Connect with us

Hoàng Anh Gia Lai và khúc ngoặt 2014 của BĐS

Tình huống thương hiệu

Hoàng Anh Gia Lai và khúc ngoặt 2014 của BĐS

Những gì đã, đang xảy ra và có thể sẽ xảy đến với HAG xứng đáng như một dấu chỉ, đặc biệt đối với những người đang trằn trọc với tương lai trung hạn và cả dài hạn của thị trường BĐS Việt Nam.

Khúc ngoặt đã được tiên liệu

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã từng trải qua buổi bình minh êm dịu, trước khi ánh hoàng hôn đầu tiên hiện ra.

Có thể vào đầu năm 2009, Đoàn Nguyên Đức đã tiên liệu đúng khi quyết định giảm đến 40% giá bán căn hộ cao cấp để nhanh chóng thu hồi vốn. HAG cũng vì thế đã trở thành một trong số không nhiều những doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tạm thoát khỏi mớ bòng bong của giai đoạn suy thoái sau khủng hoảng.

Kể ra đó cũng là một thành công không nhỏ.

Nhưng cơn dư chấn của khủng hoảng kinh tế lại đến nhanh hơn cả dự cảm của những đại gia giỏi nhất. Sau thời đoạn 2010 chỉ có ý nghĩa như một sự chuyển tiếp, năm 2011 đã trở nên đủ xấu mà đã nhấn chìm gần như toàn bộ giới kinh doanh BĐS trong ráng chiều tà ảm đạm.

Khúc ngoặt cũng hiện ra từ đó.

Từ vị thế một doanh nghiệp đầu đàn, HAG lại trở thành “vật tế thần” với gần 3.000 tỷ đồng giá trị tồn đọng, chủ yếu từ phân khúc căn hộ. Đây cũng là giá trị thuộc vào hàng quy mô lớn nhất trong số các doanh nghiệp BĐS lớn nhất đang sa chân vào cơn bĩ cực lớn nhất trong sự nghiệp của mình.

Kỷ lục lớn nhất trong lịch sử tồn tại của HAG còn được minh họa bằng những con số nợ ngân hàng cùng với giá trị mất mát từ cổ phiếu sở hữu trong năm 2011.

Vấn đề chỉ còn là thời gian cho những xác nhận và thừa nhận.

Những dấu hiệu bất ổn về tài chính ở HAG cũng kéo theo một tín hiệu thay đổi về chiến lược đầu tư của Đoàn Nguyên Đức. Trong một nội dung rất ngắn gọn trả lời phỏng vấn báo chí vào đầu tháng 12/2011, ông bất ngờ đưa ra tuyên bố là HAG sẽ rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS sau 3 năm tới.

Nghĩa là đến năm 2014 hoặc 2015, có thể Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Mỹ Standard & Poor (S&P) sẽ không còn tiêu chí BĐS như một cơ sở chính để xếp hạng tín nhiệm và minh bạch tài chính đối với HAG.

Sư thay đổi đột ngột về quan điểm của ông Đức có thể khiến nhiều cổ đông của ông bị hẫng hụt. Chỉ cách tuyên bố này có vài tháng, chính ông còn bộc lộ mơ ước rằng chậm nhất đến năm 2014, ông sẽ trở thành tỷ phú thế giới.

Điều gì đã xảy đến trong tư tưởng và tâm trạng của nhà tỷ phú Việt Nam này?

Rất có thể, giấc mơ trở thành tỷ phú thế giới của Đoàn Nguyên Đức sẽ có cơ hội được hiện thực hóa sớm hơn, nếu HAG không bất ngờ bị S&P hạ bậc tín nhiệm từ ‘B’ xuống ‘B-‘ cũng trong tháng cuối cùng của năm 2011.

Thất bại chưa được tiên liệu?

Dĩ nhiên màu sắc u ám hoặc u tối của thị trường BĐS Việt Nam không còn là vấn đề phải bàn cãi. Nhưng một hy vọng vào tương lai của nó cũng là điều mà ít ra trong 3 quý đầu năm 2011, Đoàn Nguyên Đức vẫn giữ được thái độ tự tin, ở một mức độ cao vượt hẳn so với tâm trạng trầm uất của nhiều đại gia BĐS khác.

Vào thời điểm được Wall Street Journal – một tờ báo có uy tín bậc nhất trong hệ thống truyền thông tài chính của Mỹ – bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ với báo giới: “Ước mơ này không chỉ của riêng tôi đâu mà bất cứ ai dấn thân vào thương trường đều mong muốn điều đó. Tôi không viển vông khi đặt ra tham vọng như vậy và ngày đó sẽ không xa nữa đâu. Nếu thị trường tài chính Việt Nam tốt, cái đích “tỷ phú thế giới” của tôi đã có thể đạt được. Nhưng thời gian qua kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn nên mục tiêu mà tôi đặt ra đã bị chậm lại”.

Lời bộc bạch hiếm thấy như trên ở một tỷ phú Việt Nam thật đáng cho những người quan tâm đến “hiện tượng Đoàn Nguyên Đức” lưu tâm. Gần như lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, ông không ngần ngại nói thẳng về mục tiêu và động cơ hướng đến một thứ quyền lực tinh thần – như một triết lý đặc thù của “tầng lớp tinh hoa Phố Wall”.

Nhưng cũng gần như lần đầu tiên từ năm 2007 đến nay, Đoàn Nguyên Đức thừa nhận về một thất bại nào đó của ông trong kênh đầu tư tài chính.

Hẳn nhiên, giới phân tích tài chính từ lâu đã quá biết về Đoàn Nguyên Đức không chỉ là một đại gia BĐS mà còn là một trong những người có tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Mã cổ phiếu mà ông Đức nắm giữ nhiều nhất là HAG.

Vào thời thịnh trị của thị trường cổ phiếu, thị giá của HAG là rất cao, và do đó cũng đẩy khối tài sản chứng khoán của ông Đức lên mốc đỉnh. Nhưng nếu cả Tập đoàn Citigroup hay nhà tỷ phú Warren Buffett của Mỹ cũng không thể thoát khỏi những hệ quả đáng sợ từ khủng hoảng kinh tế năm 2008, thì trường hợp các tỷ phú Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Thậm chí giai đoạn hậu suy thoái diễn ra ở Việt Nam còn lâu dài hơn. Từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2011, chỉ số chứng khoán VNI mất 40%, còn chỉ số HNX của sàn Hà Nội sụt đến hơn 70%. Giá cổ phiếu HAG của Đoàn Nguyên Đức cũng vì thế mà lao dốc không ngừng.

Một kết luận tạm thời cần được nêu ra, và có thể là sự khẳng định rất quan trọng, là chính Đoàn Nguyên Đức đã trở thành một trong vô số nạn nhân của đà suy giảm nghiệt ngã của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ít nhất hai năm qua. Nhìn nhận khách quan hơn, có thể vai trò nạn nhân của ông cũng bị lồng trong một chiến dịch đánh xuống thị trường, được thực hiện một cách đầy tinh vi và chủ động của “bàn tay vô hình” – một nhóm đại gia lũng đoạn tài chính, từ khoảng giữa năm 2010 đến nay.

 

Dấu chỉ về thị trường BĐS từ năm 2014?

Điểm thắt trong chiến lược phát triển của HAG cũng vì thế đã hiện ra. Những khoản nợ dài hạn và ngắn hạn của HAG đối với một số ngân hàng đã có dịp được đưa ra mổ xẻ, với con mắt nghiêng về bi quan nhiều hơn.

Vào thời điểm cuối năm 2011, tình thế của HAG đã trở nên khó khăn, nếu không muốn nói còn hơn như thế. Những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng về cao su, thủy điện của HAG ở Lào phải đến năm 2013 trở đi mới phát huy tác dụng về doanh thu và lợi nhuận. Trong khi đó, có vẻ việc khai thác khoáng sản của công ty này ở Lào và Campuchia đã chưa được toại nguyện do vấn đề thủ tục.

Ít nhất, tổ chức S&P, trong quá trình thiết lập những cơ sở xếp hạng cho HAG, cũng đã lưu ý đến việc trong năm 2012 và cả 2013, công ty này vẫn phải dựa vào nguồn thu từ lĩnh vực BĐS là chủ yếu.

Có thể đó là một nghịch lý rất nghiệt ngã. Tài sản tồn đến gần 3.000 tỷ đồng, nhưng lại không tiêu thụ được. Con số này nằm trong tình cảnh lượng căn hộ trung – cao cấp đang bị tồn ứ đến 50.000 ở TP.HCM và khoảng 100.000 nếu tính cả Hà Nội và Đà Nẵng.

Một cách nhìn được nêu ra là chưa cần bàn đến kế hoạch phát triển hay giấc mơ tỷ phú đô la của Đoàn Nguyên Đức, mà chỉ cần trong năm 2012, HAG có đủ tiền để trả nợ ngắn hạn và lãi vay cho ngân hàng cũng sẽ là một thành công.

Nhưng trước khi đạt đến điểm thành công, quá trình diễn ra của nó lại bao hàm những mâu thuẫn. Sau động thái tuyên bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS, Đoàn Nguyên Đức lại có động tác “đính chính” về vấn đề này: “HAG coi BĐS là một trong những ngành kinh doanh chủ lực trong chiến lược phát triển cùng với cao su, thủy điện và khoáng sản”.

Để thuyết minh cho sự lặp lại quan điểm truyền thống trên, Đoàn Nguyên Đức cũng đề ra kế hoạch trong năm 2012 sẽ đưa ra thị trường 2.500 căn hộ với giá hợp lý, cùng với phương thức thanh toán dễ chịu, phù hợp với thị trường BĐS.

“Quỹ đất của HAG đủ để đầu tư phát triển trong 10 năm chưa hết. Chúng tôi sẽ luôn giữ vị trí số 1 ở phân khúc thị trường căn hộ” – ông bổ sung.

Tuyên bố trên có thể khiến một số trong giới phân tích BĐS ngỡ ngàng, bởi từ trước đến nay họ chưa quen với sự thay đổi của Đoàn Nguyên Đức trong những vấn đề liên quan đến chiến lược hoạt động, phương châm hành động và thái độ kinh doanh.

Lại đã có một điều gì đó không ổn trong cách nhìn về thị trường BĐS của Đoàn Nguyên Đức. Khác với thời gian trước, vẻ tự tin đã không còn giữ được nguyên vẹn trong khẩu khí và sắc thái của ông.

Cũng khác với những phát ngôn trước, lần này thái độ của ông biểu hiện như một khách thể đang phải chịu đựng tình thế nan giải của hoàn cảnh khách quan, hơn là một tâm thế chủ động vốn có.

Cũng như quy luật biến đổi của tự nhiên, không một thực thể doanh nghiệp nào lại vĩnh viễn bất biến. Trước mắt, những biến đổi liên tiếp của thời cuộc và nền kinh tế sẽ níu áo doanh nghiệp BĐS vào hai thời điểm cuối quý 2 và cuối năm 2012.

Tức trong thời gian một năm nữa, doanh nghiệp BĐS vẫn còn có thể được quyền tự quyết về số phận của mình. Nhưng rất khác với năm 2007, giá trị tự quyết trong năm 2012 sẽ bị hạn hẹp đáng kể về ý nghĩa sinh học.

Hoặc, doanh nghiệp BĐS có quyền tự quyết nhưng không còn sự chọn lựa nào khác.

Có lẽ với  Đoàn Nguyên Đức, một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiếm hoi có trực giác mạnh và chính xác về thời vận, tất cả mọi nẻo đường đều đang dẫn đến điểm quyết định: năm 2014.

Vào thời điểm đó, dù muốn hay không, doanh nghiệp BĐS sẽ phải có một quyết định mang tính “cách mạng” để hoàn toàn thoát khỏi bóng đêm nợ nần và cơn ác mộng đóng băng hàng hóa.

Những gì đã, đang xảy ra và có thể sẽ xảy đến với HAG xứng đáng như một dấu chỉ, đặc biệt đối với những người đang trằn trọc với tương lai trung hạn và cả dài hạn của thị trường BĐS Việt Nam.

Theo Vef

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × five =

To Top