Tình huống thương hiệu
Michael Dell vẫn đặt cược vào PC
Trong khi HP xem thời đại PC đã chấm dứt, Tổng Giám đốc Michael Dell của hãng máy tính Dell vẫn xem PC là bàn đạp để cung cấp các dịch vụ có biên lợi nhuận cao cho khách hàng.Cách đây 5 năm, Dell (Mỹ) đã mất danh hiệu nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới vào tay đối thủ lâu năm là Hewlett-Packard (HP). Vì thế, khi Tổng Giám đốc Leo Apotheker của HP tuyên bố sẽ chia tách bộ phận máy tính cá nhân 41 tỉ USD vào giữa tháng 8, Michael Dell, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Dell, đã rất hớn hở. “Tạm biệt HP. Chúng tôi vẫn thích lĩnh vực PC và sẽ bám lấy thị trường này”, ông đã viết trên mạng Twitter như thế.
Apotheker cho rằng thời kỳ PC đã chấm dứt nhưng Michael lại xem PC như bàn đạp để đạt mục đích cao hơn: nhắm đến cung cấp dịch vụ biên lợi nhuận cao cho khách hàng.
Chật vật
Michael đã trải qua 20 năm đưa Dell trở thành một trong những nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới. Nhưng sau khi ông rút lui vào năm 2004, Công ty ngày càng lạc lối, đánh mất tiếng tăm về chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ và chết với cái tiếng là “nhà sản xuất giá rẻ”. Giá cổ phiếu cũng ngày càng lao dốc.
Năm 2007, ông quay lại để vực dậy doanh nghiệp do mình sáng lập. Bên cạnh những đợt cắt giảm chi phí đau đớn, ông đã tập trung vào khâu thiết kế PC và cung cấp nhiều công nghệ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ. Một lĩnh vực ông nhấn mạnh là điện toán đám mây. Chỉ trong chưa đầy 2 năm, Michael đã tiến hành một loạt 10 thương vụ thâu tóm để đưa Công ty bành trướng sang các lĩnh vực như dịch vụ công nghệ thông tin, kết nối mạng và lưu trữ dữ liệu.
Thế nhưng, cho đến nay, không có nhiều thay đổi tích cực. Trên mặt trận tiêu dùng, Dell đã không ít lần bị đánh liểng xiểng. Adamo, chiếc máy tính xách tay có giá 2.000 USD mà Michael đã tung ra với chiến dịch quảng cáo hoành tráng cách đây 2 năm, đã không thu hút người mua. Tháng vừa qua, ông cũng đã cho khai tử chiếc máy tính bảng 5 inch The Streak do không chịu nổi cơn lốc tiêu dùng đối với iPad của Apple.
Đối với thị trường PC mà Michael vẫn dành trọn niềm tin, tốc độ tăng trưởng cũng ngày càng giảm xuống. Công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Gartner dự kiến lượng PC bán ra toàn cầu trong năm nay sẽ tăng chỉ 3,8% đạt 364 triệu chiếc, giảm từ mức 9,3%.
Ở thị trường dịch vụ công nghệ nhắm đến doanh nghiệp, các tập đoàn như IBM, Cisco Systems, Oracle, HP đã có vị thế vững chắc trong mảng cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu cho các doanh nghiệp lớn.
Sự chật vật của Dell đã khiến cho nhà đầu tư chán ngán. Cổ phiếu của Công ty đã mất 40% giá trị kể từ ngày 30.1.2007, ngày trước khi Michael Dell hất cẳng Tổng Giám đốc Kevin Rollins và quay trở lại lèo lái Công ty.
“Thật khó để nói ông ấy đã nhảy vào và cứu vãn được Công ty như Steve Jobs đã làm đối với Apple”, Jayson Noland, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Mỹ Robert W. Baird, nhận định.
Chuyển hướng
Michael cho rằng lĩnh vực phần cứng lợi nhuận thấp, giá rẻ đang nổi tiếng của Hãng (năm ngoái Dell đã bán được khoảng 39 tỉ USD giá trị máy tính để bàn, laptop và các sản phẩm liên quan) có thể mở đường cho Công ty bán được các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn cho khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thực tế phũ phàng về PC. Vì thế, ông đã chuyển hướng: giảm bớt sản phẩm tiêu dùng, tập trung vào nhóm khách hàng nhỏ và vừa cùng các cơ quan chính phủ, đang chiếm hơn 50% doanh số bán của Hãng. “Chúng tôi phải tiến hành sự thay đổi này. Chúng tôi đang thay thế các bộ phận có biên lợi nhuận thấp bằng những bộ phận có biên lợi nhuận cao”, ông cho biết.
Để không phải đối đầu với các đối thủ lớn hơn trong mảng dịch vụ công nghệ, Michael đang nhắm đến khách hàng là các giám đốc, trưởng phòng công nghệ thông tin – những người luôn quan tâm đến chi phí – của những doanh nghiệp có quy mô từ 100-5.000 lao động. Ông cho rằng, với sự chuyển hướng này, ngoài việc thoát khỏi vòng kiềm cặp của IBM, Oracle, Dell còn có thể tránh được chi phí và rủi ro của việc chạy theo mọi ý thích của khách hàng lớn.
Ông David Johnson, đứng đầu bộ phận mua bán và sáp nhập tại Dell, cho rằng các vụ thâu tóm gần đây như Compellent Technologies và Force10 Networks sẽ cho phép Hãng cung cấp thêm cho các khách hàng PC công nghệ di chuyển, lưu trữ và phân tích dữ liệu. “Sẽ ít phức tạp cho họ khi mua dịch vụ trực tiếp từ Dell hơn là từ những nhà bán lẻ mà IBM, HP và Cisco đang sử dụng”, Michael cho biết.
Johnson cũng cho rằng cách tiếp cận trực tiếp này sẽ giúp Dell nâng cao được biên lợi nhuận, trong khi mang lại giá trị cao hơn cho khách hàng.
Trong lĩnh vực thiết bị thông minh và máy tính bảng (dành cho doanh nghiệp), Dell dự kiến kết hợp phần mềm Windows của Microsoft và Android của Google với phần mềm an ninh do Hãng phát triển để tăng độ bảo mật cho sản phẩm. Michael cho rằng điều này sẽ trấn an các giám đốc, trưởng phòng công nghệ thông tin, vốn luôn thận trọng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thậm chí sau các thương vụ thâu tóm của Michael, Hãng hoặc đã bị bỏ lại đằng sau, hoặc vắng mặt trong nhiều lĩnh vực công nghệ có biên lợi nhuận cao dành cho doanh nghiệp, trong đó có phần mềm phân tích dữ liệu và điện toán đám mây.
Trong tuần đầu tiên của tháng 9.2011, IBM, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ lớn nhất thế giới, đã mua lại 2 công ty phần mềm phân tích dữ liệu. HP cũng đã mua lại công ty phần mềm tìm kiếm dữ liệu Anh Automony với giá 10,3 tỉ USD vào giữa tháng 8 vừa qua. Các dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, Microsoft và các công ty khác đang thay thế dịch vụ máy chủ truyền thống. Trong khi đó, Dell vẫn còn bị tụt lại đằng sau.
“Nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với một hãng công nghệ có thể cung cấp những gói dịch vụ phức tạp nhưng Dell thì không được như vậy. Họ là nhà cung cấp cấp thấp”, Noland, thuộc Robert W. Baird, nhận xét.
Johnson cũng thừa nhận Dell đang nỗ lực từ bỏ mác “giá rẻ”. Ông cho rằng việc làm cho khách hàng thay đổi cảm nhận về hình ảnh của Hãng sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, Michael không vì thế mà phiền lòng. Ông sẵn sàng chờ đợi. “Tôi nghĩ rằng cái tuổi 46 của tôi vẫn còn quá trẻ”, Michael nói.
Theo NCĐT