Connect with us

Jan Koum trở lại mạnh mẽ với WhatsApp

Tình huống thương hiệu

Jan Koum trở lại mạnh mẽ với WhatsApp

Jan Koum đang trở thành cái tên được chú ý trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau hợp đồng chuyển nhượng WhatsApp với giá 19 tỷ đô la cho Facebook ngày 20/2. Koum cùng đồng nghiệp Brian Acton bắt đầu xây dựng WhatsApp năm 2009 tại California, sau khi rời khỏi Yahoo và bị Facebook từ chối tuyển dụng.

Chinh phục “ông lớn”

Sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ngoại ô Kiev (Ukraine), Koum cùng mẹ nhập cư vào Mỹ ở tuổi thiếu niên. Khoảng thời gian này gia đình Koum sống nhờ vào trợ cấp của xã hội. Koum đã tự học lập trình máy tính và trở thành kỹ sư thiết kế cơ sở hạ tầng mạng cho Yahoo vào những năm 1990. Tại đây, anh đã gặp và làm bạn với Brian Acton, người sát cánh cùng anh trong suốt quá trình khởi nghiệp sau này.

Bước ngoặt diễn ra khi Koum và Acton rời Yahoo và bị Facebook từ chối tuyển dụng năm 2007. Trong lúc thất nghiệp, Koum bắt đầu tìm hiểu về ứng dụng điện thoại trong chiếc iPhone của mình. Koum nhận thấy việc phát triển ứng dụng có thể là tương lai của ngành điện thoại, khi số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Điều này đã gợi cho Koum ý tưởng về một nền tảng kỹ thuật chung, nơi các thuê bao di động trên khắp thế giới liên lạc bằng hình thức nhắn tin thông qua internet thay vì hệ thống sms truyền thống. Koum bắt đầu dành toàn bộ thời gian của mình để tập trung xây dựng ứng dụng này.

Hàng loạt thử nghiệm thất bại làm Koum muốn từ bỏ ý tưởng này, nhưng Brian Acton đã thuyết phục anh đi tiếp. Vài tháng sau, Koum thử nghiệm thành công phiên bản đầu tiên của WhatsApp trên điện thoại của một người bạn. Brian Acton cũng thuyết phục được một quỹ mạo hiểm đồng ý đầu tư vào ý tưởng của hai người.

Năm 2009, Công ty WhatsApp ra đời và ứng dụng WhatsApp 2.0 chính thức ra mắt người dùng thông qua hệ thống App Store của Apple. Sau 4 năm hoạt động, WhatsApp đạt tốc độ tăng trưởng một triệu người dùng mới đăng ký mỗi ngày.

Hiện tại, số lượng người dùng WhatsApp là 450 triệu, gấp đôi tổng số người dùng Twitter. Trong đó, 70% người dùng gửi đi 19 tỷ tin nhắn, 600 ngàn bức ảnh và 100 ngàn video mỗi ngày. Ứng dụng này gần như phủ sóng khắp thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu, Ấn Độ và Châu Mỹ La tinh (các thị trường tiềm năng của Facebook). Mark Zuckerberg dự đoán, WhatsApp có thể đạt mốc 1 tỷ người dùng vào năm 2015.

Và cuộc chuyển nhượng trị giá 19 tỷ đô la đã chính thức đưa Jan Koum gia nhập hội đồng quản trị của Facebook, nơi trước đây từng từ chối tuyển dụng anh và cộng sự Brian Action.

Và vẫn đặt khách hàng vào trung tâm

Cuộc sống trong ngôi làng ngoại ô thành phố Kiev, nơi không có điện, nước nóng và mọi cuộc trò chuyện đều bị nghe lén đã tác động nhiều đến tính cách của Koum. Koum không thích sự khoa trương và ồn ào của các quảng cáo.

Trong một bài viết trên blog vào năm 2012, Koum chia sẻ rằng quảng cáo, marketing như những hạt bụi làm bản thân bị xao nhãng khỏi mục tiêu chính của mình. Do đó, trong suốt thời gian khởi nghiệp, Koum và cộng sự Action gần như không tiếp xúc với báo giới, không thuê nhân viên quan hệ công chúng mà chỉ tập trung phát triển ứng dụng tại Mountain View.

Mục tiêu của Koum khi xây dựng WhatsApps là tập trung tạo ra một sản phẩm nhắn tin giá rẻ, dễ sử dụng, đa kết nối và không quảng cáo. Về mặt kinh tế, ứng dụng nhắn tin này cho phép người dùng sử dụng miễn phí năm đầu tiên, sau đó thu 99 xu cho mỗi năm tiếp theo. Mức phí này rẻ hơn chi phí nhắn tin sms, nhất là với những tin nhắn quốc tế hoặc có đính kèm hình ảnh, video.

Về công nghệ, trong khi iMessage của Apple hay BBM của BlackBerry chỉ cho phép nhắn tin giữa hai sản phẩm của công ty thì WhatsApp có thể chạy trên tất cả các hệ điều hành của các dòng điện thoại thông minh hiện thời.

Thông qua WhatsApp, một người dùng iPhone có thể nhắn tin trò chuyện với người bạn dùng Samsung Galaxy mà không gặp phải trở ngại nào. Bên cạnh đó, người dùng WhatsApp không bị các quảng cáo làm phiền trong lúc nhắn tin như các ứng dụng miễn phí khác.

Trong một chia sẻ gần đây với giới phân tích, Koum cam kết WhatsApp sẽ vẫn giữ phí 99 xu một năm và không đưa quảng cáo vào ứng dụng dù đã sáp nhập vào Facebook.

Koum nhấn mạnh rằng thay vì dừng lại và bắt đầu khai thác lợi nhuận, mục tiêu hiện tại của WhatsApp vẫn là tập trung hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để khách hàng có thể nhắn tin nhanh và ổn định hơn.

Thành công của WhatsApp là minh chứng cho tính hiệu quả của phương thức kinh doanh: Đặt khách hàng vào trung tâm, tập trung vào phát triển chất lượng sản phẩm, và rồi lợi nhuận sẽ đến.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × 5 =

To Top