Connect with us

Hàng hiếm cũng ế

Tình huống thương hiệu

Hàng hiếm cũng ế

Câu chuyện thành phố Hội An, Quảng Nam tồn kho một lượng yến sào lớn gây tổn thất đến gần 80 tỉ đồng khiến cho giới kinh doanh yến thẫn thờ âu lo. Vấn đề ở chỗ, yến là một sản phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam, hơn nữa, kinh doanh yến sào từ trước đến nay vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Trước giờ, hầu như chưa bao giờ có tình trạng yến tồn kho.

Dư thừa đáng ngạc nhiên

Yến sào là một sản phẩm có giá không hề rẻ. Tuy nhiên với những công dụng tốt cho sức khỏe, nhu cầu đối với yến sào ngày càng tăng cao. Đặc biệt là yến huyết, có lúc giá tăng đến hơn 300 triệu đồng/kg nhưng vẫn không đủ hàng để bán cho thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu. Ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết tổ yến xuất khẩu có giá khoảng 3.500 USD/kg (khoảng 72 triệu đồng). Công ty ông thường xuyên không đủ hàng bán. Theo ông, khách hàng ưa chuộng tổ yến của Việt Nam vì chất lượng tốt và do vậy bán được giá hơn.

Ông Lê Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Dạ Yến, cho biết trong vòng 5 năm qua, thị trường yến tăng trưởng rất nhanh. Công ty ông thường thiếu yến để bán, đặc biệt là yến huyết. Ông này lấy ví dụ, năm 2007, ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM, chỉ có 1 cửa hàng của Dạ Yến. Đến nay, trên con đường này đã có đến 12 cửa hàng với 12 thương hiệu khác nhau chỉ chuyên bán tổ yến.

Tại TP.HCM, chỉ tính riêng thương hiệu Dạ Yến đã có đến 10 cửa hàng bán lẻ và 1 nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn từ tổ yến. Đó là chưa kể đến những thương hiệu lớn hơn như yến sào Khánh Hòa hay Hoàng Yến có hàng trăm cửa hàng khắp nơi và xuất khẩu hàng đi vài chục nước khác trên thế giới.

Phó Giáo sư Nguyễn Khoa Diệu Thu, Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam, cho biết lượng yến tiêu thụ trên thế giới ước tính trong năm 2011 là 260 tấn. Trong đó nơi nhập khẩu nhiều nhất là Hồng Kông, chiếm 50% lượng mua bán tổ yến trên thế giới. Tiếp đến là cộng đồng người Hoa ở Mỹ, Úc, New Zealand tiêu thụ khoảng 15%. Trung Quốc tiêu thụ 8%, Đài Loan, Macau mỗi nơi 4%. Tổng giá trị mua bán tổ yến trên toàn thế giới vào năm 2011 là khoảng 4,3 tỉ USD, mức tăng trưởng mỗi năm trên 10%.

Do vậy, ông Lê Quang Thắng, Công ty Dạ Yến, tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tin yến sào Hội An lại tồn kho. Ông nhận định rằng có thể tình hình kinh tế khó khăn đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Công ty Dạ Yến của ông thời điểm này cũng gặp khó khăn hơn trước, doanh thu sụt giảm khoảng 30-40% so với năm ngoái.

Khó vào quy củ

Trường hợp yến tồn kho ở Hội An là tín hiệu cảnh báo đối với các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh tổ yến.

Ông Hoàng, Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết nuôi yến nhà tại Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa được định hướng phát triển cụ thể, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và đầy rủi ro vì chưa có chính sách của Nhà nước, thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ kỹ thuật. Những rào cản xuất hiện trong nhiều khâu, từ việc cấp giấy phép xây dựng nhà nuôi yến, phương thức đánh thuế cho tới quy hoạch khu vực nuôi, vệ sinh môi trường…

Ông Thắng, Công ty Dạ Yến, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho biết hiện tại các công ty kinh doanh yến chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, kể cả việc mua đất để xây nhà nuôi yến cũng chưa được phép. Các doanh nghiệp phải lách bằng cách mua đất xây nhà dân dụng, xin phép xây như thông thường rồi sau đó đổi công năng làm thành nhà nuôi yến. Ông nói: “Chúng tôi cũng mong muốn nhà nước có những chính sách khuyến khích phát triển ngành này. Doanh nghiệp yến Thái Lan và Malaysia đều được ưu đãi như vay vốn lãi suất 0%”.

Mức độ phát triển nghề nuôi chim yến tăng khá nhanh. Hiện nay nơi nuôi nhiều nhất là TP.HCM với khoảng vài trăm nhà, kế đến là Khánh Hòa khoảng 100 nhà, các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai… cũng có hàng chục nhà yến.

Theo ông Thắng, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 10.000 nhà nuôi yến. Mỗi nhà yến đầu tư khá đơn giản, chi phí khoảng 2,5-3 triệu đồng/m2 sàn (thông thường nhà nuôi yến khoảng 5 tầng, diện tích 10×16 hoặc 12×20 m) và chỉ đầu tư một lần, sau đó chỉ tốn chi phí khai thác, bảo vệ… mà sản phẩm thu được thì có giá trị kinh tế cao.

Nghề hấp dẫn, tăng trưởng nhanh nhưng lại thiếu sự quản lý, chỉ đạo của Nhà nước nên khó đi vào quy củ. Ngay cả việc phát triển quá nhanh nhà nuôi yến cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp quả đắng khi nhà thì thu hút được chim nhưng chúng không hề làm tổ. Hơn nữa đàn chim yến sẽ bị chia sẻ bầy đàn khiến cho tỉ lệ thành công càng mong manh hơn.

Ông Thắng cho biết mỗi tổ chim yến được xây là do có một cặp chim nên duyên, do đó cần có kỹ thuật để thu hút chúng về tổ và có những âm thanh, tác động để chúng mau kết duyên với nhau. Những kỹ thuật này phải học mới có được, do đó có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân không đủ kinh nghiệm, kiến thức đã tốn hàng tỉ đồng mà vẫn không thu được kết quả nào.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen + six =

To Top