Tin trong nước
Đua nhau xây kho ứng dụng cho điện thoại di động
Thị trường hứa hẹn cuộc đua nóng hơn giữa các nhà cung cấp, nhà mạng, doanh nghiệp cung ứng nội dung và các nhà lập trình độc lập khi mà chỉ trong hai tuần qua, cả Intel, RIM và Nokia đồng loạt tung ra các chương trình thu hút đối tác phát triển nội dung ứng dụng.Cuối tuần rồi Research In Motion (RIM) công bố ra mắt trung tâm quản lý BlackBerry – một dịch vụ trực tuyến miễn phí cho phép doanh nghiệp có thể quản lý và điều hành mạng lưới nhân viên của mình đang sử dụng điện thoại BlackBerry. Nhà cung cấp này hôm qua (28.8) cũng chính thức ra mắt kho ứng dụng App World với một số ứng dụng tiêu biểu cho thị trường Việt Nam và công bố hỗ trợ các nhà phát triển trong nước phát triển ứng dụng cho hệ điều hành RIM.
Tuần rồi Nokia cũng ký hợp tác với hai trường đại học lớn tại TP.HCM mở trung tâm ứng dụng di động để thu hút sinh viên phát triển nội dung. Theo ông Neil Gordon, phó chủ tịch bộ phận bán hàng Đông Nam Á – Thái Bình Dương, Nokia muốn thúc đẩy sự sáng tạo trong giới trẻ và hỗ trợ những sáng kiến địa phương nhằm tạo hệ sinh thái ứng dụng di động cho các lập trình viên và bảo đảm đội ngũ phát triển chuyên nghiệp sẵn sàng hỗ trợ cho các nền tảng điện thoại của hãng này.
Phát triển qua kênh đối tác
Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, cho rằng thị trường ứng dụng di động trên thế giới đang mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà lập trình và phát triển nội dung. Xu hướng này cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam vì khi điện thoại thông minh phổ biến thì các kho ứng dụng sẽ là nơi các hãng cung cấp thiết bị đầu cuối hướng đến.
Samsung Vina năm ngoái đã tung ra chương trình phát triển ứng dụng nhắm vào thị trường trong nước đi liền với chiến lược phát triển hệ điều hành riêng Bada, từ chín đối tác chiến lược công bố năm ngoái đến nay đã mở rộng lên 20 đối tác.
Intel mới đây cũng công bố sẽ thông qua đối tác Nguyễn Kim triển khai kho ứng dụng nhằm vào người dùng Việt Nam. Đây là một trong những bước đi mới nhất của nhà cung cấp này thông qua đối tác trực tiếp, sau khi hai năm trước Intel đã hợp tác với hội Tin học TP.HCM thu hút các nhà phát triển phần mềm Việt Nam tham gia kho ứng dụng của mình.
Với cuộc chạy đua giữa các nhà cung cấp, các lập trình viên tại Việt Nam sẽ có được những hỗ trợ cần thiết hơn từ những nhà phát triển hệ điều hành và cung cấp nền tảng ứng dụng toàn cầu. Theo ông Đạo, khi có nguồn ứng dụng phong phú cho người dùng, nhà cung cấp có thêm lợi thế để giảm giá thành thiết bị và kỳ vọng tạo ra một cộng đồng đông đảo người dùng smartphone của mình.
Nhà nhà xây “kho”
Một thời gian dài các nhà mạng ngủ quên về dịch vụ nội dung, sau khi mạng 3G ra đời, việc đói ứng dụng đã thúc đẩy các doanh nghiệp có thế mạnh vào cuộc, thì các nhà mạng cũng tăng tốc. Viettel thu hút các đối tác tham gia kho ứng dụng mStore; Mobifone cũng mở mSpace. FPT đã đi sớm hơn trong dịch vụ nội dung nhưng thật sự có chiến lược khi phát triển điện thoại F-Mobile đi liền với kho nội dung F-Store. TMA, VNG cũng đưa nhiều ứng dụng lên kho tải của các nhà cung cấp để thu hút người dùng…
Đại diện truyền thông Mobifone cho biết dịch vụ nội dung của mạng này có mức tăng trưởng hàng năm hơn 25% và kỳ vọng tăng nhanh trong những năm tới. Thực tế cho thấy khách hàng Việt Nam đang sử dụng các ứng dụng di động rất đa dạng và phổ biến nhưng các ứng dụng riêng từ Việt Nam thì còn hạn chế. “Chúng tôi đang tìm cơ chế hợp tác linh hoạt với các nhà cung cấp nội dung để đa dạng hoá ứng dụng cho khách hàng của mình”, đại diện nhà mạng này cho biết.
Theo ông Trần Phúc Hồng, giám đốc trung tâm di động TMA, sự thành công của mạng 3G là do dịch vụ quyết định, nếu có quá ít dịch vụ sẽ không thu hút người mua smartphone và dùng mạng 3G. Thường các doanh nghiệp lớn sẽ đi đầu và tạo ra sức hút đối với cộng đồng, các ứng dụng sau đó sẽ len lỏi vào các ngành. Thị trường hiện cho thấy các nhà cung cấp thiết bị tại Việt Nam đã cạnh tranh mạnh trong mảng này, tuy nhiên để thành công cần vai trò quan trọng của nhà mạng. Thị trường chỉ thật sự mạnh khi nhà mạng chịu bắt tay với các nhà phát triển và cung cấp nội dung để có nhiều dịch vụ mới.
Ông Hồng còn cho rằng ứng dụng di động là lĩnh vực luôn mới và sáng tạo, doanh nghiệp trong nước nếu có sản phẩm độc đáo có rất nhiều cơ hội tham gia vào các kho ứng dụng toàn cầu. Xu hướng thị trường còn là sự kết hợp giữa các đối tác trong và ngoài nước, các bên bổ sung cho nhau về công nghệ, tài chính, nhân lực, và mạng lưới phân phối để giảm thời gian nghiên cứu phát triển và đưa ứng dụng ra cộng đồng.
Theo SGTT