Connect with us

Làm gì có cái gọi là thị trường máy tính bảng!

Tình huống thương hiệu

Làm gì có cái gọi là thị trường máy tính bảng!

Khi mua một chiếc iPad, khách hàng mua cả quyền tiếp cận với các ứng dụng trên Apple App Store. Các nhà sản xuất máy tính bảng khác đòi mức giá tương đương iPad nhưng lại chỉ bán được mỗi cái máy.

Muốn cạnh tranh được với Apple, phải sản xuất được chiếc tablet giá dưới 200 đôla. Hoặc phải như Amazon: sở hữu một gian hàng trực tuyến tầm cỡ, có thể cạnh tranh được với App Store.

Tuần trước, Hewlett-Packard ra một tuyên bố chấn động: bộ phận máy tính cá nhân (PC) sẽ bị tách khỏi công ty, máy tính bảng (tablet) và di động sẽ ngừng sản xuất ngay lập tức. Thị trường kinh hoàng, giá cổ phiếu tụt 20%.

Những nhà đầu tư khôn ngoan nhanh chóng chớp lấy thời cơ mua vào vì họ biết đây là nước cờ khôn ngoan nhất của HP trong vài năm trở lại đây. Thông cáo này cho thấy rút cục HP đã hiểu được thị trường máy tính bảng: chẳng có cái “thị trường” nào gọi là máy tính bảng cả.

Riêng một góc trời

Cái chúng ta đang chứng kiến là một thị trường sôi động của riêng iPad. Không như Apple cùng chiếc iPad trứ danh, trong việc chinh phục con tim và khối óc khách hàng thì các máy tính bảng khác dựa trên hệ điều hành Android của Google, webOS của Hewlett-Packard, Windows của Microsoft và BlackBerry của Research In Motion đều thất bại thảm hại. 

Cứ nhìn vào con số thống kê sẽ thấy. Apple chiếm hơn 61% thị phần máy tính bảng và con số này còn đang tăng, trong khi tất cả máy tính bảng Android cộng lại cũng chưa được 30% và lại còn đang giảm. Theo công ty Strategy Analytics, máy tính bảng dùng Windows chiếm 4,6% còn RIM chỉ có 3,3%.

Không sớm thì muộn, những kẻ theo đuôi iPad sẽ nhận ra rằng: họ không thể ra mức giá tương đương với iPad cho những sản phẩm phát triển vội vàng và hy vọng khách hàng sẽ đón nhận chúng. 

Giá trị cốt lõi không nằm ở cái “sờ được” 

Không phải tablet Android kém về mặt kỹ thuật. Nhiều loại còn có tính năng vượt cả iPad, dù chẳng chiếc nào mỏng bằng, cảm ứng tốt bằng và bắt mắt bằng. Cũng chẳng chiếc nào có thể dùng thoải mái ngay sau khi lấy ra khỏi hộp. Nếu tính thêm cả những trải nghiệm đẳng cấp trên Apple Stores, thì có lẽ sức mạnh của iPad là không thể cưỡng nổi.

Nhưng thắng bại lại nằm ở chỗ Android cùng các máy tính bảng khác không thể bắt chước được iPad. Ngay từ đầu Apple đã đảm bảo có đủ ứng dụng trên iPhone có thể tận dụng được tối đa màn hình 9,7 inch của iPad. Nay trên 90.000 trong số 475.000 ứng dụng trên Apple App Store tận dụng được ưu thế màn hình lớn. Ngược lại, chỉ có 300 trong tổng số gần 300.000 ứng dụng cho di động Android đã được tối ưu hóa cho bản Honeycomb (Android 3.0) dành cho máy tính bảng của hệ điều hành Android.

Nói chung, cái khác giữa Apple và đối thủ là: với iPad (cũng như với iPod và iPhone trước đó), công ty này đã phát minh ra một thứ hoàn toàn mới, một dòng sản phẩm có thể tích hợp phần cứng của Apple với phương thức bán nội dung số cũng của chính công ty này.

Cái tất cả các nhà sản xuất máy tính bảng khác như Acer, Asustek, Lenovo, Hewlett-Packard, Research In Motion, Samsung và Toshiba đã làm là thu gọn một chiếc netbook lại bằng cách bỏ đi vỏ máy, bàn phím và phần cứng. May lắm họ cũng chỉ chiếm được một thị trường ngách nhỏ. Ấy vậy mà họ lại ngạo mạn đòi khách phải trả mức giá của iPad cho cái sản phẩm nửa mùa của mình.

Ví dụ như chiếc TouchPad “đã quá cố” của HP. Ban đầu giá của nó là 499 đôla cho bản 16GB, tương đương với giá iPad. Vì có quá ít người mua (do quá nặng, tính năng quá kém, thiếu nhiều tiện ích quan trọng như máy quay nhận diện khuôn mặt), nên giá hạ xuống 399 đôla. Vậy mà TouchPad vẫn chẳng thu hút nổi sự chú ý của người tiêu dùng. Nhưng khi HP bán thanh lý với giá chỉ 99 đôla, TouchPad biến mất khỏi các kệ bán hàng còn nhanh hơn cả iPad. Một số tính toán ước lượng HP phải sản xuất  3 tháng mới đáp ứng nổi nhu cầu ngày hôm đó.

Câu chuyện ấy minh chứng một điều: đã bắt chước iPad thì giá chỉ nên ở trong khoảng 99 đến 399 đôla. Vì các netbook có nhiều tính năng hơn (dù cồng kềnh hơn) cũng chỉ có giá 250 đôla, nên các nhà sản xuất máy tính bảng nên nghĩ tới một con số dưới 200 đôla. Chỉ có một vấn đề: giá linh kiện còn đắt hơn thế. Theo công ty nghiên cứu thị trường iSuppli, giá thành của một chiếc TouchPad cơ bản là 306 đôla.

Cộng thêm yếu tố chi phí cao và sản lượng thấp của HP, con số ấy có lẽ còn cào hơn. Ngược lại, Apple tự thiết kế bộ vi xử lý, phần mềm, pin cùng các phụ kiện của iPad; lại có lợi thế về quy mô vì thuê Trung Quốc lắp ráp. Giá thành sản xuất của chiếc iPad 2 loại bình dân nhất có lẽ chỉ 265 đôla so với giá bán lẻ 499 đôla. Vậy vì sao Barnes & Noble có thể bán được Nook Color (một máy tính bảng Android chuyên dùng để đọc sách) với giá 249 đôla? 

Thách thức Apple kiểu gì?

Có hai nguyên nhân. Một là Nook Color có tính năng hạn chế hơn so với phần lớn các máy tính bảng Android trên thị trường. Ví dụ như nó không có camera ở phía trước, không có con quay hồi chuyển, không GPS, không kết nối không day 3G (chỉ có WiFi). Bộ nhớ trong cũng ít hơn, màn hình chỉ rộng 7 inch thay vì 10 inch như thông thường, và sử dụng phiên bản Eclair cũ hơn (nhưng cũng ít yêu cầu hơn) của hệ điều hành Android. Chỉ riêng tiền linh kiện đã tiết kiệm được ít nhất 50 đôla. 

Lý do tiếp theo là Barnes & Noble quan tâm tới việc bán sách hơn là kiếm lời từ các tín đồ công nghệ. Chiếc Nook có tầm quan trọng chiến lược đối với tương lai của công ty. Nook đã giúp Barnes & Nobles chiếm được hơn 20% thị phần sách điện tử chỉ trong vòng chưa tới 2 năm. Vì chỉ bán trên mạng và tại các cửa hàng của công ty, chi phí phân phối của Nook chưa bằng 50% các máy tính bảng khác.

Thú vị ở chỗ, Nook Color lại giúp các nhà sản xuất máy tính bảng Android biết phải làm gì để tồn tại và phát triển. Thiết bị không có những tính năng rườm rà, còn tính năng chính (đọc sách) thì thật tuyệt vời. Đặc biệt, màn hình của Nook Color quá mẫu mực. Barnes & Noble đã hứa sẽ hé lộ những tính năng mới của Nook trong các phiên bản tiếp theo. 

Trong khi đó, các hacker đã “bẻ khóa” Nook để nó có thể chạy thêm nhiều ứng dụng trên gian hàng trực tuyến của Google. Chỉ cần cắm thẻ nhớ có phần mềm cần thiết (giá chỉ 35 đôla), cài đặt trong vài giây rồi khởi động lại, thế là đã có một máy tính bảng Android vừa rẻ vừa mạnh mẽ. Một số người dùng Nook còn bẻ khóa để đọc được cả file dành cho Kindle. 

Amazon.com cũng đã để ý tới chuyện này. Nhà sản xuất Kindle sẽ cho ra mắt chiếc máy tính bảng “làm thay đổi thị trường” vào mùa thu này. Nó sẽ sử dụng hệ điều hành Android mới nhất (Honeycomb), có màn hình cảm ứng 7 inch, còn mức giá được đồn thổi là chỉ dưới 300 đôla. Dù chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố, nhưng máy tính bảng mới của Amazon rõ ràng sẽ có tất cả những tính năng của một chiếc Nook bị bẻ khóa (và còn hơn thế).

Chiếc Kindle hiện đang rất được ưa chuộng nên nhiều nhà phân tích cho rằng thiết bị mới sẽ nhanh chóng đánh bại mọi máy tính bảng Android khác trên thị trường, kể cả Samsung Galaxy Tab. Là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất, cung cấp cả phim, nhạc, trò chơi và sách, nên Amazon hoàn toàn có thể thách thức thế đứng vững chắc của bộ ba iPad, iTunes và App Store.

Amazon đã chứng minh họ có thể đánh gục của Apple và Google khi cho phép khách hàng lưu trữ bộ sưu tập nhạc theo hình thức điện toán đám mây (“in the cloud”). Người dùng có thể nghe các bản nhạc của mình ở bất kỳ đâu và từ bất kỳ máy tính hay thiết bị sử dụng Android nào. “Cloud Drive” của Amazon cho phép lưu trữ miễn phí dung lượng tới 5GB.

Đó có vẻ là một cách rất khôn ngoan để dựng nên một “hệ sinh thái Amazon” và khóa chặt khách hàng vào đó. Vị cựu Chủ tịch đầy sức lôi cuốn, đồng thời cũng là kiến trúc sư chính của “hệ sinh thái Apple” Steve Jobs ắt sẽ phải lo ngại không ít.

Theo Cafef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 − 1 =

To Top