Connect with us

Khi ông lớn từ bỏ thế mạnh một thời

Tình huống thương hiệu

Khi ông lớn từ bỏ thế mạnh một thời

Đã có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã rời bỏ những thế mạnh từng là niềm tự hào một thời của mình như Phillips, Panasonic, Sony, Samsung.

Philips rời bỏ thị trường điện gia dụng

Philips mới đây đã bán bộ phận chịu trách nhiệm về audio, video, truyền thông đa phương tiện và phụ kiện cho công ty điện tử tiêu dùng Funai (Nhật). Giá trị của thương vụ này chỉ có 150 triệu Euro (tương đương 201,8 triệu USD) tiền mặt cùng với phí sử dụng thương hiệu. Động thái này đã chấm dứt hơn 80 năm Philips hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng. Nhiều hãng lớn khác ở Châu Âu như Siemens (Đức), Alcatel-Lucent (Pháp) cũng đã rời bỏ thị trường này vì không cạnh tranh lại các đối thủ như Samsung, Apple, LG, Sony…

Năm 1930, Philips là nhà cung cấp radio lớn nhất thế giới. Công ty Hà Lan này cũng chính đã phát minh ra băng cassette vào năm 1963, chế tạo máy ghi hình videocassette trong năm 1972 và ra mắt đĩa CD năm 1983. Philips là một nhà tiên phong về phát minh và sáng chế, tuy nhiên hãng không thành công khi kinh doanh những thứ do mình góp phần tạo ra. Những năm 1970, 1980, chuẩn băng từ VHS của Nhật đã chiến thắng videocassette của Philips trên thị trường.

Trong thời đại của Internet, nơi người ta không còn dùng đĩa mà tải và truyền nội dung qua mạng, Philips cũng không có được những động thái cần thiết để gây dấu ấn. Những năm qua, Philips cũng đã có những nước đi để dần rời xa mảng sản phẩm tiêu dùng, chẳng hạn như giảm số lượng TV và điện thoại di động mới.

Theo lời Frans van Houten, CEO của Philips, “mảng thiết bị điện tử tiêu dùng đã làm loãng việc kinh doanh của công ty, vì thế đã đến lúc quyết định rời bỏ nó. Bởi vì bây giờ đã có các loại hình giải trí trực tuyến, người ta không còn mua các đầu chơi đĩa Blu-ray hay DVD nữa”. Giờ đây, Philips sẽ tập trung phát triển các sản phẩm y tế (như máy quét ở bệnh viện), bóng đèn và các hệ thống điều khiển có liên quan (giống loại đèn LED mà tòa nhà Empire State ở New York đang dùng), sản phẩm gia dụng (đồ cạo râu, máy pha cà phê,…)

Sony rời bỏ thị trường ổ đĩa CD, DVD

Công ty con của Sony chuyên sản xuất đĩa CD, DVD dùng trong máy tính cá nhân là Sony Optiarc sẽ ngừng hoạt động vào tháng 3 năm 2013. Khoảng 400 nhân công cả trong và ngoài Nhật Bản sẽ thôi việc.

Trong năm 2011, Sony đã ghi nhận khoản lỗ lên tới 5,8 tỉ USD, hãng phải gắng xây dựng lại hoạt động kinh doanh bằng cách tập trung vào các mảng cốt lõi như trò chơi điện tử và cảm biến hình ảnh. Công ty đang đánh giá những bộ phận không sinh lời, bán đi mảng kinh doanh hóa chất và thu hẹp quy mô nhà máy sản xuất di động tại Thụy Điển. Việc từ bỏ mảng kinh doanh ổ đĩa quang là một trong những bước cuối cùng trong nỗ lực tái cơ cấu của Sony.

Tới tháng 3 năm 2013, Sony dự kiến sẽ cắt giảm 10.000 lao động toàn cầu và hiện đã sa thải hàng ngàn nhân viên. Công ty dự kiến cho bộ phận kinh doanh và hành chính nghỉ hưu sớm để đáp ứng được mục tiêu này.

Sony Optiarc nắm giữ 10-15% thị phần đĩa quang toàn cầu, với doanh thu hàng năm đạt hàng chục tỷ yên. Tuy nhiên, công ty vẫn phải báo lỗ vì thị trường notebook thu hẹp và phải cạnh tranh về giá với các đối thủ nước ngoài.

Samsung rời bỏ thị trường bộ nhớ đồ họa

Hãng sản xuất DRAM lớn nhất thế giới nói chung và GDDR5 (GDDR5 là dòng chip nhớ DRAM đang được dùng phổ biến trong các card đồ hoạ cao cấp hiện nay) nói riêng dường như đang có ý định từ bỏ sân chơi mà họ đang thống lĩnh, bỏ lại miếng bánh này cho các đối thủ Hynix và Elpida. GDDR5 là dòng chip nhớ DRAM đang được dùng phổ biến trong các card đồ hoạ cao cấp hiện nay.

Lý do của động thái này xuất phát từ việc thị phần đồ hoạ rời đang có dấu hiệu suy giảm. Ngoài ra, tương lai của bộ nhớ đồ hoạ cũng khá mong manh. Chỉ xét riêng mảng PC, nhu cầu dùng card đồ hoạ rời cũng không cao. Các dòng chip x86 có kèm nhân đồ hoạ tích hợp (APU) sẽ ngày một mạnh hơn và đáp ứng đủ nhu cầu nghe nhìn phổ thông của người dùng, mà không cần thiết phải có chip GDDR5 nằm trong hệ thống. Bên cạnh đó, thông số kỹ thuật cho bộ nhớ DDR4 đang dần đi vào giai đoạn hoàn chỉnh. Bộ nhớ DDR4 hứa hẹn sẽ mang lại mức băng thông cao hơn đáng kể so với DDR3, càng gây khó khăn hơn cho GDDR5.

Còn xét chung toàn thị trường công nghệ, Samsung không chỉ sản xuất DRAM như Hynix hay Elpida. Các sản phẩm smartphone & tablet của tập đoàn xứ kim chi này đều cần đến các bộ nhớ tiết kiệm điện hơn so với phiên bản PC.

Mặc dù ý định này của Samsung sẽ không được thực hiện một sớm một chiều, tuy nhiên cho đến khi nào hãng này cảm thấy lợi nhuận từ GDDR5 không còn đáng quan tâm nữa thì hãng sẽ chính thức nói lời chia tay với thị trường bộ nhớ đồ họa vĩnh viễn.

Panasonic rời bỏ thị trường TV

Tháng 10/2012, có một số nguồn tin cho biết thương hiệu Panasonic có thể sẽ rời bỏ thị trường TV và tập trung vào chế tạo các loại màn hình cỡ nhỏ cho các thiết bị di động. 

Panasonic đang có kế hoạch rút khỏi thị trường TV LCD và chuyển đổi các dây chuyền LCD sang sản xuất các loại màn hình cỡ nhỏ. Đặc biệt, Panasonic đang quan tâm đến việc thiết lập quan hệ đối tác với Apple trong hoạt động chế tạo màn hình iPad. Nguồn tin cũng xác nhận rằng nhà sản xuất đến từ Nhật Bản đã cung cấp một số mẫu màn hình có độ phân giải cao cho Apple, và dường như “Quả táo cắn dở” tỏ ra rất hài lòng về các mẫu sản phẩm này.

Panasonic đang lên kế hoạch cắt giảm công suất chế tạo màn hình LCD lẫn Plasma của mình. Dự kiến từ cuối năm 2012 cho đến 2014, các đợt cắt giảm công suất chế tạo màn hình LCD sẽ diễn ra thường xuyên, và nguồn lực sẽ được tập trung vào thị trường di động.

Theo Vef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three + three =

To Top