Tình huống thương hiệu
Running Man và quy luật “đầu tiên”
Chiếc chuyên cơ chở GS. Wenger và cầu thủ Arsenal đã bay đi từ lâu. Chỉ có người ở lại vẫn đang "chạy" vì sung sướng từ hiệu ứng do "Running Man" mang lại.Trên trang Goal.com phiên bản tiếng Anh đưa tin về “Running Man”, cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ Xuân Tiến đã trở thành một cái tên đáng chú ý và nhận được rất nhiều sự tìm kiếm trên Google cũng như trên internet (hơn 20 triệu kết quả). Mát mặt quá. Thế này thì tội gì không “nổ” nhỉ?
“Giờ thì Việt Nam không còn cái tên xa lạ với những thương hiệu hàng đầu… Và giờ đây cổ động viên Việt Nam, bóng đá Việt Nam đã trở nên có giá” (Báo Bóng Đá). “Thật tự hào bóng đá Việt Nam”, “cổ động viên Việt Nam cuồng nhiệt nhất thế giới”, “Arsenal choáng vì tình yêu bóng đá của người Việt”…
Nhà có cỗ đón khách đến chơi thì cứ bốc đồng chút cho vui. Nhưng nổ tưng tưng thế này thì hàng xóm cười cho. Năm nào những Man United, Chelsea hay Arsenal chẳng bay show sang Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia. Cùng thời gian Arsenal sang Việt Nam, dân Thái còn được xem cả Man United và Chelsea trình diễn lần lượt chỉ trong vòng một tuần.
Vừa thấy mấy tờ Mirror, Telegraph hay The Guardian bên Anh đưa tin về “Running man” mà đã tự nhận “bóng đá Việt Nam trở nên có giá” thì đúng là quá đà. Nếu chúng ta “có giá” thì nền bóng đá của mấy anh láng giềng bao năm nay tăng giá đến đâu?
Thật khổ! Có cảm giác Việt Nam ta như gái quê miền sơn cước. Bao năm nay quen giao du với trai làng, nay bỗng dưng được một chàng trai thành thị ở tận bên Anh về thăm chơi mấy ngày nên vui sướng râm ran mãi không thôi. Mà trai thành thị nó dẻo mồm lắm, sang Indonesia khen cuồng nhiệt, sang Nhật khen shusi ngon, sang Thái khen gái Thái cười duyên…
Lợi ích mang lại của quy luật “The first” (đầu tiên) trong marketing giờ đây được ngài giáo sư kinh tế Wenger ngồi rung đùi khai thác. “Pháo thủ” là người đầu tiên “khai hỏa” vào một thị trường màu mỡ (của tương lai).
Mấy ông Man United lắm fan, Chelsea nhiều tham vọng và Man City lắm tiền cứ việc “ngửi khói” nhé. “Running Man” là câu chuyện thương hiệu được con mắt chuyên nghiệp tinh đời Wenger dựng lên để khuếch trương thanh thế cho Arsenal. Việt Nam vô tình được thơm lây thôi. Đừng vì nó mà quên đi trình độ thật.
Sẽ không ít fan bóng đá mỗi năm đến Hè lại đỏ mắt trông mong chuyên cơ sang trọng của Man United, Arsenal, Chelsea hay Liverpool. Họ chắc hẳn đang rắp tâm làm những “Running Man” phiên bản XYZ để có dịp một bước lên tiên. Cứ mơ mộng thôi các chàng trai. Nhưng tại xứ sở là vùng trũng bóng đá thế giới này, chúng ta cũng nên học kiên nhẫn với những giấc mơ.
Nếu năm sau “người ta” chẳng thèm đến thì cũng không nên thất vọng. Vì trong mắt những nhà quản lý marketing sừng sỏ toàn cầu, thị trường Việt Nam vẫn như thân phận của gái quê – chưa đủ hấp dẫn để dụ dỗ trai thành thị ghé chơi thường xuyên. Chỉ có điều này sẽ còn là “mồi câu” kêu gọi khách VIP đến thăm: kịch bản cho một Running girl sexy hơn, tươi trẻ hơn.
Theo DNSG