Connect with us

Chia sẻ ôtô đe dọa ngành ôtô?

Tin quốc tế

Chia sẻ ôtô đe dọa ngành ôtô?

Bạn đang sống trong thành phố, không sở hữu một chiếc ôtô nào và thường xuyên sử dụng dịch vụ chia sẻ ôtô của Zipcar. Bạn không phải nằm trong số ít. 

Hiện gần 2 triệu người trên thế giới đăng ký dịch vụ chia sẻ ôtô. Theo Navigant Consulting, doanh thu thị trường chia sẻ ôtô toàn cầu sẽ tăng từ mức 1 tỉ USD năm 2013 lên mức 6,2 tỉ USD vào năm 2020 với hơn 12 triệu thành viên. Năm 2012, có gần 44.000 chiếc xe tham gia các mạng lưới chia sẻ ôtô với mức tăng 272% trong giai đoạn 2006-2012.

Lợi ích lớn

Dịch vụ chia sẻ ôtô là một mô hình cho thuê ôtô mà theo đó, người sử dụng thuê xe trong một khoảng thời gian ngắn, thường là theo giờ. Dịch vụ này thu hút những khách hàng chỉ thỉnh thoảng mới sử dụng ôtô hoặc những người thích đổi loại xe khác thay cho chiếc xe họ dùng thường ngày. Đơn vị cho thuê xe có thể là một công ty thương mại hoặc những người sử dụng có thể tổ chức thành một công ty, “hợp tác xã” hoặc một nhóm chia sẻ ôtô lẫn nhau.

Dịch vụ chia sẻ ôtô hiện có mặt ở hơn 1.000 thành phố tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở Mỹ và các nước châu Âu, nhưng đang ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ. Có rất nhiều công ty tham gia thị trường này, trong đó mạng lưới chia sẻ ôtô lớn nhất là Zipcar. Tính đến cuối năm ngoái, Zipcar có 850.000 thành viên tại Mỹ và châu Âu.

Theo tờ The Economist, chia sẻ ôtô có thể giảm việc sở hữu xe với mức ước tính 1 xe được thuê thay cho 15 chiếc có chủ sở hữu. Giảm được nạn kẹt xe, hạn chế ô nhiễm môi trường là những lý do nó được chính quyền nhiều nước ủng hộ như Mỹ, Trung Quốc, một nguyên nhân khác cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ chia sẻ này.

Zipcar, chẳng hạn, đang cung cấp cho các chính quyền địa phương ở Mỹ 2 loại sản phẩm. Thứ nhất là các chính quyền địa phương có thể mua thẻ thành viên giảm giá cho nhân viên để sử dụng đội xe sẵn có của Zipcar với giá tính theo giờ ưu đãi. Thứ hai là họ sử dụng công nghệ Zipcar gọi là chương trình FastFleet, được gắn vào đội xe thuộc sở hữu của chính quyền địa phương để theo dõi quá trình sử dụng xe của nhân viên, quản lý chuyện đặt xe… Zipcar đã ký hợp đồng cung cấp cả hai sản phẩm này cho chính quyền Chicago từ tháng 1.2011.

Nhiều thành phố ở Mỹ “có hàng trăm hoặc hàng ngàn chiếc xe mà họ không thực sự sử dụng. Với hình thức chia sẻ ôtô, số tiền tiết kiệm được thật sự là rất lớn”, Charles Stephens, Tổng Giám đốc Zipcar phụ trách hoạt động tại Chicago, cho biết.

Chicago có khoảng 100 chiếc ôtô thuộc sở hữu thành phố được quản lý theo chương trình FashFleet với hơn 800 nhân viên thành phố đã đăng ký sử dụng. Ngoài ra, có khoảng 400 nhân viên thành phố đăng ký thẻ thành viên Zipcar, sử dụng đội xe của Zipcar đậu rải rác khắp thành phố, dùng chung với các thành viên thường xuyên khác của công ty này. Kevin Campbell, quản lý các dịch vụ xe cộ cho thành phố Chicago, cho biết chương trình FastFleet của Zipcar đã tiết kiệm được 25 cent/dặm so với khi sử dụng đội xe của Thành phố. Và quan trọng hơn, Chicago đã tiết kiệm được 7 triệu USD kể từ khi khởi động chương trình vào tháng 1.2011. “Tổng mức chi tiêu của chúng tôi vào Zipcar chỉ là 500.000 USD. Một khoản lợi nhuận trên đầu tư không thể tin được”, ông nói.

Tại Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí và nạn kẹt xe đã khiến cho nhiều thành phố lớn ở nước này phải vào cuộc. Một trong những biện pháp để đạt tính bền vững trong cuộc sống đô thị là dịch vụ chia sẻ ôtô, vì vừa giảm được số ôtô lưu thông ở đô thị vừa có thể đáp ứng nhu cầu được “trải nghiệm” lái ôtô của tầng lớp trung lưu đang lên.

Theo Roland Berger Strategy Consultants, thị trường chia sẻ ôtô tại Trung Quốc dự kiến tăng trưởng khoảng 80% mỗi năm trong 5 năm tới với tổng số ôtô là 16.000 chiếc vào năm 2018 nếu Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành này. Dù con số này vẫn còn ít ỏi so với hơn 120 triệu chiếc ôtô có chủ sở hữu, nhưng nó tạo ra một nền tảng quan trọng cho ngành chia sẻ ôtô Trung Quốc.

Jürgen Reers của Roland Berger Strategy Consultants, cho biết lý do đằng sau sự lạc quan này là vì “người Trung Quốc nhìn việc chia sẻ ôtô với thái độ rất tích cực. Ngoài ra, những công nghệ như internet di động đang rất phổ biến và Chính phủ đã bắt đầu hỗ trợ cho những công ty nội địa đầu tiên cung cấp các dịch vụ chia sẻ ôtô”.

Tại Úc, thị trường chia sẻ ôtô cũng đang tăng trưởng với tốc độ hằng năm 25% trong vài năm qua. Will Davies, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ ôtô Car Next Door, cho biết: “Trong 5-10 năm tới, dịch vụ chia sẻ ôtô của Car Next Door sẽ “bớt” đi nhiều ngàn ôtô được bán và sở hữu ở các thành phố Úc”.

Davies cho biết hạm đội xe của Công ty gồm 100 chiếc đang được sử dụng bởi khoảng 1.700 người mượn. Một xe trung bình được chia sẻ khoảng 5 lần mỗi tháng, kiếm được mức lợi nhuận khoảng 6.000 USD mỗi năm. Trong 5 năm tới, Car Next Door sẽ có 7.000 xe cung cấp cho 110.000-140.000 người sử dụng.

Báo động cho ngành ôtô

Dịch vụ này đang lan rộng đến nỗi nhiều chuyên gia đã lên tiếng báo động đối với ngành ôtô. Mark Wakefield thuộc Alix Partners cho rằng ngành ôtô có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nếu xu hướng này lan rộng mạnh mẽ. Nhất là chúng được sự hỗ trợ của công nghệ, các ứng dụng smartphone cho phép người sử dụng đặt chỗ từ Zipcar chỉ trong vài giây.

Theo một nghiên cứu của Alix Partners, nếu không có các dịch vụ chia sẻ ôtô, các hãng xe đã bán được thêm khoảng 500.000 chiếc xe mới trong 10 năm qua. Và Alix cũng tin rằng phần doanh số bán bị “mất mát” của các hãng sản xuất ôtô sẽ tới 1,2 triệu chiếc vào năm 2021 khi càng nhiều người dùng dịch vụ chia sẻ ôtô.

Có lẽ vì không mất phần vào các dịch vụ này, các hãng xe cũng đã nhảy vào. Daimler đã tung ra dịch vụ chia sẻ ôtô Car2Go, cho thuê những chiếc xe nhỏ xíu Smart với mô hình linh hoạt tương tự như Zipcar. Dịch vụ Car2Go của Daimler đang hoạt động tại khoảng 30 quốc gia ở châu Âu và Mỹ với hơn 600.000 thành viên. BMW cũng có dịch vụ DriveNow. GM thì tạo điều kiện cho người chủ sở hữu ôtô cho thuê xe của họ thông qua dịch vụ RelayRides sử dụng công nghệ OnStar.

Các đơn vị trong ngành cho thuê ôtô truyền thống cũng không muốn nằm ngoài cuộc chơi. Hertz, Avis Budget và Enterprise, vốn chiếm 95% thị trường cho thuê ôtô ở Mỹ và một thị phần đáng kể ở các thị trường khác, cũng đang ra sức đưa dịch vụ chia sẻ ôtô của mình như Hertz on Demand, Avis On Location và Enterprise CarShare. Avis Budget còn đi một bước ráo riết hơn khi bỏ ra 500 triệu USD vào năm ngoái để mua lại Zipcar.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 − 5 =

To Top