Tin trong nước
“Nóng” thị trường cà phê hòa tan
Cạnh tranh trên thị trường cà phê hòa tan Việt Nam tiếp tục nóng lên với sự xuất hiện của các sản phẩm mới cũng như sự tham gia của một số doanh nghiệp mới đến từ nước ngoài.Tập đoàn Dao Heuang Group (DHG) – nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất của Lào – đã bắt đầu chính thức đặt dấu chân của mình tham gia thị trường cà phê Việt Nam thông qua việc chọn Công ty cổ phần Ngôi Sao Xanh (Blue Star) làm nhà phân phối độc quyền sản phẩm tại Việt Nam.
Theo bà Boonheuang Litdang, Phó Chủ tịch của DHG, cho rằng dù thị trường cà phê hòa tan Việt Nam có diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp mới và DHG tin tưởng có thể cạnh tranh tốt ở Việt Nam.
Mặt khác theo bà Litdang, hiện nay thị trường cà phê hòa tan trong nước chủ yếu là cà phê robusta, trong khi Dao Heuang chuyên sản xuất cà phê arabica 3 in 1 (ba trong một) nên sẽ mang lại một hương vị mới cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo ông Trần Xuân Định, Tổng giám đốc Blue Star, Blue Star sẽ đưa sản phẩm cà phê Dao vào kinh doanh ở khoảng 60.000 điểm bán hàng tại các hệ thống siêu thị, các cửa hàng và đại lý cà phê trong cả nước.
Blue Star đặt mục tiêu doanh số kinh doanh sản phẩm cà phê Dao tại thị trường Việt Nam trong năm 2014 sẽ trên 5 triệu đô la Mỹ.
Cuộc chiến giành thị phần của các thương hiệu cà phê hòa tan tại Việt Nam có lẽ chưa bao giờ nguội. Để giữ thị phần, các doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi trực tiếp đến người tiêu dùng.
Có thể thấy độ nóng bỏng của cuộc cạnh tranh trên thị trường này đang diễn ra khá khốc liệt giữa những tên tuổi lớn trong ngành như Nestlé, Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên …
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cũng tham gia cuộc chơi cà phê hòa tan.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, ở Việt Nam hiện tại có hơn 20 công ty sản xuất cà phê hòa tan. Hiện tại, thị phần của năm 2013 chưa được cập nhật.
Tuy nhiên, theo Cộng đồng khảo sát trực tuyến Vinaresearch (Công ty W&S), nhãn hiệu đang được sử dụng nhiều nhất là Trung Nguyên chiếm 26,3% thị trường; Vinacafé Biên Hòa, 22,8% và Nestle, 21,7%.
Mặc dù 3 vị trí dẫn đầu không có nhiều xáo trộn nhưng miếng bánh của 3 ông lớn này đã giảm đáng kể, đánh dấu sự xâm lấn của các nhãn hàng mới. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất cà phê rang xay trong nước cũng đã cho ra đời các sản phẩm cà phê hòa tan như Thu Hà, Mê Trang, Phú Thái…
Một số siêu thị cũng làm nhãn hàng riêng của mình như Big C có nhãn hiệu Big C, còn Metro có nhãn hiệu Fine Good cà phê hòa tan hay Rioba từ Ý, thương hiệu riêng của Metro. Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các sản phẩm cà phê trong nước mà các sản phẩm này, dù có lợi thế về giá, nhưng còn phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh từ các thương hiệu từ nước ngoài.
Thị trường cà phê hòa tan được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng. Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen Việt Nam, năm 2012 ngành cà phê hòa tan tăng đến 34% về giá trị so với năm 2011.
Con số này chỉ vào khoảng 7,9% vào năm 2003-2008, theo nghiên cứu của Euromonitor.
Theo Lao Động