Connect with us

Ôtô thuần Việt: Làm dễ, cạnh tranh khó

Tin trong nước

Ôtô thuần Việt: Làm dễ, cạnh tranh khó

Công nghiệp ôtô Việt Nam được xem như chưa có gì, ôtô thương hiệu Việt vẫn còn là ẩn số. Các chuyên gia kỹ thuật cho rằng nghiên cứu chế tạo ra chiếc ôtô mang thương hiệu Việt không phải là không thể.

Việt Nam là thị trường trên 86 triệu dân (thống kê năm 2009), thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 1.168 USD/năm, dự báo đến năm 2020 sẽ là 2.844 USD/năm (Tổng cục Thống kê, 2010). Cùng với dân số trẻ, Việt Nam được đánh giá là nước có nhu cầu tiêu dùng mạnh và đang trở thành thị trường tiềm năng lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Tỉ lệ xe tính trên đầu người hiện nay khoảng 18,7 xe/1.000 dân. Tỉ lệ này là rất thấp vì chỉ tương đương với Thái Lan năm 1995 là 18,5 xe/1.000 dân. Nhu cầu sử dụng ôtô của người dân, đặc biệt là ôtô loại từ 4 đến 9 chỗ ngồi, dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Vậy năng lực sản xuất của Việt Nam như thế nào? Ông Phạm Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, cho biết, theo công suất thiết kế các doanh nghiệp sản xuất ôtô cả nước có tổng công suất sản xuất lắp ráp xe hiện nay là khoảng 458.000 xe/năm, tỉ lệ sản xuất trong nước (chủ yếu là lắp ráp) so với tổng cầu năm 2010 chỉ đạt 68,32%.

 

Ôtô Việt, còn nhiều nghi ngại

Thoạt nhìn có thể thấy thị trường ôtô Việt Nam đang sôi động và năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ nội địa hóa mới chỉ đạt 3-5% trên tổng giá trị sản xuất mỗi sản phẩm ôtô. Phần còn lại là lắp ráp, như vậy giá trị sản xuất thực lại thuộc về chính hãng của các loại xe đang được phân phối tại thị trường Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) cho rằng, nhiều công ty báo cáo doanh số tăng qua từng năm nhưng thực chất là doanh số của các hãng nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước chỉ hưởng phần chênh lệch giá chút ít. Lao động kỹ thuật cao trong các dây chuyền lắp ráp ôtô chủ yếu là người nước ngoài.

Do đó việc sử dụng lao động trong nước và chuyển giao công nghệ không đạt được mục tiêu đã đề ra. Vị này còn cho rằng, hoạt động lắp ráp hiện nay cũng là một dạng thương mại, chủ yếu nhập khẩu, qua vài khâu lắp ráp rồi bán. Việc nhập khẩu linh kiện ôtô một cách ồ ạt sẽ làm tăng nhập siêu và đô-la hóa thị trường.

Ý kiến trên phần nào cũng đúng với thực tế của công nghiệp ôtô Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn cho đúng chiến lược phát triển ôtô đang là bài toán khó cho các nhà quản lý và hoạch định chiến lược công nghiệp ôtô.

Nếu tiếp tục để thị trường và xu hướng hiện tại chi phối thì bao giờ mới có ôtô thương hiệu Việt Nam? Nếu thay đổi, nghĩa là nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất một chiếc xe mang tên Việt Nam, thì mất bao nhiêu thời gian, giá thành thế nào, chất lượng và hình thức ra sao?

Nhìn từ góc độ kỹ thuật chế tạo, ông Nguyễn Trọng Hoan, Trưởng bộ môn Ôtô, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, với trình độ khoa học kỹ thuật và điều kiện hiện có, Việt Nam có thể sản xuất được ôtô.

Tuy nhiên, ôtô thương hiệu Việt chưa chắc đã cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc, chưa nói tới việc cạnh tranh với xe của các nước đi trước như Hàn Quốc hay Nhật. Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và đưa được ôtô ra thị trường của các nước tiên tiến hiện nay mất khoảng 5 năm, vậy thời gian để Việt Nam cho ra đời chiếc ôtô là bao lâu? Còn rất nhiều vấn đề khác mà ông Hoan nêu ra, tựu trung là nghi ngại cho tính khả thi của ôtô Việt.

 

Trông chờ chính phủ

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất ôtô, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho biết, Công ty vừa bảo vệ xong một phần đề tài cấp Nhà nước về dự án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thân vỏ ôtô chở người từ 5-7 chỗ ngồi theo tiêu chuẩn công nghiệp Nhật”. Vinaxuki nhập nhiều dây chuyền dập khuôn thân vỏ xe từ nước ngoài và dự kiến từ tháng 11.2011 sẽ cho ra đời chiếc xe 4 chỗ với giá cạnh tranh. Vinaxuki lên kế hoạch từ 2011-2014 sẽ nâng tỉ lệ nội địa hóa lên tới 60% và sau năm 2015 sẽ lên trên 80%.

Tiếp cận vấn đề từ góc độ kỹ thuật, các chuyên gia đều cho rằng nghiên cứu chế tạo ra chiếc xe ôtô mang tên Việt Nam không phải là không thể. Tuy nhiên, không thể tách bạch yếu tố kỹ thuật với những yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển công nghiệp ôtô như hạ tầng, nhân lực, vốn và đặc biệt là mức độ tham gia của Chính phủ trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đã trang bị một phòng thí nghiệm động cơ đốt trong (phục vụ nghiên cứu động cơ ôtô) với giá trị hơn 5 triệu USD nhưng việc ứng dụng và khai thác còn rất thấp. Thực tế này cho thấy không phải Chính phủ chưa quan tâm đến việc nghiên cứu chế tạo ôtô mà việc đầu tư chưa đúng và chưa trúng.

Nên chăng, bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lắp ráp để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu người dân, Chính phủ xem xét đặt hàng các đơn vị nghiên cứu chế tạo, hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp có dự án sản xuất ôtô trong nước. Điều này có thể góp phần tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa một cách thiết thực để sớm cho ra đời sản phẩm ôtô thuần Việt.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 5 =

To Top