Tình huống thương hiệu
Google và giá trị của việc xây dựng thương hiệu
Việc Google rút quân khỏi thị trường Trung Quốc rõ ràng cho họ cơ hội thể hiện tinh thần đạo đức và trung thành với giá trị thương hiệu – theo phương châm “Không làm điều sai trái”.Bất chấp những rủi ro có thể xảy ra, Google vẫn ưu tiên đặt việc bảo mật thông tin và gìn giữ niềm tin của người dùng lên hàng đầu – đây là hành động rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, dấu ấn của Google tại thị trường Trung Quốc vẫn còn khá non trẻ so với các công cụ tìm kiếm nội địa trứ danh và lâu đời như Baidu, Youku và Sogou. Nhưng với lòng kiên trì và khả năng đổi mới không ngừng, Google hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình.
Dù cho bất kỳ lý do nào đi nữa, lập trường của Google đặt ra một vấn đề lớn hơn – trong thị trường Trung Quốc khổng lồ này, những công ty toàn cầu khác sẽ sẵn sàng đánh đổi những giá trị thương hiệu nào cho lợi ích kinh doanh? Ít nhất có 34 công ty công nghệ khác bao gồm Adobe, Microsoft, Northrop Grumman, Symantec và Yahoo đang là tâm điểm chú ý. Hiện họ vẫn đang xem xét tình hình và chúng ta vẫn chờ câu trả lời sau cùng, mặc dù Microsoft, nạn nhân thường xuyên của các cuộc tấn công trên mạng, đã tuyên bố rằng, cho đến nay công ty vẫn hoạt động kinh doanh bình thường tại Trung Quốc.
Vậy đây có phải là một lời thách thức với thương hiệu?
Liệu các công ty trên có đánh giá lại vai trò của thương hiệu tại thị trường Trung Quốc và đưa ra quyết định sau cùng hay không? Hay, có khả năng họ sẽ lờ đi cho đến khi mọi thứ chìm vào quên lãng? Có lẽ giá trị thương hiệu của họ ít để lại dấu ấn hơn của Google và hành động của họ ít được thế giới theo dõi hơn. Nhưng họ phải cân nhắc xem giá trị thương hiệu có vai trò gì khi đặt cạnh tham vọng kinh doanh? Các thương hiệu khác sẽ làm cách nào để cân bằng cả hai trong hoàn cảnh đầy cam go thử thách?
Có lẽ quan trọng hơn nữa, vấn đề này đặt ra mối quan tâm rằng, giá trị thương hiệu thật sự có ý nghĩa đến mức nào khi xét về khía cạnh tài chính và giá cổ phiếu. Doanh nghiệp ưu tiên thế nào giữa nhân viên chuyển tải giá trị thương hiệu và những người đạt chỉ tiêu kinh doanh? Khi một công ty đưa ra một châm ngôn như “Không làm điều sai trái”, thì nhân viên công ty, những người được yêu cầu thực hiện các giá trị đó, sẽ có đóng góp gì? Có lẽ khi vấn đề đạo đức được đề cập, thì chính họ là người nên được tham vấn trước tiên.
Sưu tầm và lược dịch DNA Branding – www.dna.com.vn
