Connect with us

Nhật Bản chậm chân trong thị trường xe sang

Tin quốc tế

Nhật Bản chậm chân trong thị trường xe sang

Sau hai thập niên tung hoành trên nhiều thị trường, các hãng xe Nhật bị tụt lại phía sau đối thủ Đức trong phân khúc xe sang, đánh mất lợi thế về lợi nhuận.

Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp ô tô bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng chỉ có xe Đức mới có thể đem tới sự thoải mái, sang trọng và tính chính xác cơ khí cao. Nhưng Lexus của Nhật xuất hiện vào năm 1989 với chiếc sedan sang trọng LS400 đã thay đổi suy nghĩ này. Sau 25 năm, hãng xe Nhật đã chứng minh với cả thế giới rằng không chỉ có nước Đức mới có thể chế tạo ra những chiếc xe sang trọng.

Lexus, Acura và Infiniti là ba thương hiệu xe hạng sang nổi lên từ những năm 1980 của ba nhà sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan. Thế nhưng, không tận dụng được ưu thế này, các hãng xe Nhật đang bị tụt lại phía sau các đối thủ Đức gồm Mercedes, BMW và Audi trong phân khúc xe sang.

Ba hãng xe Đức hiện chiếm 70% của thị trường xe sang, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm 10%. Các hãng xe Nhật thậm chí còn đang có nguy cơ bị tụt lại so với hãng xe Jaguar Land Rover (JLR), một công ty Anh (nhưng Ấn Độ sở hữu), năm ngoái đã bán được gần nửa triệu xe, chỉ đứng sau Lexus.

Thị phần xe sang chiếm 12% về khối lượng và 50% lợi nhuận của toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi. Các hãng xe Nhật đang nỗ lực tăng tốc đổi mới để thay đổi kết quả cuộc đua này. Tháng trước, Infiniti cho biết đã thiết kế lại xe, bắt đầu với Q50, với phong cách Latin hơn, nhằm khác biệt với thiết kế “lạnh lùng” của các hãng xe Đức. Lexus chuẩn bị tung ra dòng SUV nhỏ NX, để cạnh tranh với Range Rover Evoque, Audi và BMW. Acura thì đặt nhiều hy vọng vào dòng RLX mới có kiểu dáng đẹp, ghế co giãn.

Lúc đầu các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản nhắm đến thị trường chủ yếu là Mỹ và đã tạo được các thương hiệu xe uy tín về độ bền. Các mẫu xe sang có kỹ thuật tiên tiến so với Lincoln và Cadillac và rẻ hơn so với các đối thủ Đức. Năm 2000 Lexus là thương hiệu bán chạy nhất xe sang tại Mỹ và duy trì vị trí này trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, thành công của Lexus tại Mỹ thúc đẩy các hãng xe Đức đầu tư mạnh hơn vào thiết kế các dòng xe mới, khiến các hãng xe Nhật không theo kịp. Chẳng hạn, từ nay đến năm 2020, Mercedes dự kiến tung ra một mẫu xe mới sau mỗi quý.

Thiếu tập trung vào dòng xe cao cấp khiến các hãng xe Nhật đang gặp khó khăn ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất cho ô tô sang trọng. Trong khi đó, các thương hiệu xe Đức đang trở thành biểu tượng của giới nhà giàu đại lục. BMW hiện có 30% lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc. Năm ngoái JLR đã vượt qua Lexus trong vị trí thương hiệu xe hơi lớn thứ tư ở Trung Quốc.

Không giống như các đối thủ châu Âu, ba hãng xe khổng lồ của Nhật Bản ít điều chỉnh theo thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Infiniti và Acura hiện không có nhà máy lắp ráp tại đây nên phải chịu thuế nhập khẩu 25% so với các hãng xe Đức được hưởng lợi thế trong các liên doanh với công ty nội địa. Theo IHS Automotive, Audi có 350 đại lý ở Trung Quốc, trong khi Lexus chỉ có 120.

Trong một nỗ lực cải tổ, trụ sở chính của Infiniti đã được chuyển từ Nhật Bản đến Hồng Kông và tuyển dụng một cựu quản lý của Audi nhằm đánh bóng lại thương hiệu Infiniti. Đồng thời, Infiniti cũng đã mở các trung tâm thiết kế ở London, San Diego và Bắc Kinh. Những nỗ lực này có thể giúp các hãng xe sang Nhật Bản cải thiện vị trí nhưng dường như là hơi chậm khi thị trường này ngày càng cạnh tranh hơn.

Kia và Hyundai của Hàn Quốc đang có ưu thế với các dòng xe sang trọng nhưng có giá hấp dẫn hơn. Các hãng xe Ý như Alfa Romeo và Maserati cũng đang nỗ lực trở lại thị trường, trong khi các hãng xe “đại chúng” như Ford Peugeot cũng đang “sang hóa” nhiều dòng xe để tăng lợi nhuận. Trong một thị trường như vậy, muốn vượt lên trước, người Nhật không những phải chăm chỉ gấp đôi mà còn phải sáng tạo gấp bốn. 

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 + twenty =

To Top