food, 140 cửa hàng Co.op, 1 đại siêu thị Co.opXtra và kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op.

Citimart hiện có 1 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 6 siêu thị mini Family Mart, 8 cửa hàng tiện lợi Best&Buy và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư của thương hiệu này, đến năm 2017, Citimart sẽ có 100 siêu thị. Trong khi đó, hệ thống Maximark có 5 siêu thị tại TP.HCM, Cần Thơ, Khánh Hòa đang tiếp tục mở thêm siêu thị ở Bình Dương.

Không chỉ có DN chuyên bán lẻ mở rộng hệ thống mà các DN trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp cũng đầu tư vào siêu thị. Trong đó, Tập đoàn Sơn Hà thành lập chuỗi siêu thị Hiway. Theo kế hoạch của DN này, trong 5 năm (2012 – 2016) sẽ xây dựng 20 siêu thị bán lẻ kết hợp khu vui chơi mua sắm tiện ích tại Hà Nội và sau đó sẽ phát triển ở những thị trường trọng điểm trong cả nước.

Công ty CP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) mới đây cũng đã khai trương siêu thị thứ 5 tại Hà Nội. Nhà đầu tư này cũng đặt tham vọng đến cuối năm 2015 sẽ có 70 siêu thị trong cả nước. Tập đoàn Vingroup cũng tham gia thị trường bán lẻ bằng kế hoạch phát triển chuỗi VingKC trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng: “Mạng lưới là yếu tố sống còn của tất cả các nhà bán lẻ để xác lập thị phần, tăng trưởng doanh thu. Việc mở cửa thị trường bán lẻ sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Khi có đầy đủ các nhà bán lẻ lớn thì môi trường kinh doanh sẽ năng động hơn nhưng đồng thời cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt.

Điều này buộc các DN phải nâng tầm để cạnh tranh với những đối thủ tầm cỡ”. Với số lượng điểm bán mới nhiều nhất trên thị trường nhưng Saigon Co.op vẫn liên tục mở rộng mạnh lưới để có thể đạt 100 Co.opmart vào năm 2015, phát triển trung bình 15 Co.op Food, 1 – 2 đại siêu thị mỗi năm để phủ rộng các điểm bán.

Áp lực không nhỏ

Dù bị rơi khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được coi là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác nhờ quy mô và số lượng người tiêu dùng. Vì thế, các thương hiệu nước ngoài vẫn đang tăng tốc mở rộng sự hiện diện.

Trong đó, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc là Lotte Mart vừa khai trương hai siêu thị tại Bình Dương và Bình Thuận, nâng tổng số siêu thị của thương hiệu này lên con số 6. Dự kiến vào cuối năm nay, nhà đầu tư này sẽ tiếp tục đưa một siêu thị mới đi vào hoạt động.

Chuỗi siêu thị Big C mặc dù đã có 24 siêu thị nhưng trong kế hoạch vẫn không dừng lại việc mở rộng chuỗi. Không tiết lộ cụ thể mỗi năm sẽ mở bao nhiêu siêu thị mới nhưng ông Laurent Zécri, Tổng giám đốc Big C Việt Nam, cho biết, “sẽ không hạn chế số lượng điểm bán mỗi năm… nếu có mặt bằng”.

Trong khi đó, một thương hiệu mới đến từ Nhật là Tập đoàn Aeon cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa Aeon Mall đầu tiên tại Việt Nam hoạt động tại Celadon City, quận Tân Phú, TP.HCM vào tháng 1/2014. Tham vọng của nhà đầu tư này là sẽ đạt 10 trung tâm thương mại vào năm 2020.

Khi các DN trong nước và cả những nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam đang chạy nước rút để chuẩn bị cho thời điểm 2015 thì tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới Wall Mart đã có những bước chân đầu tiên vào thị trường.

Chưa biết khi nào siêu thị Wall Mart sẽ xuất hiện, nhưng hiện tại văn phòng đại diện của tập đoàn này đã thành lập và nhân viên Wall Mart đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Wall Mart đã đặt vấn đề mua hàng với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả nhà sản xuất nông sản sấy khô đứng đầu cả nước là Vinamit.

Cũng từ nguồn tin này, Wall Mart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo các chuyên gia, với hệ thống siêu thị toàn cầu, mỗi năm Wall Mart tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD hàng từ Trung Quốc. Nếu vào Việt Nam, đây sẽ là kênh xuất khẩu khá hiệu quả cho DN, nhưng cũng gây sức ép không nhỏ cho các nhà phân phối trong nước nếu tiềm lực tài chính không đủ mạnh.

Năm 2012, sức mua giảm sút và trước áp lực cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã hết sức khó khăn. Trong đó, Fivimart đã phải đóng cửa các siêu thị ở TP.HCM và trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư.

Hệ thống Hapro giảm kế hoạch phát triển mạng lưới, đưa siêu thị ra các vùng ven Hà Nội. Trong khi đó, nếu như trong nửa năm đầu 2012, Vinatexmart mở đến 13 siêu thị mới thì từ đầu năm đến nay, đơn vị này chưa mở thêm điểm bán mới nào.

Chỉ mới có Metro, Big C, Lotte… mà nhiều DN trong nước đã hết sức khó khăn. Không biết khi thị trường có thêm Aeon, Wall Mart…, các DN Việt Nam sẽ như thế nào? Ông Nguyễn Ngọc Hòa thừa nhận là hiện nay, các DN Việt Nam cạnh tranh ở thế không cân sức với các đối thủ nước ngoài.

“Không cân sức không chỉ về tài chính, kinh nghiệm mà còn ở sức mạnh mang tính hệ thống toàn cầu của các đối thủ”, ông Hòa nhận định. Bởi thế mà không có cách nào khác là phải nâng cả “chất” và “lượng” bằng việc phát triển độ phủ của các điểm bán lẻ đồng thời với việc nâng cao chỉ số thỏa mãn khách hàng để giữ vững thị phần trong nước.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × 4 =

To Top