Tin trong nước
Sốt bia và đạo đức kinh doanh
Cứ tết sắp đến là bia lại “sốt” giá. Doanh nghiệp (DN) sản xuất thì cứ bảo là đã cố gắng không tăng giá bia, bảo là cung cấp đủ bia cho thị trường.Thế nhưng thực tế là có chuyện bia tăng giá và khan hiếm. Nhiều người hỏi mua bia thì nơi bán bảo hết hàng hoặc có bia nhưng giá cao. Tâm lý người tiêu dùng ngại chuyện tết nhất, khách đến chơi nhà mà chạy đi mua lại không có bia. Vì vậy phải mua bia trữ từ trước tết. Mua trữ dư dả tí chứ đâu có trữ thiếu. Nhiều người nghĩ tết uống không hết thì sau tết uống tiếp, không lỗ lã gì chứ không trữ thì đến khi có khách lại không có bia lai rai.
Một chuyên viên quản lý về thương mại của TP.HCM có lần đưa ra “thuốc” chữa sốt giá ảo. Sốt ảo là khi giá từ nhà sản xuất không tăng, nguồn cung không thiếu hụt nhưng ở các khâu phân phối có “đầu cơ”, “ghim hàng” tạo sốt ảo khiến người tiêu dùng mua hàng với giá cao. Cách chữa sốt ảo là khuyến khích, hỗ trợ DN sản xuất lập những điểm bán hàng với giá thực để “bình ổn” tâm lý người tiêu dùng. Người tiêu dùng biết những điểm bán hàng này, yên tâm về giá cả, nguồn cung thì sẽ chẳng nháo nhào đi mua hàng giá ảo. Những điểm bán giá cao buộc phải bình ổn giá chứ không ghìm hàng, làm giá được nữa.
Nếu vào dịp tết mà người tiêu dùng có được những địa chỉ tin cậy để có thể mua bia với giá thực và không bị báo “hết hàng” thì sao? Có thể là không sốt giá bia nữa và người tiêu dùng cũng không cần mua bia dự trữ nữa.
Bia, nói cho cùng không phải là mặt hàng thiết yếu gì, nếu không nói là có phần xa xỉ. Thế nhưng phải thấy rằng việc “sốt giá”, mua dự trữ… đã góp phần thúc đẩy lượng tiêu thụ bia. Ở nhiều gia đình, hết tết rồi mà vẫn còn mấy thùng bia “tồn đọng”. Có bia sẵn trong nhà thì cũng dễ có cớ tụ họp bạn bè nhằm tiêu thụ nhanh nhanh!
Xét về góc độ quy định pháp luật thì DN bia không có nghĩa vụ “bình ổn” giá bia dịp tết, cũng không có nghĩa vụ quản lý giá cả bán ra ở các đại lý của mình. Thế nhưng xét về đạo đức kinh doanh thì sao?
Theo PLTPHCM