Tình huống thương hiệu
Meg Whitman có dẹp được mớ hỗn độn tại HP?
Meg Whitman là một nhà quản trị dày dạn kinh nghiệm, nhưng có sự khác biệt lớn giữa điều hành một công ty thương mại điện tử và một tập đoàn công nghệ lớn đang gặp khó khăn.Làm tổng giám đốc không dễ, nhất là khi phải điều hành một tập đoàn khổng lồ mà mình ít có sự am hiểu đối với lĩnh vực hoạt động của tập đoàn. Nguyên Tổng Giám đốc Leo Apotheker (có hơn 20 năm trong ngành phần mềm) đã học được bài học cay đắng đó khi ông bị hất cẳng vào cuối tháng 9 vừa qua để nhường ghế lại cho Meg Whitman, thành viên Hội đồng Quản trị của HP từ tháng 1.2011, chỉ sau chưa đầy 1 năm tại vị.
Cổ phiếu của HP đã giảm tới 47% từ khi Apotheker nắm quyền, khiến tập đoàn này mất hơn 40 tỉ USD giá trị thị trường. Điều đáng nói là sau khi Apotheker ra đi, HP rơi vào một tình trạng ngỗn ngang – hậu quả từ những cải cách quyết liệt nhưng dở dang của ông.
Giữa tháng 8.2011, Apotheker đã khai tử hàng loạt thiết bị di động, trong đó có chiếc TouchPad cùng hệ điều hành WebOS, chia tách bộ phận máy tính cá nhân trị giá hơn 40 tỉ USD. Ông cũng tuyên bố mua lại hãng phần mềm Anh Automony với giá 11,7 tỉ USD, cái giá được giới phân tích cho là quá cao và đã làm cạn kiệt dòng tiền của HP. Giải quyết mớ hỗn độn này giờ đây thuộc trách nhiệm của Whitman.
Lý lịch trích ngang
Whitman đã giữ nhiều vị trí cấp cao tại các công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hãng đồ chơi Hasbro, hãng sản xuất giày Stride Rite, tập đoàn hàng tiêu dùng Mỹ Procter & Gamble , hãng giải trí Walt Disney. Hầu như nơi nào cũng có dấu ấn của bà.
Điều khiến tên bà thường được nhắc đến là khoảng thời gian bà giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc eBay từ năm 1998-2008. Bà đã đưa eBay từ một công ty thương mại điện tử mới thành lập chỉ với 30 nhân viên và 4,7 triệu USD doanh thu trở thành một đế chế gồm 15.000 nhân viên và xấp xỉ 8 tỉ USD doanh thu.
Tuy nhiên, khi ở eBay bà đã phải chịu không ít lời chê bai. Điển hình là thương vụ mua lại công ty dịch vụ điện thoại internet Skype (Luxembourg) với giá 2,6 tỉ USD vào năm 2005. Khi mua lại Skype, Whitman tin rằng Skype làm tăng hiệu quả dịch vụ đấu giá trực tuyến. Thế nhưng mục đích này đã không đạt được. Vào tháng 10.2007, eBay đã ghi giảm 1,4 tỉ USD trong giá trị của khoản đầu tư vào Skype và thừa nhận mình đã trả giá quá cao. Đến năm 2009, eBay đã bán phần lớn cổ phần trong Skype với giá 2 tỉ USD.
Mặc cho những vấp váp đó, Whitman đã được Tạp chí Fortune bình chọn là một trong những phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh năm 2004 và 2005. Chính khả năng vạch ra chiến lược và phát triển thương hiệu là lý do Hội đồng Quản trị đã chọn Whitman vào vị trí Tổng Giám đốc HP.
Meg Whitman – Tân CEO của HP
Một HP hoàn toàn khác
Thế nhưng, không ít chuyên gia phân tích cho rằng những kinh nghiệm quản trị của Whitman có thể sẽ không hữu ích trong trường hợp của HP. Bởi lẽ, điều hành một hãng công nghệ mới thành lập trong thời kỳ ngành dotcom tăng trưởng nhanh hoàn toàn khác với việc điều hành một tập đoàn công nghệ lớn đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức cả trong lẫn ngoài như HP.
Điều đó có thể thấy rõ qua những lần thay đổi tổng giám đốc kỷ lục của HP: Chỉ 6 năm, Hãng đã đổi tới 3 tổng giám đốc. Đầu năm 2005, Hội đồng Quản trị HP đã sa thải Carly Fiornia. Rồi sau đó, Mark Hurd, người kế nhiệm của Fiornia, cũng phải từ chức do dính vào xì căng đan tình ái năm 2010. Leo Apotheker cũng bị sa thải vào cuối tháng 9 vừa qua. Cùng với đó là những thay đổi xoành xoạch trong hàng ngũ thành viên hội đồng quản trị. Những điều trên cho thấy khủng hoảng đang hiện diện trong quản trị và chiến lược của HP.
Nhận xét về cuộc khủng hoảng tại HP, Thomas Perkins, nguyên thành viên Hội đồng Quản trị của HP, nói: “Tôi không biết có một thứ tồn tại như sự tự sát doanh nghiệp nhưng giờ thì tôi đã thấy. Thật đáng ngạc nhiên”.
Đồng quan điểm trên, William Taylor, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Babson (Mỹ), cho rằng vấn đề của HP không chỉ đơn thuần là sự vấp ngã mà HP đã đánh mất chính mình.Điều này có căn nguyên từ thời của Fiornia. Lúc đó, HP nổi tiếng với bộ phận máy in rất vững mạnh và cải tiến. Nhưng Fiornia đã quyết định bành trướng lĩnh vực máy tính cá nhân của Tập đoàn bằng thương vụ mua lại Compaq Computer với giá 25 tỉ USD vào năm 2002. Những thương vụ khác tiếp theo sau đó cùng nhiều khoản chi khổng lồ vào việc mở rộng chuỗi cung ứng và các chương trình bán lẻ cho bộ phận máy tính cá nhân đã khiến HP cạn kiệt dòng tiền. Dòng vốn rót vào nghiên cứu và phát triển (R&D) vì thế rất nhỏ giọt.
Rồi đến thời của Mark Hurd. Vị tổng giám đốc này cũng không đưa ra định hướng mới cho HP mà chỉ đơn thuần là cắt giảm chi phí. Những biện pháp cắt giảm quyết liệt của ông ngay lập tức làm cho lợi nhuận của HP tăng mạnh nhưng cũng đồng thời hút cạn vốn đầu tư vào mảng R&D, xương sống của một công ty công nghệ.
Đến thời của Apotheker, HP đã mất phương hướng. Hiện nay, HP đã mắc kẹt trong bộ phận máy tính cá nhân quá lớn, chiếm tới 30% tổng doanh thu của Tập đoàn (trong quý III tài chính kết thúc vào cuối tháng 7.2011), nhưng lại là bộ phận sinh lợi kém nhất (chỉ tạo ra 5,9% biên lợi nhuận). Trong khi đó, các lĩnh vực mới có biên lợi nhuận cao như dịch vụ công nghệ, phần mềm vẫn còn quá non trẻ.
Nhà đầu tư suy nghĩ rằng 2 vị tổng giám đốc liên tiếp không có kinh nghiệm về phần cứng không phải là điều tốt nhất cho Tập đoàn. Có thể thấy, giá cổ phiếu HP đã giảm 3,5% sau khi thông tin bổ nhiệm Whitman được công bố.
Những ngày gian khó
Whitman có rất nhiều điều cần phải làm. Trước mắt bà phải trả lời dứt khoát về số phận của bộ phận máy tính cá nhân. Giữa tháng 8.2011, Apotheker tuyên bố sẽ bán đi hoặc chia tách bộ phận này nhưng đây lại là bộ phận khiến HP trở thành cái tên quen thuộc đối với người tiêu dùng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ray Lane cho biết HP sẽ không bán đi bộ phận này và nếu có chia tách thì nó có thể sẽ trở thành một công ty độc lập và HP chỉ sở hữu một phần vốn.
Thế nhưng, Whitman lại đi nước đôi. Bà tỏ ý ủng hộ chiến lược của người tiền nhiệm Apotheker nhưng đồng thời lại nói rằng sẽ cân nhắc kỹ lại chiến lược này.
Chính sự ỡm ờ trên đã khiến cho giới phân tích bối rối đối với số phận của bộ phận máy tính cá nhân. Và trên hết họ cũng hoài nghi đối với Whitman, nhất là khi “HP đang trong một cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng” như lời nhận xét của Michael Robinson, Phó Chủ tịch cấp cao của Levick Strategic Communications (Mỹ).
Một vấn đề khác cần được giải quyết ngay là Whitman phải đưa ra kế hoạch rõ ràng cho hệ điều hành di động WebOS mà Apotheker đã tuyên bố khai tử hồi giữa tháng 8. Chuyên gia phân tích Frank Gillett thuộc hãng nghiên cứu thị trường Forrester cho rằng HP nên có quyết định dứt khoát với WebOS, vì càng chần chừ nhà đầu tư càng mất niềm tin vào tương lai của HP.
Điều đáng ngại nhất là sự bất an trong nội bộ của HP ngày càng tăng lên. Từ khi Apotheker nắm quyền, đã có rất nhiều nhà quản lý rời khỏi HP. Và nay, theo một báo cáo của trang web công nghệ Boy Genius Report, Todd Bradley, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách bộ phận máy tính cá nhân, đã cân nhắc chuyện ra đi từ nhiều tháng nay. Nếu đúng vậy, việc mất đi một nhân vật kỳ cựu như Bradley sẽ là cú đánh choáng váng vào Tập đoàn, giữa thời điểm chuyển giao đầy khó khăn này.
Để trấn an nhà đầu tư cũng như gần 325.000 nhân viên của HP, Whitman cần phải hành động ngay. Nhưng là dân ngoại đạo, Whitman hầu như không thể nhìn vào cục diện ở HP để có thể tự tin đưa ra quyết định dứt khoát.
Whitman cũng thừa nhận con đường phía trước là rất gập ghềnh. “Tôi đã quyết tâm đưa HP quay trở lại chỗ của nó”, bà nói. Thế nhưng, với một HP đang bị mất phương hướng, liệu Whitman có phải là cứu tinh cho HP hay lại là một lựa chọn sai lầm khác của Hội đồng Quản trị.
Theo NCĐT
