Connect with us

Facebook và nỗi sợ 100 tỷ USD

Tình huống thương hiệu

Facebook và nỗi sợ 100 tỷ USD

800 triệu người dùng, ngốn trung bình 23 phút của mỗi người/ngày... theo nhiều nguồn tin, Facebook có thể định giá IPO lên đến khoảng 100 tỷ USD - gấp hơn 4 lần giá trị của Google khi IPO hồi năm 2004.

Facebook đang trở thành một phần không thể thiếu đối với cư dân trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích, giá trị của mạng xã hội này hiện tại là trên 65 tỷ USD và nếu đúng như vậy, lần IPO của Facebook sẽ là thương vụ IPO có giá trị lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, Facebook có thể định giá IPO của mình lên đến khoảng 100 tỷ USD – gấp hơn 4 lần giá trị của Google khi hãng này IPO hồi năm 2004 (23 tỷ USD). Chưa rõ lượng cổ phiếu mà Facebook sẽ tung ra trong đợt IPO này là bao nhiêu nhưng theo các nhà phân tích đợt IPO của Facebook hoàn toàn có thể phá vỡ kỷ lục về lần IPO lớn nhất trong lịch sử (hiện đang thuộc về Industrial & Commercial Bank of China với trị giá 22 tỷ USD hồi năm 2006).

Nếu dự đoán này trở thành hiện thực, Facebook sẽ có giá trị thị trường lớn hơn cả HP, Nokia, Dell, Intel… ngang ngửa với Samsung và chỉ chịu thua Microsoft, Google và Apple.

IPO là gì, tại sao và bao giờ Facebook tiến hành IPO

IPO (Initial Public Offering) là việc một công ty chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng. Sau IPO, công ty tư nhân hay công ty cổ phần khi đó sẽ trở thành công ty đại chúng. Có nhiều sự khác nhau giữa các loại hình căn bản của các dạng công ty này nhưng trong trường hợp của Facebook mà chúng ta bàn đến trong ngày hôm nay, đó là việc mạng xã hội này sẽ buộc phải công bố báo cáo doanh thu và chịu nhiều ảnh hưởng của các nhà đầu tư hơn trước đây.

Đối với hầu hết các công ty, IPO là nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư từ thị trường chứng khoán. Nhưng trong trường hợp của Facebook, đây không phải là nguyên nhân. Thật ra, các lãnh đạo hiện tại của Facebook đã và đang trì hoãn vụ IPO rất được kỳ vọng này. Lý do mạng xã hội buộc phải “lên sàn” là bởi hiện đã có hơn 500 nhà đầu tư góp vốn vào nó. Theo luật Mỹ, khi một công ty có đúng hoặc hơn 500 thành viên góp vốn, nó buộc phải đưa ra các báo cáo tài chính chi tiết, chịu các quy chế quản lý đặc biệt… hoặc lên sàn chứng khoán. Thường thì đa số các công ty chọn giải pháp thứ hai.

Như đã nói ở trên, Facebook hiện tại đang cố trì hoãn lần IPO nhưng chắc chắn, vụ IPO lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ sắp diễn ra. Theo luật, sau thời điểm có đủ hoặc hơn 500 thành viên góp một công ty, công ty này sẽ có 1 năm để quyết định và 4 tháng để tiến hành các bước cho lần ra mắt công chúng đầu tiên. Facebook đã có thành viên góp vốn thứ 500 vào khoảng giữa năm 2010 nhưng do thời điểm kiểm tra của SEC là vào 1/1 hàng năm nên, hạn cuối để Facebook đưa ra kế hoạch cụ thể cho lần IPO này là 1/1/2012 tiến hành vào tháng 4/2012 tới.

Facebook IPO: Lợi thì ít mà hại thì nhiều

Với Facebook

Thường thì các công ty rất mong chờ được IPO bởi đây sẽ là cơ hội thu hút vốn không thể tốt hơn dành cho họ. Tuy nhiên, với một mạng xã hội mà số người dùng suýt soát 10 chữ số thì tiền không phải là vấn đề quá cấp thiết và mang lại nhiều ý nghĩa cho lắm. Có quá nhiều lý do để tin rằng lần IPO của Facebook sẽ mang lại nhiều “họa” hơn là phúc cho mạng xã hội này.

Yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là doanh nghiệp này sẽ phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm và đặc biệt, là cả những dự định làm sao để tăng lợi nhuận trong tương lai. Với một công ty mà những bí mật về cách thức hoạt động, các nguồn thu, kế hoạch như Facebook, việc này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của hãng trong tương lai. Các khoản đầu tư, các nguồn thu, các kế hoạch của Facebook sẽ ít nhiều mất đi tính “bất ngờ” như hiện tại. Không phải vô cớ mà đến giờ, Zuckerberg vẫn giữ bí mật những khoản doanh thu và chi phí của Facebook.

Thứ hai, sau khi IPO, ban giám đốc hiện tại của Facebook sẽ phải đối mặt với những đối thủ lớn nhất: đến ngay từ chính trong nội bộ của mình: các nhà đầu tư. Họ sẽ phải đối mặt với các cuộc điện thoại, email… từ các cổ đông của chính mình. Họ sẽ phải liên tục đối đầu với các câu hỏi kiểu: các cậu dùng tiền kiểu gì, doanh thu năm tới sẽ ra sao, lợi nhuận được chia là như thế nào, thay đổi này tốt hay xấu… những câu hỏi sẽ khiến cho bất cứ ban lãnh đạo nào phát điên. Rồi những kế hoạch lớn đều phải thông qua đại hội cổ đông, chờ đợi quyết định… Facebook sẽ mất đi ít nhiều sự linh động, táo bạo và bất ngờ trong những quyết định của mình. Điều này càng nguy hiểm hơn khi các kẻ thù của mạng xã hội này hoàn toàn có thể thông qua thị trường chứng khoán “chen chân” và tìm cách kiểm soát mạng xã hội này.

… và quan trọng hơn với người dùng

Hai lý do trên là quan trọng nhưng có lẽ không phải điều mà nhiều người trong chúng ta quá quan tâm, đó là chuyện của Facebook. Tuy nhiên, ở góc nhìn của người dùng, có quá nhiều thứ để chúng ta lo lắng về tương lai của mạng xã hội này trong tương lai (gần).

Ai đầu tư cũng mong đem lại lợi nhuận, nhất là những nhà đầu tư đã “dám” đổ tiền vào Facebook. Điều họ quan tâm nhiều khi không phải là cảm nhận của người dùng hay tương lai phát triển của mạng xã hội này (tất nhiên là tùy người) mà là Facebook sẽ đem lại bao nhiêu tiền cho họ. Họ, bằng quyền của mình sẽ ép ban điều hành của Facebook tăng doanh thu, lợi nhuận… Điều này sẽ đồng nghĩa với lượng quảng cáo nhiều lên, game sẽ mang tính “hút máu” hơn, các tính năng sẽ thương mại hơn…

Hãy nhớ thêm một điều, Facebook có được như ngày hôm nay, chúng ta được thoải mái sử dụng mạng xã hội với ít quảng cáo như hiện giờ là nhờ sự “không ham tiền” có tiếng của Zuckerberg. Tất nhiên, ai cũng cần tiền để sống nhưng tiền, có vẻ không phải là mục đích quá lớn của ông trùm Facebook. Năm 2006 – 2007, Mark đã từ chối phương án quảng cáo trên Facebook, khi đó đã thừa sức để thu tiền từ các nhà bán hàng, chàng sinh viên trẻ này đã từ chối lời đề nghị 1 tỷ USD của Yahoo! – số tiền mà rất nhiều người sẽ không thể cưỡng lại được. Với Mark, Facebook không phải công cụ kiếm tiền, nó còn hơn thế, là một niềm đam mê.

Điều cuối cùng mà cả chúng ta lẫn Facebook phải đối mặt trong đợt IPO này là… sự giàu lên đột xuất của các thành viên, đặc biệt là các thành viên chủ chốt của Facebook. Họ chắc chắn đang nắm không ít cổ phần của Facebook và nếu như, Facebook IPO thành công với giá trị cỡ 100 tỷ USD thì không ít trong số họ sẽ trở thành tỷ phú hoặc chí ít là triệu phú đô la. Với lượng tài sản này, lượng hiện Facebook trả không còn thấm tháp vào đâu. Điều này sẽ làm giảm đi không ít động lực làm việc của họ dẫn đến chất lượng sản phẩm (Facebook) giảm xuống. Thật ra, điều này đã xảy ra với không ít công ty công nghệ, gần gũi nhất trong số chúng ta chính là ví dụ của tập đoàn FPT hồi thị trường chứng khoán Việt Nam mới ra đời.

Ngoài ra, với những người thực sự có tài, họ sẽ không bao giờ chấp nhận mãi mãi làm thuê. Một trong những yếu tố mà rất nhiều người như vậy thiếu chính là vốn. Với số tiền sẽ có được bằng việc bán cổ phiếu tại Facebook, vốn sẽ không còn là vấn đề làm đau đầu họ. Facebook khi đó sẽ đối mặt với một cuộc chảy máu chất xám mạnh sau khi họ lên sàn – thảm họa với bất cứ công ty công nghệ nào. Thực tế, xu thế các nhân vật chủ chốt của các công ty lớn tách ra “làm riêng” đang ngày càng trở nên phổ biến ở thung lũng Silicon.

Kết

Chuyện Facebook IPO đã không còn là chuyện riêng của mạng xã hội này với các nhà đầu tư. Đợt IPO này được cả thị trường chứng khoán, giới công nghệ trên toàn thế giới ngóng trông từng ngày. Nó không chỉ đơn giản là 100 tỷ USD, nó còn là niềm hi vọng của thị trường chứng khoán Mỹ vốn đang trong giai đoạn ảm đạm.

Tuy nhiên, khi mà những cái lợi (tiền) không còn quá nhiều ý nghĩa trong khi cái hại lại quá nhiều và rõ ràng, không quá bất ngờ khi Mark và các cộng sự tìm mọi cách để trì hoãn ngày lên sàn của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Theo Cafef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 4 =

To Top