Tình huống thương hiệu
Một tay cắt may, hai tay cắt lỗ
Doanh số sụt giảm mạnh đặt DN vào bài toán tái cơ cấu toàn bộ hoạt động, từ thương hiệu, sản phẩm cho đến quản trị.Thay đổi toàn diện
Theo ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Việt (Ninomaxx), kinh doanh trong một thị trường nhiều cạnh tranh và cũng để theo kịp xu thế của thời đại, vươn tầm ra thế giới thì việc đổi mới công ty, làm mới thương hiệu là điều tất yếu phải làm.
Chính vì vậy, Công ty đang cải tổ toàn diện bộ máy từ khâu sản phẩm, kênh phân phối, nhân sự, đối tượng khách hàng và đặc biệt là thay đổi cách quản trị công ty. Sự đổi mới công ty phải bắt đầu từ định hướng về sản phẩm.
Trước đây, Ninomaxx theo đuổi tiêu chí thời trang, nhưng nay hướng đến chất lượng nhiều hơn. Nếu trước đây, tỷ trọng giữa thời trang và chất lượng là 70/30, thì bây giờ ngược lại, yếu tố chất lượng chiếm đến 70%.
Cùng lúc đó, Ninomaxx cũng định vị lại thương hiệu. Lâu nay, Ninomaxx chủ yếu phục vụ đối tượng người trẻ, độ tuổi từ 22 – 28, thì nay sẽ mở rộng sang nhiều phân khúc khác nhau, như thời trang trẻ em, giới nhân viên văn phòng, công sở.
Bên cạnh đó, Công ty xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng Ninomaxx Concept – mô hình nhiều nước đang áp dụng. Ở đó không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm cho tất cả đối tượng khách hàng, mà còn là nơi để mọi người trải nghiệm sự chọn lựa mua sắm trong không gian trưng bày hiện đại, thoải mái và phong phú về chủng loại sản phẩm, kiểu dáng.
Tại đây sẽ có đầy đủ các thương hiệu thời trang của Công ty như: Ninomaxx, Maxstyle và N&M. Bước đầu, Ninomaxx sẽ mở ít nhất 9 – 15 cửa hàng và những cửa hàng mới này sẽ xuất hiện tại TP.HCM trong 2 tháng nữa.
Các DN kinh doanh thời trang cho rằng, càng khó khăn, DN càng phải đổi mới, cải tổ để vượt khó và tồn tại. Trước đây, hầu hết các DN đều chọn cách càng mở nhiều cửa hàng càng tốt nhưng bây giờ, với họ, hiệu quả là trên hết.
“Cửa hàng nào có lợi nhuận ổn định thì duy trì, cửa hàng nào không hiệu quả thì đóng cửa”, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan giày An Phước, nói dứt khoát.
Xác định vẫn “trung thành” với hướng đi mở nhiều cửa hàng để vừa quảng bá thương hiệu, vừa tăng sự nhận biết của khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng phủ kín ở các nơi, nhưng ba tháng một lần, An Phước sẽ rà soát lại hoạt động của hơn 80 cửa hàng trong cả nước. Với các cửa hàng đang hoạt động, An Phước sẽ đầu tư thêm hệ thống tủ trưng bày, quầy kệ mới, trang trí các bảng hiệu, huấn luyện nhân viên bán hàng kỹ càng hơn.
Cùng với việc kiểm soát chặt hoạt động của cửa hàng, An Phước đầu tư vào việc thay đổi chủng loại, cơ cấu mặt hàng, cải tiến chất lượng sản phẩm. Theo bà Điền, để tồn tại và cạnh tranh, chiến lược tái cơ cấu sản phẩm là quan trọng nhất.
Chính vì vậy, Công ty đã nhập các loại vải ít nhăn, mua máy may áo vest tự động và đặc biệt là mới đây, Công ty đã đầu tư mua máy chống nhăn lên tới nửa triệu USD.
Bà Đặng Quỳnh Đoan, Tổng giám đốc Công ty Việt Thy, cho rằng, kinh doanh mặt hàng thời trang cũng đồng nghĩa với việc phải luôn đổi mới. Không chia sẻ kế hoạch cụ thể nhưng bà Đoan cho biết, trong thời gian rất gần Việt Thy sẽ có sự thay đổi toàn diện từ hệ thống phân phối, đội ngũ bán hàng, sản phẩm với mong muốn thương hiệu Việt cũng có vị trí trong quyết định chọn lựa của khách hàng trong nước.
Còn bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty thời trang Nguyên Tâm (Foci), thì cho rằng, các DN phải tự thân vận động, xoay xở để thích ứng với điều kiện kinh doanh. Trong điều kiện này cần phải đối đầu với khó khăn để tồn tại, sau đó mới tính đến việc phát triển.
Tuy vậy, “Foci cũng phải thay đổi mẫu mã nhanh hơn, đặt sự sáng tạo cao hơn, giảm tối đa chi phí vận hành để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá tốt nhất có thể.
Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, mang đến cho khách hàng sản phẩm tốt nhất để gợi nhớ đến thương hiệu”, bà Báu cho biết.
May đo đường dài
Thực hiện việc cải tổ công ty trong điều kiện này có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, đây cũng là thời điểm có nhiều thuận lợi.Thứ nhất, giá thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa, có diện tích lớn đang xuống giá khoảng 12 – 13% nhưng số người thuê mặt bằng lớn lại đang giảm.
Thứ hai, hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng muốn đến mua sắm ở các cửa hàng lớn nên việc “đóng cửa hàng nhỏ, mở cửa hàng to” là một hướng đi đúng. Hơn nữa, mô hình này cũng là “đường dài” để Ninomaxx đón đầu cạnh tranh. Bởi sắp tới, chắc chắn các nhãn hiệu thời trang nước ngoài sẽ vào Việt Nam và kênh phân phối nhỏ sẽ không cạnh tranh được.
“Lúc đó, sản phẩm họ đẹp, mình cũng đẹp, cửa hàng của họ lớn, mình cũng lớn nhưng giá rẻ hơn nên khả năng cạnh tranh là hoàn toàn có thể”, ông Phụng phân tích.
Ông Lâm Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Xanh Cơ Bản (Blue Exchange), cho biết sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên giá trị cốt lõi, tập trung vào kế hoạch dài hạn.
Trong đó, tập trung để tạo ra nhiều sản phẩm thời trang hơn, đẹp hơn nhưng giá thành thấp nhất. Song song đó, Công ty cũng sẽ phát triển những đối tác chiến lược có cùng tầm nhìn, cùng quan điểm.
Hiện tại, Công ty đang hợp tác với Garmex Saigon để xây dựng chuỗi giá trị hoàn hảo từ việc mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và xây dựng hệ thống kinh doanh. Lợi thế của nhà sản xuất, cung ứng các sản phẩm may mặc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật thế giới của Garmex Saigon sẽ giúp nâng chất lượng sản phẩm cho Blue Exchange.
Dù đã có hệ thống hơn 140 cửa hàng trong cả nước và ngành kinh doanh thời trang Việt Nam đang rất khó khăn nhưng ông Thái cho biết, Blue Exchange vẫn sẽ tiếp tục phát triển và mở thêm cửa hàng khi điều kiện thích hợp nhất.
Hàng tồn như… núi
Giữa tháng 4, thị trường thời trang TP.HCM xôn xao với việc giảm giá đồng loạt đến 80% tất cả các mẫu quần áo tại hệ thống cửa hàng Ninomaxx.
Trong ba ngày liên tiếp (13, 14, 15/5), các cửa hàng của Ninomaxx trở nên quá tải vì lượng khách mua hàng tăng đột biến. Ai cũng cố mua cho được vài bộ quần áo của Ninomaxx vì cho rằng công ty này sắp phá sản và cơ hội được mặc đồ Ninomaxx cũng sẽ hết.
Trước đó, tại các website bán hàng trực tuyến: hotdeal.com, nhommua.com.vn, dealsoc.com…, Ninomaxx cũng đã tung hàng “mua một tặng một”. Đã có hàng ngàn chiếc áo thun Ninomaxx được bán qua hệ thống các trang web bán hàng trực tuyến này.
Ngay sau đợt xả hàng chưa từng có như vậy, Ninomaxx lại đóng cửa đồng loạt 4 cửa hàng lớn tại TP.HCM! Trước động thái lạ lùng như vậy, đã có nhiều tin đồn là công ty này đã phá sản!
Vất vả với tin đồn thất thiệt, ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ninomaxx, chỉ biết giải thích: “đây thực ra chỉ là đợt tổng thanh lý hàng tồn để công ty tái cấu trúc toàn bộ hoạt động”.
Dù không phải phá sản, nhưng ông Phụng thừa nhận: “Ninomaxx cũng như nhiều nhãn hàng thời trang Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn chưa từng có, mãi lực giảm khiến hàng tồn chất cao như… núi!”.
Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm (Foci), cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, sức mua giảm mạnh khiến doanh thu công ty đã giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Và đây là năm thứ ba liên tiếp, ngành thời trang trong nước đối mặt với khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Cùng lo lắng này, bà Đặng Quỳnh Đoan, Tổng giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, khẳng định: “Sức mua giảm, hàng không bán được kéo theo sản xuất đình đốn. Điều này sẽ tác động rất mạnh đến sự sống còn của DN, đến cuộc sống của hàng ngàn nhân viên bán hàng cũng như đội ngũ sản xuất, thiết kế… của các công ty kinh doanh thời trang”.
Ba năm qua, đặc biệt là trong năm 2012, kinh tế khó khăn kéo theo các DN kinh doanh thời trang khốn đốn. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, các DN hiện phải đối diện với tình trạng giá nguyên phụ liệu tăng, điện tăng, lương công nhân tăng…
Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan giày An Phước, cho biết: “Tất cả các chi phí đầu vào tăng trong khi sức mua ngày càng giảm.
Ngoài những khó khăn chung về sản xuất, hiện tại, vấn đề chi phí vận hành, trong đó, chi phí thuê mặt bằng rất cao cũng làm cho ngành thời trang Việt Nam khốn khó. DN phải tốn rất nhiều chi phí, trong khi hàng Trung Quốc tràn ngập các cửa hàng đa số là tiểu ngạch, không phải chịu bất cứ chi phí gì!”.
Bán nhanh, rút gọn
Điều đau đầu nhất hiện nay của các công ty thời trang là giải bài toán hàng tồn. Ai cũng biết, kinh doanh thời trang phải tính đến việc giải quyết hàng tồn, nhưng hàng tồn chất đống nhiều năm liền là tình trạng đáng báo động. Đó cũng chính là lý do Ninomaxx thực hiện “tổng lực thanh lý” vào tháng 4 vừa qua.
Đánh giá về động thái của Ninomaxx, chủ một thương hiệu thời trang có tiếng tại TP.HCM cho rằng, đây là việc đương nhiên phải làm vì lâu nay họ bị vướng quy định của luật pháp là không được giảm giá quá 50%.
“Với hàng thời trang, khi bán hết mùa, thiếu màu, thiếu size, có khi DN buộc phải giảm đến 90% để bán hàng. Quần áo may sẵn nếu cắt nhãn, bán ra thị trường thì giá chỉ bằng giẻ lau. Ninomaxx có quá nhiều hàng tồn như vậy từ năm 2011.
Hàng tồn nhiều nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, sức mua sụt giảm mạnh khiến cho số hàng tồn này lại càng tăng cao. Hàng tồn kho tăng, mẫu mới cần phải có mà lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng.
Vì vậy, muốn giảm chi phí lãi vay, quay nhanh nguồn vốn thì việc bán hàng tồn bằng mọi giá là chuyện thường thấy trong chiến lược kinh doanh của mỗi DN”, vị này phân tích.
Hàng tồn bán dần cũng hết, nhưng nếu làm vậy, DN phải mất rất nhiều thời gian. Tiền thu về không bù được lãi suất ngân hàng, kho bãi đang phải thuê với mức giá cao. Lợi nhuận của DN thời trang hiện nay đều nằm trong hàng tồn, nên giải quyết hàng tồn càng nhanh thì DN càng “nhẹ gánh”.
Giải được bài toán hàng tồn, Ninomaxx đã giải quyết được nhiều thứ. Thế nhưng, theo tính toán, với mạng lưới gần 200 cửa hàng trên toàn quốc, khi bán giảm giá 80%, Ninomaxx đã lỗ một khoản đáng kể.
Đó là chưa kể lượng hàng mới đưa vào kho chờ bán ở từng cửa hàng cũng ngốn khoản kinh phí vài chục tỷ đồng. Rồi việc tuyển dụng đội ngũ quản lý, thiết kế mới cũng tốn không ít tiền đầu tư.
Theo DNSG