Connect with us

Hoàng hôn Nokia bình minh Samsung

Tình huống thương hiệu

Hoàng hôn Nokia bình minh Samsung

Nokia đã đánh mất vị trí hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới vào tay Samsung như thế nào?

Gọi bằng máy này, nghe máy khác, nhiếp ảnh gia quốc tế Nicolas CORNET cười khi giải thích rằng chiếc điện thoại Nokia 1208 của anh có cái hay là “KHÔNG SỢ bị mất cắp”. Tiếp lời, nữ phiên dịch đi cùng đồng tình và cho rằng, người Việt Nam hầu như ai cũng có 1 chiếc loại rẻ để nghe, gọi và 1 điện thoại thông minh với nhiều tính năng, công nghệ cao.

Trước đây, Nokia thành công rực rỡ với những dòng điện thoại phổ thông với ưu điểm giá thấp và bền. Nhưng bây giờ, người tiêu dùng chuộng những chiếc điện thoại cảm ứng nhiều ứng dụng của Apple, HTC, Samsung…

Liên tiếp, Nokia bị mất ngôi vương trên một số thị trường quan trọng, khiến cho nhiều người không còn bất ngờ khi Nokia để tuột tay vị trí dẫn đầu về lượng điện thoại xuất xưởng.

Ông Neil Mawston, nhà phân tích của hãng Strategy Analytics, trước đây đã dự báo Nokia cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm mới, nếu không họ sẽ tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ khác. Quả vậy, đến năm 2011, Nokia bị Samsung vượt mặt về doanh thu. Đến đầu năm nay, Nokia đã chính thức bị Samsung soán ngôi về lượng sản phẩm khi trong quý I/2012, Samsung đạt 93,5 triệu chiếc, chiếm 25% thị trường toàn cầu trong khi Nokia sản xuất ra 82,7 triệu chiếc, chiếm 24% (theo Strategy Analytics).

Số liệu nghiên cứu mới được công bố gần đây của IDC cũng cho thấy Nokia tiếp tục bị rớt hạng trong phân khúc điện thoại thông minh. Kẻ gây ra điều này, một lần nữa lại là Samsung với 42,2 triệu điện thoại thông minh xuất xưởng trong quý I/2012. Nokia xếp thứ ba, sau cả Samsung và Apple.

Thống kê của Reuters cho thấy trong vòng 5 năm qua, giá cổ phiếu Nokia đã giảm tới 90%. Đến đầu năm nay, Nokia lỗ 1,34 tỉ euro. Lượng điện thoại phổ thông xuất xưởng thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trả giá cho lòng chung thủy

Trỗi dậy rồi thống lĩnh thị trường nhờ dòng điện thoại giá thấp nên Nokia đã kiên trì với mảng đó. Tuy nhiên, gần đây tỉ suất sinh lời của điện thoại phổ thông đã giảm xuống rất thấp so với điện thoại thông minh.

Sau hơn 10 năm ngồi trên ngôi vương, Nokia dần bị các nhà sản xuất từ Trung Quốc như ZTE, Huawei tranh giành thị phần trong phân khúc điện thoại bình dân.

Sau khi tung hàng loạt sản phẩm giá rẻ để cạnh tranh với những điện thoại từ Trung Quốc, Nokia nhận ra mảng này không còn mang lại lợi nhuận lớn nữa. Hãng bắt đầu bước vào cuộc đua ở phân khúc cao cấp hơn là smartphone. Ở phân khúc cao cấp, Nokia lại gặp khó khi các đối thủ truyền thống là Apple và Blackberry tiếp tục làm mưa làm gió. Thêm vào đó, các đối thủ ở châu Á như Samsung, LG, HTC cũng cạnh tranh mạnh mẽ.

Hậu quả là lần đầu tiên trong lịch sử, thị phần toàn cầu của Nokia giảm xuống dưới 30% vào năm 2011.

Câu chuyện trở nên khó cứu vãn khi Tổng Giám đốc Stephen Elop coi thường nền tảng mở của Google là Android để tiếp tục với nền tảng cũ Symbian. Chính điều đó đã khiến Nokia phải trả giá khi Android liên tục tăng trưởng, bỏ xa Symbian, kéo theo đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đối thủ Samsung, HTC.

Nokia đã không nắm bắt cơ hội với Android. Thay vào đó, họ quay sang bắt tay với Microsoft để phát triển Windows Phone 7. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để biết liệu Nokia sẽ gỡ gạc lại được những gì.

Sony Ericsson cũng đã đưa ra chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Windows vào năm 2008 nhưng không mang lại kết quả khả quan vì những hạn chế của nó so với iOS và Android. Tháng 3.2010, hãng này đã tung ra mẫu điện thoại chạy Android đầu tiên, Xperia X10. Nhưng đáng tiếc, thời điểm đó, các nhà sản xuất như Motorola, HTC và Samsung đã tiến được những bước dài trên thị trường, hãng này chật vật vẫn không theo kịp cơ hội.

Nhưng ít ra, Sony Ericsson còn nhận ra tiềm năng của Android. Còn Nokia khi ấy vẫn còn trung thành với Symbian và tiếp tục nói không với Android cho tới tận bây giờ.

Sau mưa, trời có sáng với nokia?

Trên thực tế, những chiếc điện thoại thuộc dòng Nokia Lumia đang được nhiều người đón nhận và hằng ngày mang về doanh thu tốt hơn cho Nokia. Ông Elop đang hy vọng nó sẽ là cứu cánh cho Nokia. Ông cũng khẳng định Nokia sẽ tiếp tục với nền tảng này để tiếp tục phát triển mảng điện thoại thông minh và cả điện thoại truyền thống nhằm hướng đến một tỉ người dùng tiếp theo.

Nokia cũng cho biết, họ đang gom tài chính bằng việc đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm chi phí để đạt được mục tiêu tiết kiệm khoảng 1,42 tỉ USD vào năm 2013. Ngoài ra, Nokia có khả năng sẽ bán được thương hiệu điện thoại hạng sang Vertu và thu về khoảng 260 triệu USD để thêm vào nguồn tài chính hiện có.

Nhưng đường về với hào quang năm cũ của Nokia chắc chắn không dễ dàng. Samsung đang nổi lên như một hiện tượng với tốc độ phát triển chóng mặt. Họ cũng đang có những lợi thế với các sản phẩm sử dụng hệ điều hành hợp thời và kế hoạch mạnh mẽ về hệ điều hành riêng Bada.

Sau cơn mưa trời có thể lại sáng tươi với Nokia. Cũng có thể là không. Nhưng có một điều chắc chắn là Samsung đang nhìn thấy ánh bình minh rạng ngời. Trong cùng một thời điểm, Nokia đang phải chứng kiến ánh sáng trầm buồn của một buổi hoàng hôn.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × one =

To Top