Connect with us

Xuất gỗ sang Trung Quốc tăng, doanh nghiệp lại không vui

Tin trong nước

Xuất gỗ sang Trung Quốc tăng, doanh nghiệp lại không vui

Việc Trung Quốc trong 7 tháng vừa qua bất ngờ vươn lên trở thành nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam lớn thứ 2 sau Mỹ, bỏ xa thị trường Nhật và thị trường EU, đã khiến một số doanh nghiệp đặt dấu hỏi về những sản phẩm được bán qua thị trường này.

Gỗ nguyên liệu vẫn “chảy” qua Trung Quốc

Ông Nguyễn Huy Cương, quản lý của một xí nghiệp cưa xẻ chuyên cung cấp gỗ cưa xẻ cho các doanh nghiệp chế biến ở Long Thành, Đồng Nai cho biết đang có nhiều thương nhân người Việt hoặc người Việt gốc Hoa đến đặt mua gỗ nguyên liệu có sơ chế bề mặt để xuất sang Trung Quốc.

Nếu như trước đây để xuất sang Trung Quốc các thương nhân chỉ việc mua phôi thô, không bào thì hiện nay họ mua gỗ dạng thanh đã xẻ, bào 4 mặt để xuất dưới dạng thanh và chịu thuế 5%, thay vì xuất gỗ cây, gỗ vuông thô như trước đây, phải chịu mức thuế 10% (*)

Năm rồi chỉ riêng xí nghiệp cưa xẻ của ông Cương đã bán 150.000 đơn vị gỗ cho thương nhân Trung Quốc, cao nhất từ trước tới giờ.

“Thương nhân Trung Quốc và những đại diện người Việt Nam của họ vào mua vét hết cả xưởng, từ phôi thô, gỗ tạp, gỗ xẻ… với giá luôn cao hơn từ 5 đến 10% so với các công ty gỗ trong vùng mua. Mỗi lần họ cho xe tải đến mua hàng xong là kho tôi hụt hẳn!”, ông nói.

Nửa đầu năm 2010, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao vì thương nhân Trung Quốc vào các tỉnh ồ ạt mua gỗ nguyên liệu, chủ yếu dưới dạng phôi thô để mang về nước đã khiến một số loại gỗ rừng trồng trong đó có cao su, tăng giá đến 20%, lên mức gần 4 triệu đồng/mét khối chỉ trong vòng 4 tháng.

Bà Trịnh Kim Thanh, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc ở Đồng Nai thì lo lắng khi các đầu mối gỗ nguyên liệu cứ một thời gian lại báo tăng giá bán. Hiện nay bà đang thực hiện các đơn hàng với nguyên liệu từ gỗ xà cừ cưa xẻ, bán với giá 4 triệu – 5 triệu đồng/mét khối tùy quy cách cưa xẻ, giá này theo bà Thanh đã tăng khá nhiều so với hồi đầu năm nay.

“Đơn hàng nhiều nhưng với cái kiểu nguyên liệu làm sản phẩm cứ chực chờ tăng giá thì làm sao tôi dám nhận”, bà lo lắng.  

Theo một doanh nghiệp chế biến gỗ thì bản thân Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nên nhu cầu nguyên liệu của nước này cũng cao tương ứng. Bên cạnh đó, lạm phát cao của nước này cũng khiến nhiều loại vật liệu, trong đó có loại gỗ polar chính của nước này, trở nên đắt đỏ hơn so với trước nên gỗ rừng trồng Việt Nam đã trở thành nguồn vật liệu bổ sung cho ngành công nghiệp gỗ của nước này.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) trong một phát biểu gần đây thì hiện chỉ có một vài doanh nghiệp lớn trong hội tự chủ được nguồn nguyên liệu từ rừng trồng như công ty Trường Thành, công ty Khải Vy… còn lại số đông các doanh nghiệp gia công gỗ xuất khẩu đang phải dựa vào nguồn gỗ ngoài thị trường.

Trung Quốc, thị trường gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam?

Theo các số liệu từ Hải quan mới công bố gần đây, xuất khẩu đồ gỗ qua Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đã đột ngột tăng mạnh lên 344 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên, xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc qua mặt các nước châu Âu và nước này trở thành thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Mỹ (kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ 7 tháng đầu năm đạt gần 745 triệu đô la Mỹ).

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) tỏ ra khá ngạc nhiên với số liệu trên, vì mặc dù trước đó ông có dự báo xuất khẩu gỗ qua Trung Quốc sẽ tăng trong năm nay nhưng mức tăng đột biến như vậy là điều cần phải xem xét.

“Xuất khẩu qua Trung Quốc tăng mạnh chưa hẳn là điều đáng mừng, chúng ta cần phải lưu ý gỗ xuất dưới dạng nào”, ông nói.

Theo ông, nếu là hàng thành phẩm sẽ là điều rất tốt, nhưng nếu là gỗ nguyên liệu nhưng được xử lý thành các dạng khác để hưởng mức thuế xuất khẩu thấp hơn thì lại là điều đáng lo ngại. Ông Quyền cho biết, vừa rồi hiệp hội cũng có ý định đề xuất với Bộ Tài chính áp thuế lên đến 20% với một số mặt hàng thanh tà vẹt đường sắt và xe điện, trong tháng 5 năm nay có kim ngạch xuất khẩu tăng đến 300% so với tháng 5 năm 2010, để đề phòng thiếu hụt trong nước.

Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, nhu cầu thị trường Trung Quốc hiện nay chỉ tập trung 2 dạng là gỗ qua sơ chế và hàng mộc, tức hàng nội thất được xử lý, chạm trổ như hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Hùng, riêng dòng sản phẩm thứ 2 là thế mạnh của các làng nghề truyền thống tập trung ở các tỉnh phía Bắc do sản phẩm phù hợp với văn hóa của người Trung Quốc, chứ không phải thế mạnh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ các tỉnh miền Trung trở vào, vốn chỉ xuất sang một số thị trường chính như Mỹ, EU.

“Một số sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam thật sự không thể cạnh tranh với Trung Quốc, vốn cũng là một quốc gia xuất khẩu đồ gỗ, lại hơn hẳn về trình độ quản lý, quy mô sản xuất hàng loạt. Trong tương lai, nếu muốn tiếp cận thị trường này thì cần có những nghiên cứu và hướng đầu tư thích hợp”, ông nói.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × three =

To Top