Connect with us

Khi “ông lớn” vào cuộc chơi “nhỏ”

Tình huống thương hiệu

Khi “ông lớn” vào cuộc chơi “nhỏ”

Bức tranh kinh doanh khách sạn 2-3 sao ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thay đổi thế nào khi tập đoàn Accor quyết định bước vào sân chơi này?

Chuỗi khách sạn 3 sao từ trước đến nay vẫn là thế mạnh của thương hiệu Quê hương – Liberty (với 6 khách sạn, 461 phòng). Gần đây thị trường đã có sự góp mặt của nhiều “anh hào” khác như thương hiệu A&EM, Lan Lan, Asian Ruby… Thế nhưng, diện mạo của phân khúc thị trường này chắc chắn sẽ sớm thay đổi khi có sự tham gia của Accor – một tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới.

Không bỏ qua cơ hội

Accor đã vào Việt Nam 20 năm. Thế nhưng, trong ngần ấy thời gian tên tuổi này được định vị rất rõ ràng với phân khúc cao cấp, cụ thể là thương hiệu Sofitel, Pullman (5 sao) và Novotel (4 sao). Chiến lược này của Accord sẽ thay đổi khi sắp tới, theo ông Patrick Basset, Phó Chủ tịch Tập đoàn Accor khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam), ngoài Pullman, Accor sẽ tiến hành quảng bá mạnh mẽ cho thương hiệu Mercure và ibis.

Ông này giải thích, trong khi Pullman hướng vào đối tượng khách MICE (khách đoàn hội nghị) thì hai thương hiệu kia phục vụ cho đối tượng khách du lịch lẻ. Về giá cả thì Mercure và ibis có tính kinh tế hơn, phù hợp với khách nội địa. Mà trong 15% tăng trưởng khách du lịch tại thị trường Việt Nam của những tháng đầu năm, khách nội địa đã chiếm đến 86%.

Theo kế hoạch, khách sạn ibis đầu tiên của Accor sẽ chính thức “chào sân” tại thị trường Việt Nam vào năm 2012 với tên gọi ibis Saigon South. Dự án khách sạn 3 sao này tọa lạc tại quận 7, TP.HCM do Công ty liên doanh La Veranda của Pháp hợp tác với Công ty cổ phần B.B.Đại Minh làm chủ đầu tư. Sau đó Accor sẽ tiếp tục cùng với Bến Thành Group triển khai 8 khách sạn ibis. Nếu mọi việc thuận lợi, Accor sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dòng khách sạn này ở các địa phương khác của Việt Nam.

Những người đã có kinh nghiệm kinh doanh trong ngành khách sạn đều cho rằng, việc Accor, một tập đoàn quản lý điều hành khách sạn quốc tế, “tấn công” vào thị trường khách sạn kinh tế là tín hiệu cho thấy thị trường này rất tiềm năng.

 

Khách sạn trung tâm đang sống khỏe

Trên thực tế, những khách sạn bình dân (2-3 sao) ở trung tâm TP.HCM có kết quả kinh doanh rất lạc quan và nhiều nhà đầu tư có ý định mở rộng thị trường.

Trong quý 2/2011, công suất thuê phòng trung bình của toàn thị trường khách sạn tại TP.HCM đạt khoảng 59%, giảm 21% so với quý trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các khách sạn trong Thành phố đều có công suất thuê thấp. Riêng công suất thuê phòng của các khách sạn 3 sao đạt mức cao nhất trong cả 3 phân khúc (đạt khoảng 67% trong khi khách sạn 4 sao là 60% và khách sạn 5 sao là 51% – theo Savills).

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc khách sạn Catina (4 sao) nhận xét: “Kể từ năm ngoái, lượng khách lưu trú ở các khách sạn 4 và 5 sao đều sụt giảm, nhưng khách sạn 2 và 3 sao vẫn duy trì công suất thuê ổn định. Hơn thế nữa, các khách sạn 2-3 sao không bị chi phối nhiều bởi danh tiếng, áp lực thương hiệu, các chủ đầu tư cũng dễ dàng cắt giảm các chi phí quảng cáo, quản lý, nhân sự cấp cao… để giảm giá phòng. Tôi cho rằng nhóm các khách sạn 2-3 sao chỉ cần có chiến lược kinh doanh đúng, phù hợp với nhu cầu thị trường thì sẽ duy trì được lượng khách hàng ổn định”.

Cùng chung ý kiến này, giám đốc khách sạn Kelly, Thủ Khoa Huân, Q.1 cho biết, ngoài việc linh động thay đổi chiến thuật kinh doanh theo nhu cầu thị trường, với năng lực hiện tại, khách sạn đã tăng cường hợp tác với các công ty du lịch lữ hành trong nước, các công ty bán lẻ thông qua kênh Internet để tiếp cận khách hàng. Giá thuê phòng trung bình của các khách sạn này đạt từ 450.000 đồng/phòng/đêm đến 1.500.000 đồng/phòng/đêm, công suất phòng duy trì ổn định. Công suất phòng của các khách sạn từ 2 đến 3 sao vào những ngày cuối tuần chiếm từ 70 – 90%, trong đó khách Việt kiều, khách du lịch đến từ châu Á chiếm 40%, còn lại là khách nội địa và khách châu Âu.

Thắng nhờ chuỗi và vị trí đẹp

Theo các chủ đầu tư kinh doanh khách sạn loại 2-3 sao, yếu tố tiên quyết thu hút khách lưu trú là địa điểm. Vị trí càng thuận tiện thì càng đông khách, kế tiếp là cơ sở vật chất và giá cả. Về dịch vụ, nhìn chung các khách sạn 2-3 sao ở trung tâm Thành phố đã cải tiến nhiều, tạo được sự hài lòng cho khách lưu trú.

Nổi bật nhất trong nhóm các khách sạn hạng trung ở trung tâm quận 1 TP.HCM phải kể đến hệ thống khách sạn A&EM, khách sạn Tân Hải Long, Hoàng Hải Long, Lan Lan… Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty A&EM cho biết, khách sạn 3 sao là phân khúc đáp ứng không chỉ cho khách du lịch quốc tế mà cả khách nội địa. Vào những mùa cao điểm, công suất phòng của A&EM thường đạt khoảng 90%, còn mùa thấp điểm cũng gần 70%. Điều đáng nói là trong cơ cấu khách thuê phòng tại hệ thống A&EM, 60% vẫn là khách thương mại trong nước, 30% là khách du lịch nội địa, phần còn lại là khách du lịch quốc tế.

Còn bà Nguyễn Thị Phúc, chủ đầu tư hệ thống khách sạn Tân Hải Long thì cho rằng, các chủ đầu tư khách sạn luôn nhắm đến vị trí đắc địa gần chợ Bến Thành để kinh doanh khách sạn, bởi vị trí tốt sẽ tạo lợi thế kinh doanh tốt. Còn cơ sở vật chất, mỗi khách sạn sẽ có nét đặc thù riêng. Ưu điểm của các khách sạn tư nhân là chịu đầu tư mới, linh hoạt về giá cả và cải tiến nhiều hơn trong chất lượng dịch vụ.

Một yếu tố khác tạo nên thế mạnh cạnh tranh cho các khách sạn 2-3 sao này chính là sự hình thành chuỗi. A&EM có 9 khách sạn (8 khách sạn ở TP.HCM và 1 ở Hà Nội); Tân Hải Long có 5 khách sạn và đang tiếp tục triển khai thêm khoảng 3 khách sạn nữa; Hoàng Hải Long có 4 khách sạn, Asean Ruby có 3 khách sạn, Lan Lan, Nhật Hạ có 2 khách sạn… Các chủ đầu tư đều cho rằng, việc hình thành chuỗi và việc tạo uy tín thương hiệu cũng là một trong những yếu tố thu hút khách hàng. Chủ đầu tư hệ thống khách sạn Lan Lan – Thủ khoa Huân, Q.1 cho biết: “Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các khách sạn được cấp sao đều phải nỗ lực tạo được dấu ấn riêng, thể hiện qua hình ảnh đội ngũ nhân viên lành nghề, cách phục vụ chuyên nghiệp”. Ngoài ra, nhiều khách sạn 2-3 sao khác cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các kênh truyền thông trên Internet, đồng thời hợp tác mở rộng các kênh bán hàng qua các trang web như agoda.vn, booking.com… để tiếp cận khách hàng.

Kinh doanh khách sạn 2-3 sao được đánh giá là mang lại lợi nhuận tốt. Theo Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam hồi giữa tháng 6/2011 của Grant Thornton, lợi nhuận ròng của khách sạn 3 sao (được mặc định từ 75 phòng trở xuống) trong giai đoạn 2003-2010 luôn tăng trưởng tốt. Cao nhất là năm 2009, trong khi kết quả kinh doanh của các khách sạn 4-5 sao bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì phân khúc 3 sao đã trở thành “điểm trú ẩn an toàn” với lợi nhuận ròng tăng trên 30%.

Thị trường khi có ibis

Nếu trước đây các khách sạn 2-3 sao của các chủ đầu tư Việt Nam thường phát triển một cách tự phát và chưa theo chuẩn thống nhất thì việc ibis xuất hiện sẽ buộc các chủ đầu tư khách sạn phải xem xét lại cách thức kinh doanh một cách toàn diện.

Theo nhận định của Savills Việt Nam, thị trường Việt Nam dự kiến sẽ có thêm nhiều khách sạn 3 sao và trong tương lai gần, các khách sạn này sẽ chiếm khoảng 9% thị phần của phân khúc khách sạn 3-5 sao. Phần lớn các khách sạn 3 sao nằm tại trung tâm thành phố, gần chợ Bến Thành, trên các trục đường đông đúc như Lý Tự Trọng, Phạm Hồng Thái, Bùi Thị Xuân, Phạm Ngũ Lão… vẫn tiếp tục chiếm ưu thế lớn và duy trì kết quả kinh doanh ổn định. Thị phần khách sạn 2-3 sao ở Quận 10, Tân Bình, Phú Nhuận chỉ chiếm từ 1-5% tổng nguồn cung, phần lớn là vì vị trí địa lý không thuận lợi cho nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch.

Việc chuỗi khách sạn ibis xuất hiện trong một tương lai rất gần chắn chắn sẽ làm thay đổi diện mạo kinh doanh của các khách sạn “ít sao”. Về lý thuyết, khi ibis triển khai một loạt khách sạn 3 sao ở TP.HCM và nhiều nơi khác trên Việt Nam, bộ mặt của các khách sạn 3 sao chắc chắn có thay đổi. Ít nhất, sự nhận diện thương hiệu của các khách sạn trong cùng phân khúc cũng sẽ có chuyển biến.

Về “kịch bản cạnh tranh” trên phân khúc khách sạn 3 sao, tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung các nhà kinh doanh cho rằng, ibis tham gia thị trường sau nên không còn nhiều vị trí đẹp, điều này sẽ hạn chế phần nào sức mạnh của ibis. Tuy nhiên, các chủ đầu tư khách sạn cũng cho rằng, càng có nhiều người tham gia thì giá cả sẽ cạnh tranh nhiều hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Phúc, chủ đầu tư khách sạn Tân Hải Long nói rằng, các khách sạn tư nhân sẽ có giá “mềm” hơn, linh hoạt hơn. Còn theo giám đốc của khách sạn Hoàng Ngọc thì giá chỉ là một công cụ trong nhiều công cụ kinh doanh mà ibis sử dụng đến.

Ở góc độ đầu tư, những người am hiểu về Accor và ibis còn cho rằng, cách Accor kinh doanh theo mô hình chuỗi và quản trị thống nhất ở phân khúc khách sạn 3 sao ibis là điều mà nhiều chủ đầu tư Việt Nam sẽ phải suy nghĩ, cần phải “biết người, biết ta” để tính toán chiến lược kinh doanh của mình bởi thắng – thua trên thị trường còn phải được nhìn trên tổng quy mô đầu tư và hiệu quả kinh doanh. Với thương hiệu toàn cầu, kinh nghiệm quản trị hệ thống, nhân viên chuyên nghiệp, giá rẻ… là những lợi thế giúp ibis thu hút khách hàng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Do vậy, thị trường khách sạn “3 sao” hay khách sạn “kinh tế” chắc chắn sẽ hứa hẹn nhiều thay đổi lớn, kể cả việc đổi chủ.

Một chuyên gia (không muốn nêu tên) trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tiết lộ: đã có dấu hiệu cho thấy thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam có tín hiệu tăng mạnh về cả số lượng và giá trị giao dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và các chủ khách sạn trong nước tìm kiếm cơ hội, chiến lược đầu tư thông qua thị trường mua bán và sáp nhập sẽ là xu hướng trong tương lai. Và như thế việc ibis tham gia thị trường sắp tới cũng sẽ làm cho thị trường khách sạn “ít sao” nhiều biến động.

Theo DĐDN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 3 =

To Top