Connect with us

Hàng Việt bén rễ thị trường Nhật

Tin trong nước

Hàng Việt bén rễ thị trường Nhật

Sau hai năm thực hiện Hiệp định đối tác VN - Nhật Bản (VJEPA), hàng hóa VN tiếp tục xuất siêu sang thị trường này. Nhiều mặt hàng đã tận dụng tốt cơ hội để bén rễ, tăng trưởng tốt tại thị trường tiềm năng nhưng không ít khó khăn này.

Sở Công thương TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển trung tâm WTO ngày 23/11 tổ chức hội thảo đánh giá tác động sau hai năm thực hiện VJEPA và hỗ trợ vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu từ Nhật Bản.

Xuất siêu sang Nhật

Ông Huỳnh Khánh Hiệp – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết sau khủng hoảng kinh tế năm 2009 xuất khẩu sang Nhật của TP.HCM trong năm 2010 đã đạt 1,81 tỉ USD, tăng 21,5%, Nhật tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.

Thủy sản VN là một trong những mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cho biết xuất khẩu thủy sản mười tháng đầu năm 2011 sản lượng 748.122 tấn (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái), giá trị đạt 4,9 tỉ USD (tăng 23,6% so với cùng kỳ). Nhiều khả năng giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang Nhật năm 2011 sẽ đạt mức 5,8-6 tỉ USD. Trong đó mặt hàng tôm đông lạnh VN xuất khẩu sang Nhật đạt 1,764 tỉ USD, đứng trong top 3 nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Nhật nhiều năm liền.

Theo tùy viên kinh tế Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Tadashi Kikuchi, kim ngạch thương mại hai nước tăng trên 20% so với cùng kỳ 2010 và hàng hóa VN xuất khẩu sang Nhật sẽ còn phát triển hơn nữa.

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương), cho biết trong mười tháng đầu năm 2011, VN xuất khẩu hơn 8,54 tỉ USD, nhập khẩu gần 8,4 tỉ USD từ Nhật (VN xuất siêu gần 150 triệu USD).

Xuất khẩu tranh mỹ nghệ sang Nhật

 

Bén rễ

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật, tiềm năng của thị trường này còn rất lớn. Ông Tadashi Kikuchi phân tích muốn đi sâu vào thị trường Nhật, các doanh nghiệp VN phải nghĩ đến chiến lược tiếp cận lâu dài, đặt mối quan hệ dài hạn với đối tác Nhật, tăng cường thu thập thông tin doanh nghiệp Nhật, tham gia khảo sát thị trường để hiểu văn hóa kinh doanh, tìm đối tác.

Ông Mai Đình Kiêm, Giám đốc Công ty thảm thêu len Sài Gòn, cho biết vừa xuất sang Nhật một lô hàng các loại thảm truyền thống VN hoa văn trống đồng, tứ long, chữ “công”, “thọ”, “hỷ”… làm bằng len lông cừu. “Muốn tồn tại ở thị trường Nhật, doanh nghiệp VN phải am hiểu mẫu mã thiết kế thịnh hành ở Nhật, kết hợp văn hóa truyền thống VN, sản phẩm sạch 100%, không ô nhiễm môi trường, không tích điện…” – ông Kiêm cho hay.

Còn ông Nguyễn Thoại Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty CP cáp nhựa Vĩnh Khánh, cho biết doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm chữ tín nên cho dù lỗ trong vài đơn hàng cũng phải đảm bảo cam kết về thời gian giao hàng. Ông kể đã có nhiều chuyến hàng do cúp điện nên thời gian sản xuất chậm trễ, thay vì chuyển bằng đường biển, công ty đã phải chuyển hàng sang Nhật bằng máy bay với chi phí cao hơn nhiều, đảm bảo thời gian giao hàng.

“Xuất hàng sang Nhật phải đảm bảo bao bì trang trọng, sạch sẽ, đúng kích thước, hấp dẫn, chi phí bao bì chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm” – ông Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Huy Sơn, ngoài những yêu cầu khắt khe như chất lượng hàng hóa đòi hỏi rất cao, yêu cầu môi trường, nhà xưởng, kho bãi, năng lực sản xuất… để có thể đưa hàng hóa, sản phẩm VN vào hệ thống phân phối chuyên nghiệp của Nhật, đòi hỏi các doanh nghiệp VN cần phải nỗ lực nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường này

Theo TTO

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × one =

To Top