Tình huống thương hiệu
Những cái chết trên đỉnh cao
Chỉ có 50% trong tổng số 500 công ty mạnh nhất thế giới của năm 1981 trụ lại trên bảng xếp hạng năm 1990. Tệ hơn, chỉ có 30% trong danh sách năm 1991 còn sót trên bảng xếp hạng năm 2000.Hai trường hợp nổi trội gần đây chính là việc Kodak đã phải chịu bảo hộ phá sản và Yahoo! đang rơi vào khủng hoảng.
Những vết xe đổ
Kodak đã phát minh máy chụp ảnh kỹ thuật số từ năm 1975, nhưng lại không thể biến phát minh này thành lợi thế kinh doanh. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo cấp cao của thương hiệu này đã nhảy vào kinh doanh thêm các chế phẩm hóa chất, chất tẩy rửa và thiết bị kiểm nghiệm dược phẩm. Sau đó họ lại nhảy vào lĩnh vực máy in để bù đắp cho thị trường phim cuộn đang ngày một teo tóp.
Đến năm 2003, Công ty mới dừng đầu tư sản xuất phim cuộn và bước vào lĩnh vực máy ảnh y khoa, ảnh kỹ thuật số. Nhưng đã quá muộn. Các thương hiệu của Nhật như Canon, Fujifilm đã chiếm lĩnh thị trường này.
Đối với trường hợp của Yahoo! lại khác: sự rối loạn ở cấp quản lý cao nhất đã gây bất ổn tài chính. Công ty thiếu hẳn chiến lược phát triển dài hạn. Chỉ trong vòng hơn một năm, Yahoo! đã thay đến 4 tổng giám đốc. Mới nhất là vụ Daniel S. Loeb đã dùng ảnh hưởng cá nhân để buộc Scott Thompson, người đầu tiên đem lại lợi nhuận cho tập đoàn này sau nhiều tháng thua lỗ liên tục, phải xách gói ra đi, cùng với 4 giám đốc kinh doanh khác.
Các nhà phân tích cho rằng, bên cạnh việc chịu quá nhiều sức ép cạnh tranh từ Facebook hay Google, việc thay 4 tổng giám đốc chỉ trong vòng hơn 1 năm là nguyên nhân khiến cho việc kinh doanh của Yahoo! ngày càng giảm sút.
Thứ mà Yahoo! thiếu lúc này không phải là tiền. Họ cần một thuyền trưởng đủ sức xây dựng chiến lược, xác định rõ mục tiêu, khích lệ nhân viên, tạo nên động lực sáng tạo và phát triển. Nếu không, tình trạng chảy máu nhân tài sẽ càng nghiêm trọng và Yahoo! chưa biết ngày nào thấy được tương lai tươi sáng.
Lột xác để lớn lên
Tất nhiên, trong thời đại đề cao phát minh kỹ thuật và trải nghiệm của người tiêu dùng, các thương hiệu lâu đời chuyển đổi chiến lược thành công cũng không ít.
Điển hình nhất là IBM. Thương hiệu công nghệ thông tin 80 năm lịch sử này từng được dự báo phá sản. Nhưng nhờ tầm nhìn và quyết tâm của Tổng Giám đốc Louis V. Gerstner, ngay từ năm 1995, IBM đã chuyển đổi chiến lược toàn diện. Từ một nhà cung ứng linh kiện phần cứng cho máy tính, IBM đã chuyển thành nhà cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin.
Một trường hợp khác là Apple. Sau khi thua lỗ 1 tỉ USD trong năm 2000, Tổng Giám đốc Steve Jobs đã nhanh chóng chuyển hướng. Hãng tập trung phát triển các sản phẩm giải trí, chú trọng trải nghiệm của người dùng. Apple cũng định vị lại thương hiệu khi loại bỏ luôn chữ Computer khỏi tên của Công ty vào năm 2007.
Phát triển nhanh + tổ chức chậm = khủng hoảng
Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc tài chính của Yahoo!, Kodak, General Motor, Alibaba, Acer, Starbucks đã lý giải sâu hơn về các trường hợp nói trên. Họ cho rằng các doanh nghiệp phát triển nhanh, nếu năng lực tổ chức chậm so với sự phát triển của doanh nghiệp, sẽ nhanh chóng gặp khủng hoảng.
Yahoo!, Kodak, Lucent Technologies, General Motor, Polaroid, Kodak… từng là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực mà họ đầu tư. Giờ đây, Yahoo! đang suy thoái, Lucent đã bị thâu tóm, General Motor biến thành doanh nghiệp quốc doanh, Kodak phá sản. Tại sao một số doanh nghiệp phát triển đến một giai đoạn nhất định lại không tiến được nữa, thậm chí teo tóp rồi biến mất?
Một phần là vì sự biến đổi của môi trường kinh doanh, như thị trường Âu – Mỹ biến đổi, xuất khẩu giảm sút. Nhưng nguyên nhân thực sự xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp, chẳng hạn thiếu sức sáng tạo, thiếu nhân tài, lão hóa doanh nghiệp, rối loạn tổ chức. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy những doanh nghiệp ấy mất phương hướng chiến lược. Một là chiến lược không theo kịp sự thay đổi của môi trường kinh doanh; hai là chiến lược quá cấp tiến; ba là phương hướng chiến lược không rõ ràng.
Vấn đề chính yếu nhất là lãnh đạo. Đầu tiên, chủ doanh nghiệp không đủ sức tiến cùng thời cuộc, anh ta không thể quên được hào quang của quá khứ. Thứ hai, doanh nghiệp đã phát triển mở rộng nhưng người chủ vẫn dùng phương pháp từ ngày khai trương để quản lý. Kế tiếp là môi trường kinh doanh ở các nền kinh tế mới nổi đã tạo nên một thế hệ doanh nhân nóng vội, kiếm tiền gấp, dựa vào các kỹ xảo thị trường, dựa vào cửa sau để kiếm lợi.
Trong thời đại môi trường kinh doanh thay đổi từng giờ như hiện nay, sáng tạo là chân lý bất biến. Sáng tạo không những trong kỹ thuật và quản lý, mà còn ở mô hình thương mại cho đến trải nghiệm tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp già nua, hoặc là chấp nhận chết, hoặc phải sáng tạo để có cơ hội hồi sinh.
Theo NCĐT