Tin trong nước
Khi nhà nhà làm điện thoại di động
Năm 2009, căn cứ vào số liệu nhập khẩu của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công thương), thị phần của các nhãn hiệu nội địa khoảng 15%.Năm 2003, công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (TP.HCM) đã đặt viên gạch đầu tiên cho phong trào kinh doanh điện thoại di động thương hiệu Việt với nhãn hàng V-Fone.
Nhưng nhãn hiệu này không thành công vì “đơn thương độc mã”, gia công bên Hàn Quốc nên giá thành cao khó cạnh tranh với những thương hiệu lớn.
Năm 2006, Thành Công Mobile tiếp nối với nhãn hiệu Bavapen. Từ thời điểm này, nhiều doanh nghiệp lặn lội sang Thâm Quyến (Trung Quốc) đặt hàng gia công: tự chọn linh kiện, khâu lắp ráp được thực hiện tại các xưởng ở Trung Quốc, cài đặt phần mềm được Việt hoá, sau đó gắn tên riêng, nhập và bán tại thị trường nội địa…
Thời thái lai: 5 triệu chiếc, 3.500 tỉ đồng…
Trong hai năm 2009 và 2010, thị trường của nhóm các nhãn hiệu điện thoại di động Việt phát triển mạnh đã làm nhiều thương hiệu lớn e ngại. Năm 2009, căn cứ vào số liệu nhập khẩu của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công thương), thị phần của các nhãn hiệu nội địa khoảng 15%.
Năm 2010, thị phần của điện thoại Việt đã tăng lên 30% với những nhãn hàng quen thuộc: Q-Mobile, F-Mobile, MobiStar, Viettel (nhà mạng Viettel), Avio (Vinaphone), Mobell, Cayon, Malata, ÉTouch… Dẫn đầu nhóm sản phẩm Việt là Q-Mobile khi trong năm 2010 thị phần khoảng 15%, đứng sau Nokia (53%) và Samsung (17%).
Như vậy, với tổng số điện thoại di động được nhập khẩu trong năm 2010 khoảng 15 triệu chiếc, các nhãn hiệu nội địa cũng đạt được con số kha khá: khoảng 5 triệu chiếc. Nếu giá bình quân của nhóm điện thoại này là 700.000 đồng/chiếc, doanh số không hề nhỏ: 3.500 tỉ đồng.
Sau khi trừ các khoản thuế và chi phí sản xuất, lợi nhuận dao động từ 10 – 20%, các nhà sản xuất điện thoại di động nhãn hiệu Việt (tạm gọi như vậy), thu về 175 – 350 tỉ đồng. Trên thực tế, lợi nhuận còn cao hơn con số trên khá nhiều, vì có nhiều lô hàng, nhà sản xuất đưa ra giá bán thực tế cao gấp đôi giá nhập.
Lợi nhuận cao, có khách hàng, các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, Mobifone… cũng tham gia vào nhóm điện thoại Việt. Không chỉ giá rẻ, với ưu đãi về gói cước, các nhãn hiệu của các nhà mạng đã thu hút lượng khách hàng khá lớn. Trong năm 2010, nhóm nhãn hiệu của nhà mạng chiếm khoảng 10% thị phần, tương đương từ 1 – 1,5 triệu chiếc. Phần đóng góp này là điểm cộng quý giá cho nhóm điện thoại di động nhãn hiệu Việt trước sức gia tăng của nhóm thương hiệu quốc tế.
Là một nhãn hiệu Việt tạo được “thế” với các nhãn hiệu trong và ngoài nước, ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc ABTel, chủ thương hiệu Q-Mobile đã có tuyên bố hào hứng với tương lai: xuất khẩu điện thoại Việt! Năm 2008, nhiều nhà sản xuất điện thoại Việt có ý định thành lập hiệp hội điện thoại di động Việt…
Và quá nhiều nhãn hiệu
Trong quá trình ăn nên làm ra trên, không ít nhà sản xuất đã thua lỗ hàng trăm tỉ đồng cho giấc mơ “điện thoại di động thương hiệu Việt”, nhưng những tấm gương đó không là “bài học cảnh giác” cho nhiều doanh nghiệp muốn làm chủ một nhãn hiệu điện thoại di động. “Đã có lúc thị trường điện thoại di động có đến gần 40 nhãn hiệu Việt.
Nhà nhà làm điện thoại di động. Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp sản xuất nhưng chủ yếu làm gia công, không có nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu như ở Việt Nam”, giám đốc một doanh nghiệp có ý định làm điện thoại di động Việt nói như vậy.
Ngoài những nhãn hiệu có tuổi thọ ít nhất là hai năm, như Connspeed, Q-Mobile, FPT, Avio, Viettel, Starmobile, Mobell, Cayon, ÉTouch… năm 2010 thị trường có thêm những nhãn hiệu mới, với số lượng nhập khẩu lớn (trên 5.000 chiếc/kỳ nhập khẩu): JVJ, P-Phone, Maxfone, Hi-Mobile, Amy, Bird, D-Fone, Latca, Masstel, Miswi, BlueFone, Hanel…
Ngay cả giới kinh doanh kỳ cựu trong nhóm sản phẩm điện thoại di động cũng không hề biết hết những doanh nghiệp nào hiện là chủ sở hữu những nhãn hiệu trên. Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, những nhãn hiệu trên, hoặc là bỏ “sỉ” cho các hệ thống bán lẻ hoặc là tự phân phối theo mô hình bán lẻ của mình.
Như Bách Khoa Computer có nhãn hiệu riêng là JVJ, chủ yếu bán trong hệ thống bán lẻ của mình, cũng có bán tại các cửa hàng bán lẻ (chủ yếu ở tỉnh) nhưng số lượng không nhiều. Theo một nguồn tin từ Bách Khoa Computer, hiện nay tháng nhiều nhất nhập khoảng 10.000 chiếc, tháng thấp nhất khoảng 4.000 chiếc. “Nếu lô hàng nào ít lỗi, lợi nhuận đủ cho chi phí bán hàng. Còn hàng bị lỗi nhiều, coi như khoản lỗ đó dành để trả học phí cho đam mê kinh doanh mặt hàng này của ông chủ”, nguồn tin bình luận.
Không thể phủ nhận những giá trị của điện thoại Việt với người tiêu dùng trong nước. Ngoài giá thấp (từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng/cái), mẫu mã chấp nhận được, những chiếc điện thoại này còn được tích hợp những công nghệ số cho giải trí cá nhân như chụp hình, nghe nhạc số… đã chiếm được cảm tình từ người tiêu dùng, nhất là nhóm khách hàng có thu nhập thấp. Không chỉ ở thị trường các tỉnh mà ngay cả những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… nhóm sản phẩm này cũng bán được hàng. Một tác động khác của điện thoại Việt là buộc các thương hiệu lớn phải điều chỉnh giá gần với giá xuất xưởng, không còn mức giá trên trời như trước.
Theo SGTT