Connect with us

Hyundai: Đại gia đổi đời, quốc gia đổi vận

Tình huống thương hiệu

Hyundai: Đại gia đổi đời, quốc gia đổi vận

Hyundai là một trong những bằng chứng điển hình nhất về khả năng đóng vai trò và phô trương ảnh hưởng của thương hiệu trên chính trường.

Trong thế giới thương hiệu, Hyundai không chỉ là một trong những thương hiệu sáng giá và danh giá nhất của Hàn Quốc, không chỉ rất thành công trên thương trường, mà còn đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc kể từ khi lập quốc. Lịch sử thương hiệu này là quá trình đi từ không đến có và là cuộc đời của một con người với ý chí bền bỉ và quyết tâm sắt đá vì khát vọng đổi đời.

Ý chí quyết định tất cả

Câu chuyện về thương hiệu Hyundai trước hết là câu chuyện về người sáng lập ra nó, Chung Ju-yung. Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo và đông con ở tỉnh Kangwon (thuộc Triều Tiên ngày nay). Ngay từ thủa bé, Chung Ju-yung đã mơ ước về sau trở thành thày giáo. Nhưng thời ấy, ở vùng nông thôn nghèo ấy và với gia cảnh bần hàn, việc được học hành đến nơi đến chốn để thực hiện khát vọng kia là chuyện quá xa xỉ và không hiện thực đối với cậu bé. Cậu chỉ được ngồi học ké trong lớp học của ông nội mỗi khi không phải làm việc đồng áng trên khu đất của gia đình. Những lần tới thành phố bán củi và những gì đã đọc, đã nghe được về cuộc sống nơi kinh kỳ đã đưa chàng thanh niên này đến với nhận thức, muốn thoát khỏi cái nghèo túng thì phải đi làm và dựng nghiệp ở nơi đô thành. Ba lần trốn bố mẹ bỏ quê lên thành thị kiếm việc làm đều bị người cha tìm ra và bắt về nhà. Năm 1933, Chung lần thứ tư bỏ nhà ra đi, đến Seoul làm công nhân bốc vác ở cảng Incheon, rồi làm thợ xây dựng, sau đó làm công nhân trong một xí nghiệp sản xuất đồ uống.

Bước ngoặt lớn thứ hai đối với Chung sau quyết định bỏ quê hương và gia đình là chuyển sang làm việc cho cửa hàng bán gạo Bokheung ở Seoul. Chung nhận ra công việc ở đây là cơ hội làm giàu và thăng tiến. Chung làm vừa lòng khách hàng đến mức ông chủ không thể không để ý. Chỉ sau sáu tháng, Chung đã được ông chủ tín nhiệm giao cho phụ trách toàn bộ công việc kế toán tài chính của cửa hàng. Những kiến thức và kinh nghiệm có được từ công việc này có tầm quan trọng quyết định tới hiệu quả quản lý và điều hành tập đoàn Hyundai sau này. Năm 1937, người chủ cửa hàng bị ốm và giao cửa hàng cho Chung, khi đó mới 22 tuổi. Chung đổi tên cửa hàng thành cửa hàng gạo Kyungil. Công chuyện kinh doanh đang rất thuận lợi thì năm 1939, phát xít Nhật cấm người Triều Tiên kinh doanh gạo. Chung phải trở về quê, nhưng năm 1940, lại tới Seoul thành lập một xưởng sửa chữa ô tô.

Trong vòng có 3 năm, xưởng của Chung phát triển thành một xưởng lớn và đem lại lợi nhuận lớn cho ông. Năm 1943, chính quyền Nhật chiếm đóng buộc xưởng của Chung phải sát nhập với một nhà máy luyện thép để phục vụ cho chiến tranh. Chung lại bị buộc phải về quê. Chỉ sau khi Triều Tiên được giải phóng, cơ hội kinh doanh lập nghiệp thật sự mới đến với Chung.

Năm 1947, Chung thành lập công ty Hyundai và Hyundai Civil Industries. Chung nhận ra, sau chiến tranh, nhu cầu về tái thiết và công nghiệp hoá rất lớn và đó là cơ hội kinh doanh thuận lợi có một không hai. Công ty của Chung nhận được những đơn đặt hàng và trúng thầu – mà thực chất là chỉ định thầu – nhiều dự án lớn ở Hàn Quốc, đặc biệt về cơ sở hạ tầng giao thông, rồi cả những dự án xây dựng của quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc. Hyundai của Chung dần trở thành Chaebol lớn nhất ở Hàn Quốc, và phải rất lâu sau đó mới bị Samsung đẩy xuống vị trí thấp hơn.

Phép cộng tạo cơ đồ

Thất bại không nản chí, kiên định thực hiện khát vọng đổi đời và tận dụng mọi cơ hội là những thành tố ban đầu được Chung khắc ấn vào thương hiệu Hyundai. Hyundai trong tiếng Hàn có nghĩa như Hiện đại hay mới mẻ. Cái tên thương hiệu được Chung lựa chọn làm ý chính cho cả tôn chỉ mục đích lẫn triết lý kinh doanh. Thương hiệu biểu tượng cho cái mới, như thể hàm ý đi tắt, đón đầu chiều hướng phát triển của đất nước và tâm lý của khách hàng. Lô gô của thương hiệu gồm chữ cái H để trong vòng ôval. Vòng ôval tượng trưng cho quả địa cầu, có nghĩa phạm vi hoạt động của Hyundai là toàn thế giới. Chữ cái H vừa là chữ cái đầu của tên thương hiệu, vừa là hình ảnh về hai con người tay trong tay, một người là nhà sản xuất, còn người kia là khách hàng, cả hai song hành và đồng hành.

Tập đoàn Hyundai ngày nay được phân chia thành nhiều tập đoàn khác nhau, độc lập với nhau và kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Nhưng mảng ô tô đã đóng góp quyết định nhất vào thành công và danh giá của thương hiệu này. Hyundai Motors Corporation mãi về sau mới thành lập, nhưng nhanh chóng trở thành “cỗ máy in tiền” quan trọng nhất của Hyundai. Một lần nữa, ông Chung mượn bột của người khác để gột nên hồ. Năm 1975, chính phủ Hàn Quốc chủ trương có chương trình chế tạo ôtô riêng của Hàn Quốc, không lệ thuộc vào ai, không sử dụng công nghệ và thiết bị linh kiện của ai khác ngoài tự chế ở Hàn Quốc. Hyundai đã chế tạo nên chiếc ôtô đầu tiên đáp ứng đầy đủ tất cả những tiêu chí ấy, vươn lên trở thành tập đoàn chế tạo ôtô lớn nhất Hàn Quốc và đối thủ cạnh tranh đáng gờm của tất cả các hãng chế tạo ôtô hàng đầu của thế giới ở ngay chính những thị trường truyền thống của họ.

Đối với việc xây dựng, duy trì và phát triển của mọi thương hiệu, nhân tố con người vẫn luôn quyết định nhất. Nhưng trong trường hợp Hyundai thì tác nhân bên ngoài cũng lại quyết định không kém. Từ cửa hàng bán gạo ở Seoul đến những đơn đặt hàng của chính phủ và quân đội Mỹ và đặc biệt là chủ trương chính sách của chính phủ nhằm gây dựng nền công nghiệp chế tạo ôtô tự lập đều là những nấc thang đưa Hyundai đến thành công. Ở đây, mưu sự đúng là tại nhân, nhưng thành sự lại không chỉ có tại nhân. Nắm bắt cơ hội để định hướng kinh doanh là một trong những bài học kinh nghiệm thành công lớn nhất của thương hiệu này. Hyundai kết hợp ý chí đặc thù của người Hàn Quốc với tính chính xác của Nhật Bản và kinh nghiệm quản lý kinh doanh của Mỹ trong mọi công đoạn sản xuất và quản lý để có được chất lượng cao nhất, hiệu quả lớn nhất và hiệu ứng tối ưu. Năm 2011, Công ty Interbrand xếp Hyundai đứng thứ 61 trong số 100 thương hiệu sáng giá nhất thế giới, với giá trị thương hiệu hơn 6 tỷ USD.

Theo Doanh Nhân

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 − 4 =

To Top