Connect with us

Cuộc chơi không chỉ của những “ông trùm”

Tình huống thương hiệu

Cuộc chơi không chỉ của những “ông trùm”

Hiện thị trường càphê hoà tan có ba “ông trùm”, Vinacafé, Trung Nguyên, và Nescafé của Nestlé, tranh chấp thứ hạng nhau tuỳ theo từng thời điểm.

Hiện thị trường càphê hoà tan có ba “ông trùm”, Vinacafé, Trung Nguyên, và Nescafé của Nestlé, tranh chấp thứ hạng nhau tuỳ theo từng thời điểm. Nhưng sau một thời gian dẫn đầu thị trường hoà tan cùng Vinacafé, Nescafé đã xuống hạng, nhường chỗ cho Trung Nguyên. 

Sự xuống hạng đó chứng tỏ sức bật mới của hai thương hiệu nội địa trong việc đa dạng hoá chiến lược sản phẩm và đẩy mạnh marketing. Đang có sự hoán chuyển lớn về nhân sự marketing từ các công ty đa quốc gia về Vinacafé sau sự kiện sáp nhập với Masan, nâng số điểm bán hàng trong năm 2012 lên 140 điểm và 185 nhà phân phối. Nhờ vậy, một năm sau ngày sáp nhập, sản lượng càphê bán ra của Vinacafé đã tăng tới 30%, trong khi giá bán hầu như không đổi.

Còn Trung Nguyên ngoài G7 hoà tan 3in1, G7 hoà tan 2in1, G7 Gu mạnh, G7 hoà tan đen, G7 Cappuccino, G7 Passiona… đang dẫn đầu thị phần, còn có càphê chồn, càphê cho phái đẹp. Không chịu thua kém, Nescafé có thêm ngay càphê Việt đậm đặc ở dạng hoà tan, rất hợp với gu càphê của người Việt. Nếu như ở miền Bắc, Trung Nguyên là “vua”, thì ở miền Nam, Vinacafé đang chiếm lĩnh thị trường, có phần vượt trội so với Nescafé.

Nhưng so với các nước xung quanh và các thương hiệu càphê nổi tiếng của thế giới, chúng ta vẫn thua kém hơn rất nhiều trong chế biến, sáng tạo các dòng sản phẩm, xuất khẩu thô vẫn là chủ yếu. Hiện giờ, chưa nhìn thấy thương hiệu Việt Nam nào đủ sức, đủ tầm để thay đổi cục diện này.

Đang xuất hiện một làn sóng đầu tư kinh doanh càphê mới của những người thực sự yêu càphê, có tấm lòng với người nông dân, muốn nâng giá trị gia tăng và chất xám cho hạt càphê mang tên Việt Nam. Càphê Ru Nam là một ví dụ.

Lấy slogan “càfê phin, càfê Việt Nam”, càphê Ru Nam có sáu công thức pha trộn khác nhau, được rang bằng công nghệ và bí quyết của những chuyên gia Ý, sử dụng 100% hạt càphê thuần tuý được tuyển lựa kỹ càng từ những vườn càphê của miền trung du Việt Nam. Mỗi ly càphê phin có từ 20 – 25g so với 8 – 10g của một ly espresso. Về nguyên liệu, Ru Nam đã chọn hai công ty nước ngoài chuyên thu mua càphê cho Starbucks tại Việt Nam là Hevcafe và Pacorini. 

Không cạnh tranh với những mô hình càphê trên thế giới theo kiểu thống nhất một hình ảnh, Ru Nam lấy thế mạnh trong sáng tạo hương vị, thiết kế, trang trí nội thất khác biệt, sang trọng cho từng nhà hàng ở mỗi địa điểm khác nhau, để tạo dấu ấn thương hiệu. Không mở đại trà, chỉ tối đa là 5 – 6 nhà hàng, Ru Nam xuất hiện trong các khách sạn năm sao như Park Hyatt, Sofitel… 

Với ý nghĩa lời ru của nước Nam, tham vọng “không chỉ bán càphê”, mục tiêu của Ru Nam là bán cho tất cả các nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài và những khách sạn lớn, qua đó, người ta biết được càphê Việt Nam, tạo thành một trào lưu để Việt Nam có càphê chất lượng, đi đâu cũng được uống càphê thật. Hiện Ru Nam đang đặt hàng ông Lý Ngọc Minh để sáng tạo dòng sản phẩm phin pha càphê bằng sứ chất lượng hơn phin pha bằng nhôm.

Golden Mountain Coffee là một nhà xuất khẩu, kinh doanh nhỏ, nhưng theo đuổi mô hình càphê bền vững. Hoàng Anh, chủ nhân của Golden Mountain Coffee cho biết hiện nay có khoảng 15 quán bán càphê Golden Mountain. “Trung thành theo con đường càphê thật, tôi muốn Golden Mountain trở thành một đặc sản của càphê Việt. Tôi có một mặt bằng tốt, một trang trại nhỏ và sản phẩm tốt. Càphê của gia đình mình đã làm hơn 20 năm rồi. Mình sẽ pha chế và am hiểu khẩu vị, gu của người Việt. Đích thân tôi rang, chọn lựa hạt càphê, làm việc với người nông dân tất cả các khâu đến đóng gói, đưa ra thị trường, phục vụ khách hàng…”

Theo TTGT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × five =

To Top