Connect with us

Lặng lẽ Miss Sài Gòn

Tình huống thương hiệu

Lặng lẽ Miss Sài Gòn

Nói đến nước hoa, ta thường nghĩ ngay đến Pháp với Chanel, Dior, Burberry… Có một thương hiệu Việt tồn tại khá lặng lẽ, âm thầm sống và cạnh tranh giữa ngạt ngào mùi thơm của các nhãn hiệu lừng danh thế giới.

Những thương hiệu này thâm nhập thị trường Việt Nam ngày một nhiều hơn. Vậy liệu các thương hiệu nước hoa Việt có thể tỏa hương?

Len lỏi vào những ngõ ngách thị trường

Nhiều công ty mỹ phẩm nước ngoài đã vào Việt Nam và thành công nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ và thương hiệu lâu năm. Việc một công ty mỹ phẩm của Việt Nam vẫn sống được và tăng trưởng đều hơn 35 năm là một điều đáng chú ý. Đó là Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, với thương hiệu nước hoa Miss Sài Gòn.

Trước sự đổ bộ của các đối thủ, Mỹ phẩm Sài Gòn chọn cách chiến đấu âm thầm. Không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ, Mỹ phẩm Sài Gòn chú tâm vào việc chăm sóc và duy trì những khách hàng trung thành. Những sản phẩm như dầu gội bồ kết Fresh đã có tuổi đời hơn 25 năm nhưng vẫn rất được thị trường đón nhận. Khách hàng chủ yếu là người trung niên, chuộng hàng giá rẻ vì giá của Fresh chỉ khoảng hơn một nửa của sản phẩm dầu gội bồ kết khác.

Mỗi năm tiêu thụ khoảng 500.000 chai, nước hoa Cindy của Mỹ phẩm Sài Gòn chủ yếu được phân phối tại các chợ với giá khoảng 60.000 đồng một chai 50ml. Giá nước hoa Cindy chỉ bằng chưa tới 1/10 giá nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Loại nước hoa này nhắm đến những người có thu nhập thấp và giới công nhân.

Mỹ phẩm Sài Gòn còn có những loại nước hoa cao cấp với giá khá cao. Đó là dòng nước hoa Miss Việt Nam, giá khoảng 2,5 triệu đồng/hộp 3 chai 35ml. Mỹ phẩm Sài Gòn đã hướng đến khách du lịch và những doanh nhân có nhu cầu tặng những món quà có hình dáng cô gái Việt cho đối tác.

“Sản phẩm của chúng tôi len lỏi vào những ngõ ngách của thị trường và chúng tôi đã có được một lượng khách hàng trung thành. Đó là con đường để Mỹ phẩm Sài Gòn tồn tại và phát triển đến nay”, bà Lê Như Quỳnh, đại diện Marketing của Công ty, cho biết.

50% doanh thu từ xuất khẩu

Mỹ phẩm Sài Gòn chọn xuất khẩu là thị trường chính. Trước năm 2006, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm hơn 60% tổng doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn. Sau năm 2006, xuất khẩu chiếm 50% doanh thu. Trong đó Đông Nam Á là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất.

Ngoài kênh xuất khẩu, sản phẩm của Mỹ phẩm Sài Gòn còn được phân phối qua 2 kênh khác. Đó là kênh bán hàng truyền thống, gồm các đại lý, chợ, cửa hàng, chiếm 30% doanh thu. Kênh thứ 2 là các tụ điểm gồm có siêu thị, nhà sách, bán hàng qua mạng và SC Perfume (là chuỗi cửa hàng riêng của công ty). Kênh này chiếm 20% doanh thu.

Doanh thu năm 2009 của Công ty đạt hơn 150 tỉ đồng và năm 2010 đạt được gần 180 tỉ đồng. Hiện tại sản phẩm của Công ty có mặt tại nhiều tỉnh thành với hơn 100 đại lý lớn, 15 cửa hàng SC Perfume được xây dựng chủ yếu để bán các dòng hàng cao cấp. 80% doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn đến từ nước hoa. Đây cũng là sản phẩm chủ lực được phát triển xuyên suốt từ khi Mỹ phẩm Sài Gòn ra đời cho đến nay.

Chưa tỏa hương ở những trung tâm lớn

Trong cuộc chiến khốc liệt giữa các thương hiệu toàn cầu, hàng xách tay, hàng nhập lậu, nước hoa Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, bà Quỳnh tự tin cho rằng nước hoa của Mỹ phẩm Sài Gòn có thể đánh bại được hàng kém chất lượng của Trung Quốc. “Thậm chí nước hoa của chúng tôi còn bị làm giả để bán tại các cửa khẩu.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi mỹ phẩm nước ngoài có mặt ngày càng nhiều. Hầu như tại tất cả các phân khúc đều có sự góp mặt của họ”, bà Quỳnh cho biết. Đặc biệt, Mỹ phẩm Sài Gòn chịu tác động nhiều nhất bởi các loại nước hoa phân khúc trung bình với các đối thủ đang thâm nhập ngày càng nhiều vào Việt Nam.

Theo bà Quỳnh, khuyết điểm của nước hoa Việt Nam là mùi hương nồng nhưng lại không giữ được lâu. Do đó, Mỹ phẩm Sài Gòn đã đầu tư một nhà máy hiện đại tại Khu Công nghiệp Cát Lái II (TP.HCM) và toàn bộ nguyên vật liệu đều nhập khẩu từ Pháp để cải thiện mùi hương.

Công ty cũng chú trọng thiết kế kiểu dáng để cạnh tranh với các hãng khác. Thủy tinh được nhập khẩu từ Pháp để đạt được độ trong cần thiết.

Công ty cũng hợp tác với Công ty Gốm sứ Minh Long để làm vỏ cho nước hoa Miss Việt Nam. Vỏ có hình dáng cô gái mặc áo tứ thân cùng nón quai thao dành cho miền Bắc, vỏ có hình dáng cô gái Huế mặc áo dài khăn đóng dành cho miền Trung, vỏ có hình dáng cô gái đội nón lá duyên dáng dành cho miền Nam.

Được chú trọng đầu tư nhưng nếu để cạnh tranh với các thương hiệu lớn thì vẫn còn một đoạn đường khá xa nữa. Bởi hiện tại Mỹ phẩm Sài Gòn nói riêng và mỹ phẩm của Việt Nam nói chung vẫn khó đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại lớn như Diamond, Parkson do các trung tâm này chủ yếu trưng bày hàng có thương hiệu lớn.

Được coi là hàng xa xỉ phẩm, nhưng nếu không vào được những trung tâm thương mại lớn mà chỉ loanh quanh chợ và siêu thị thì không biết đến khi nào mỹ phẩm Việt mới tỏa hương?

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 1 =

To Top