Connect with us

Người Việt dùng hàng Việt: Góc nhìn nhãn hiệu

Tin trong nước

Người Việt dùng hàng Việt: Góc nhìn nhãn hiệu

Nếu chỉ cứ chăm chăm lo phục vụ người dùng nước ngoài theo kiểu có nải chuối, củ khoai nào ngon thì đem ra chợ, cái nào không ngon thì để ở nhà như tâm lí của người dân quê thì thị trường nước ngoài chưa thấy, chỉ thấy thị trường trong nước bỏ ngỏ cho những hàng hóa của nước khác tràn ngập.

Công ty Hàn Quốc và điện thoại Sfone

Trong một lần gặp khách hàng là một công ty Hàn Quốc tại Tp.HCM, khi họ đưa danh thiếp, tác giả bài viết này hơi ngạc nhiên khi thấy cả giám đốc lẫn phó giám đốc công ty đều sử dụng mạng điện thoại di động Sfone. Càng ngạc nhiên hơn nữa về khi nhìn Laptop của họ. Họ không dùng Macbook, HP, Sony Vaio hay những dòng Laptop quen thuộc dành cho doanh nhân mà loại họ dùng lại là Laptop Samsung.

Nhưng đó là chuyện cũ, giờ thì tác giả không còn ngạc nhiên về điều đó nữa. Tại thời điểm tác giả gặp hai người này, Sfone là một liên doanh giữa SPT và SK Telecom, một tập đoàn viễn thông của Hàn Quốc. Còn Samsung thì khỏi phải bàn cãi, vì bản thân thương hiệu này đã là một niềm tự hào của người Hàn Quốc trong suốt một thời gian dài. Dường như việc sử dụng sản phẩm của chính nước mình đã tạo nên một đặc trưng của người dân Hàn Quốc.

Honda Việt và Honda Thái

Người tiêu dùng Việt Nam không ai không biết đến hãng Honda. Honda không chỉ là một thương hiệu mà nó đã trở thành một danh từ người Việt dùng để đánh đồng với xe gắn máy. Đi mua chiếc honda, tiệm sửa xe honda….. Ngoài những yếu tố như bền, dễ sửa chữa, mẫu mã đẹp, tiết kiệm xăng….có một điều đáng nói đó là sự ổn định về mặt chất lượng của sản phẩm. Honda có rất nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, người mua xe của Honda có hai lựa chọn là mua xe của Honda Việt Nam hoặc mua xe của Honda Thái lan.

Thông thường giá của Honda Thái sẽ cao hơn so với xe Honda Việt Nam. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này? Có phải xe của Honda Thái thì tốt hơn so với xe của Honda Việt Nam? Hai loại xe này về mặt tiêu chuẩn kĩ thuật là như nhau. Có nghĩa là khi xuất xưởng, mỗi chiếc xe phải đáp ứng những tiêu chuẩn do Honda đưa ra. Tiêu chuẩn này cho dù là Honda Thái hay Hoanda ViệtNam đều phải áp dụng. Sự khác biệt nếu có chỉ là những khác biệt rất nhỏ nhằm đáp ứng tốt hơn ngưởi tiêu dùng ở nước sản xuất ra sản phẩm. Điều này cũng tương tự như việc chúng ta uống Coca Cola. Cho dù sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam hay Hoa Kỳ hay bất kì nước nào khác thì khi uống cũng chỉ cảm nhận một hương vị duy nhất.

Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng Việt vẫn thích xe của Honda Thái hơn. Tâm lí thích hàng ngoại của người tiêu dùng Việt không chỉ dừng lại ở xe máy mà nó còn lan rộng ra nhiều loại sản phẩm khác để có thể nói việc sử dụng hàng ngoại trở thành một cái “mốt” và tâm lí phổ biến.

Đầu Karaoke 5 số Ariang

Thêm một dẫn chứng khác. Ariang là một tên tuổi hàng đầu Việt Nam về đầu Karaoke 5 số. Về chất lượng thì khỏi phải bàn cãi. Thoạt nghe cái tên Ariang chúng ta cứ nghĩ rằng đây là một thương hiệu của Hàn Quốc. Thật ra đây là một sản phẩm của công ty cổ phần dịch vụ điện tử Phú Nhuận, một công ty hoàn toàn Việt Nam. Nhưng tên sản phẩm thì lại “Tây” 100%.

Nếu sản phẩm tốt thì sẽ được lựa chọn

Nếu sản phẩm tốt thì sẽ được lựa chọn. Người tiêu dùng không có thời gian và cũng không cần phải quan tâm xem sản phẩm này của nước nào.

Bản thân doanh nghiệp Việt khi lấy một cái tên “Tây” thì họ sẽ có cái thuận lợi khi sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ tại nước ngoài. Đây là một ước mơ chính đáng và rất đáng trân trọng. Nhưng mặt khác, nếu nhìn một cách tổng thể việc lấy tên Tây như vậy, trong chừng mực nào đó dường như doanh nghiệp Việt chưa có ý thức xây dựng hình ảnh hàng Việt Nam trong lòng người Việt Nam.

Nói rộng ra, với tâm lí chuộng “ngoại” của người Việt, doanh nghiệp Việt cũng chạy theo con đường “Tây hóa” bằng những cái tên rất Tây để đáp ứng cho nhu cầu sính ngoại kia. Kết quả là người Việt vẫn thờ ơ với hàng Việt.

Tìm lối đi cho hàng Việt

10 năm trước An Phước là một cái tên còn rất xa lạ. Nhưng thời điểm này, An Phước là lựa chọn số 1 của những người làm văn phòng tại Tp.Hồ Chí Minh. Gắn liền với An Phước là một sản phẩm hoàn toàn Tây: Pierre Cardin. Từ chỗ chỉ là một đơn vị nhận gia công cho Pierre Cardin An Phước đã tiến một bước dài khi nhận nhượng quyền của Pierre Cardin. Không chỉ sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam, An phước còn được lợi trong việc học hỏi bí quyết của một thương hiệu hàng đầu thế giới về may mặc và đem áp dụng vào chính An Phước.


Điều đáng nói bên cạnh người khổng lồ Pierre Cardin, An Phước đã có một vị trí vững mạnh trong lòng người tiêu dùng với một bộ mặt rất Việt. Trong vô vàn những sản phẩm may mặc của cả Việt Nam và nước ngoài, một cái tên An Phước rất Việt Nam không hề tỏ ra thua kém trong sự chọn của người tiêu dùng Việt.

Chúng ta mơ ước và muốn xây dựng thói quen sử dụng hàng Việt của người Việt trước hết bản thân doanh nghiệp Việt phải có một ý thức rất “Việt”. Bản thân việc đặt một cái tên rất “Tây” không có tính quyết định. Để người Việt trân trọng hàng Việt cũng tương tự như người Hàn ở đầu câu chuyện ít ra doanh nghiệp xứ ta phải có ý thức trân trọng người dùng Việt. Nếu chỉ cứ chăm chăm lo phục vụ người dùng nước ngoài theo kiểu có nải chuối, củ khoai nào ngon thì đem ra chợ, cái nào không ngon thì để ở nhà như tâm lí của người dân quê thì thị trường nước ngoài chưa thấy, chỉ thấy thị trường trong nước bỏ ngỏ cho những hàng hóa của nước khác tràn ngập. Âu đó cũng là việc doanh nghiệp trong nước nên cân nhắc.

Theo Tuanvietnam

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 + fourteen =

To Top