Connect with us

Siri: Vũ khí mới của Apple

Tin quốc tế

Siri: Vũ khí mới của Apple

Sự xuất hiện của Siri không chỉ đe dọa Voice Actions của Google hay Voice Command của Microsoft mà còn khiến cuộc cạnh tranh về kích cỡ màn hình giữa các hãng điện thoại gần như vô nghĩa.

Xuất hiện cùng iPhone 4S cách đây vài tuần, Siri không chỉ nhận được nhiều lời khen từ người sử dụng mà còn hứa hẹn là một vũ khí chiến lược mới của Apple nhằm vào Google hoặc Microsoft.

Siri và 6 đặc tính nổi bật

Siri là ứng dụng nhận dạng giọng nói tốt nhất từ trước đến nay dù sản phẩm này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Với việc công nghệ nhận dạng giọng nói sẽ bùng nổ trong 15-20 năm tới, rõ ràng Siri đang sở hữu lợi thế rất lớn của một sản phẩm tiên phong về công nghệ.

Thứ hai, Siri sở hữu một cá tính chứ không chỉ là công cụ nhận dạng giọng nói đơn thuần. Đây chính là yếu tố tạo nên sức hút của ứng dụng này. Bởi lẽ, người dùng sẽ cảm nhận Siri như một thư ký riêng, với một cá tính vui nhộn, thông minh.

Thứ ba, Siri là sản phẩm khó sao chép. Một ứng dụng nhận dạng giọng nói thành công cần có 2 phần: công nghệ nhận dạng giọng nói và bản thân ứng dụng đó. Yếu tố đầu tiên đơn thuần chỉ là một loại hàng hóa. Sự khác biệt nằm ở yếu tố thứ hai, vốn là sự kết hợp của nghệ thuật và trí tuệ nhân tạo, rất khó bị sao chép. Đó là lý do vì sao Apple mua lại Siri hồi năm ngoái. Không thể phủ nhận Google có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhận dạng giọng nói và đã phát triển nhiều ứng dụng nhận dạng giọng nói đơn giản. Tuy nhiên, cái họ thiếu là cá tính và trí tuệ nhân tạo của Siri, sản phẩm của sự giao hòa giữa tính người và công nghệ.

Thứ tư, Siri có khả năng thu thập thông tin cho người dùng. Trước đây, Siri từng là giao diện thu thập thông tin mới chạy trên máy tính để bàn, nhận lệnh bằng các ký tự văn bản từ người dùng và tìm kiếm thông tin, giống như công cụ tìm kiếm của Google hiện nay. Nhưng Siri ngày nay sở hữu nhiều cải tiến mạnh mẽ hơn, có thể chạy trên smartphone và thiết bị cầm tay, xử lý được lệnh bằng giọng nói của người dùng để tự tìm kiếm bằng công cụ Google, kết hợp với Wolfram Alpha, máy trả lời thông minh ra mắt vào tháng 5.2009. Khi các sản phẩm của Apple và bản thân ứng dụng Siri ngày càng phổ biến, có lý do để tin tưởng rằng Siri sẽ là giao diện tìm kiếm thông tin thách thức và đe dọa sự thống trị của Google.

Thứ năm, Siri sẽ tăng trưởng vượt bậc trong vài năm tới nhờ lượng dữ liệu khổng lồ mà ứng dụng này thu thập được. Đây chính là lợi thế to lớn của Siri so với các ứng dụng khác hiện có hoặc đang được phát triển. Được biết chỉ 1 tuần sau ngày ra mắt 4.10, Siri đã được cài đặt trên hơn 4 triệu thiết bị, mỗi thiết bị lại thu thập được tối thiểu 1-2 lệnh thoại mỗi ngày. Nguồn dữ liệu quý giá này giúp Siri cải tiến không ngừng. Hiện nay, Siri đã có thể trả lời bạn theo cách vô cùng hài hước nhưng chỉ vài năm nữa, ứng dụng này sẽ trở thành người bạn thân, hiểu bạn còn hơn những gì bạn hiểu về mình.

Và sau cùng, Siri sẽ mở giao diện lập trình ứng dụng (API) của mình cho các chuyên gia lập trình độc lập và nhờ đó số lượng thiết bị sử dụng Siri sẽ gia tăng. Điều gì sẽ xảy ra khi các chuyên gia lập trình có thể tích hợp Siri vào những trang web chuyên về ăn uống, vui chơi như Yelp, OpenTable? Và giống như những gì đang diễn ra với iPhone và iPad, Apple sẽ sở hữu lợi thế dẫn đầu về các ứng dụng được phát triển độc lập. Tiềm năng phát triển của ứng dụng này vẫn còn rất lớn, bởi hiện tại Siri mới trong giai đoạn thử nghiệm và được tích hợp sẵn trong iPhone 4S và hệ điều hành iOS.

 

Khác biệt so với sản phẩm của Google và Microsoft

Tháng 1.2010, Google tung ra điện thoại Google Nexus One, cho phép người dùng sử dụng giọng nói để ra lệnh tìm kiếm. Tháng 8.2010, Google giới thiệu ứng dụng Voice Actions trên nền Android, mở rộng khả năng thực hiện những câu lệnh thoại. Micrsoft thậm chí còn khởi đầu sớm hơn cả khi giới thiệu ứng dụng nhận dạng giọng nói mang tên Voice Command cho sản phẩm Windows Mobile vào năm 2003.

Nhìn chung, ứng dụng Siri của Apple, Voice Actions của Google hay Voice Command của Microsoft khá giống nhau, bao gồm các tính năng như soạn thảo tin nhắn hay email, chỉ đường, quay số bằng giọng nói, xem bản đồ, viết ghi chú, chơi nhạc, lướt web… Tuy vậy, sự khác biệt lớn nhất ở Siri là tính tương tác thông minh của ứng dụng này.

Nếu như Google Voice Actions giống Voice Command của Microsoft đòi hỏi người dùng phải nhớ chính xác những câu lệnh thì ngôn ngữ giao tiếp giữa người dùng với Siri gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp đời thường hơn. Người dùng không cần nhớ chính xác câu lệnh mà Siri vẫn có khả năng hiểu nội dung câu hỏi dù được hỏi theo nhiều cách khác nhau, mang cảm giác như bạn đang trò chuyện với một người thật.

Hiện nay, Google có thể dựa vào các công ty phát triển ứng dụng độc lập chạy trên nền Android để giúp tăng doanh số. Tuy nhiên, sở hữu một ứng dụng tự phát triển mang tính “cách mạng” như Siri và được đông đảo thị trường đón nhận luôn có ảnh hưởng quan trọng hơn.

Sự xuất hiện của Siri không chỉ đe dọa Voice Actions của Google hay Voice Command của Microsoft mà còn khiến cuộc cạnh tranh về kích cỡ màn hình giữa các hãng điện thoại hiện nay gần như vô nghĩa. Phát biểu trước ủy ban chống độc quyền hồi đầu tuần (8.11.2011), ông Eric Schmidt, Chủ tịch của Google, thừa nhận ứng dụng Siri của Apple là “mối nguy cơ cạnh tranh” của Google. “Ứng dụng Siri của Apple là bước phát triển quan trọng. Đây là một phương tiện kích hoạt bằng giọng nói giúp tìm kiếm câu trả lời thông qua chiếc iPhone thể hiện nhiều đột phá trong khâu tìm kiếm”, ông nói thêm.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 − 11 =

To Top