Tin trong nước
Đua nhau kinh doanh sân cỏ nhân tạo: Hái ra tiền nhưng không ít rủi ro
Dù không phải là mảng đầu tư mới mẻ nhưng thực tế tại TP.HCM nhiều người vẫn đang bỏ không ít công sức và tiền của để xây dựng sân cỏ nhân tạo kinh doanh.Song song với cơ hội vẫn tồn tại những thách thức không nhỏ trong ngành tưởng chừng “hái ra tiền” này .
Thực tế, hiện nay, không chỉ riêng địa bàn TP.HCM mà tất cả các đô thị lớn nước ta, phong trào chơi thể dục thể thao ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là bộ môn bóng đá.
Đua nhau làm sân cỏ nhân tạo
Theo một giảng viên phụ trách môn bóng đá thuộc trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, bóng đá luôn được xem là môn thể thao “vua” từ trước tới nay, ai ai cũng có thể chơi được và không có bất cứ sự phân biệt nào ở đây.
Trong khi, việc đô thị hóa ngày càng cao, dẫn tới thiếu quỹ đất dành cho môn thể thao này, đặc biệt là khu vực đô thị. Trái với nhu cầu thực tế, người dân rất cần chơi thể thao sau nhưng giờ lao động và học tập căng thẳng, đây là điều rất dễ nhận thấy ở các đô thị lớn, đơn cử như TP.HCM, dẫn tới tình trạng “cung” không đủ đáp ứng “cầu”, vị giảng viên này phân tích.
Nắm bắt được thực tế trên, trong những năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư trên địa bàn TP.HCM đã mạnh dạn xây dựng những mô hình sân cỏ nhân tạo cho thuê. Ngay lập tức, kênh đầu tư trên đã đem lại hiệu ứng tích cực cho cả nhà kinh doanh lẫn khách hàng.
Là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh sân cỏ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM, sau gần 4 năm phát triển, đến nay hệ thống sân cỏ nhân tạo của anh Nguyễn Quốc Hiệu, đã có ba cơ sở với 17 sân bóng.
Anh Hiệu chia sẻ, khi tốt nghiệp ĐH cách đây gần 10 năm, đã kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, tuy nhiên không đem lại hiệu quả cao. Trong khi đó, bản thân rất mê đá bóng nên sau mỗi ngày làm việc căng thẳng luôn cùng bạn bè kéo nhau đi chơi bóng.
Để kiếm một sân bóng “đỏ cả mắt”, nhiều lần phải chạy ra các quận huyện ngoại thành xin đá “ké” với người dân địa phương tại những bãi đất hoang. Đến năm 2008, nhận thấy phong trào chơi bóng phát triển mạnh, trong khi khu vực thành phố thiếu quỹ đất dành cho bộ môn này. Từ đó đã thôi thúc bản thân và quyết định cùng góp vốn với các anh em trong gia đình xây sân cỏ nhân tạo (hay còn gọi là sân mini). Lúc này, chỉ đầu tư xây 8 sân, sau gần 1 năm kinh doanh nhận thấy làm ăn có lãi nên quyết định mở thêm 2 cơ sở gần đó với tổng cộng thêm 9 sân.
Một trong những sân cỏ nhân tạo khai thác có hiệu quả nhất có thể kể đến sân D3 – Trung tâm TDTT Q.Bình Thạnh tại đường D3 (quận Bình Thạnh). Giữa năm 2010, trung tâm này có 14 sân bóng đưa vào khai thác và đến nay đã nhân rộng lên gần 20 sân.
Anh Chính Trực, chủ nhân của 10 sân cỏ nhân tạo tại đây kể, khi chưa có trung tâm thể dục thể thao, nơi đây là bãi đất sình lầy cho doanh nghiệp vận tải thuê đậu xe. Do đó, việc đầu tư trung tâm thể dục thể thao này đã góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất và tạo nguồn thu ổn địa cho địa phương. Với việc cho thuê 10 sân bóng, mỗi tháng nộp về cho quận Bình Thạnh 110 triệu đồng (11 triệu đồng/sân).
Anh Nguyễn Tấn Tài, quản lý hệ thống sân bóng tại đây, cho biết, hoạt động từ tháng 6/2010 đến nay, do vị trí sân nằm gần 6 trường ĐH như GTVT, Kỹ thuật công nghệ, Văn Hiến, Ngoại Thương, Hồng Bàng, Nhân Văn nên lượng khách khá dồi dào và chủ yếu sinh viên. Sắp tới sẽ mở thêm các sân cỏ ra khu vực ngoại thành do nhu cầu chơi bóng của người dân thành phố rất cao.
Được biết, hiện nay, hầu như các quận, huyện của TP.HCM đều có sân cỏ nhân tạo. Theo một công ty chuyên thi công sân bóng, trên địa bàn TP.HCM đã có gần cả ngàn sân cỏ nhân tạo hoạt động, trong khi những năm trước đó, còn số này chỉ đếm đầu ngón tay. Đáng chú ý ở các quận xa khu vực trung tâm TP như: Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình, 9, 12, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn… sân cỏ mini đều mọc lên ngày càng nhiều và hứa hẹn trong những năm tới sẽ còn phát triển nhanh chóng.
“Siêu lãi”!
Được biết, kinh phí đầu tư sân cỏ tương đối lớn, tuy nhiên việc thu hội vốn chậm lắm cũng chỉ từ 2 năm trở lại và đem lại nhiều lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Anh Nguyễn Thành Nhật, chủ một khu sân cỏ nhân tạo tại quận 10, cho hay, để đầu tư xây dựng một sân, trung bình khoảng 300 đến 500 triệu đồng tùy vào chất lượng và mặt bằng đầu tư sân.
Hiện tại anh Nhật có 18 sân và như vậy ít nhất khoản đầu tư riêng cho sân khoảng trên 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn tiền thuê mặt bằng trung bình 25 triệu đồng/sân/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác cũng hết vài chục triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, phải thừa nhận tháng nào cũng có lãi do vị trí sân bóng nằm trong khu vực trung tâm TP nên gần như ngày nào đều có khách. Trung bình công suất 5h đến 6h/sân/ngày, cao điểm vào thứ bảy và chủ nhật có khi lên tới 10h đến 12h/sân.
Do sân nằm ở nội thành nên các đối tượng khách chủ yếu là cán bộ, công nhân viên, trí thức thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp và dao động khoảng 60 đến 70% trong số đó đều đặt “sân chết” (cố định theo quý hoặc năm), tạo cho việc kinh doanh ổn định.
Anh Nhật còn thông tin, ngoài kinh doanh về sân bóng, anh còn đầu tư cửa hàng chuyên bán đồng phục áo đấu, giày, vớ và các loại nước giải khát… phục vụ cho khách. Riêng việc kinh doanh này cũng đã đem lại lợi nhuận kha khá.
Được biệt, trung bình doanh thu hàng tháng khoảng trên 60 triệu đồng/sân, trong đó, lợi nhuận đã chiếm hơn ½ và theo ước tính của anh khoảng 1 năm rưỡi trở lại là có thể thu lại vốn.
Sắp tới sẽ mở rộng đầu tư thêm một số cơ sở trong nội thành. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề thuê mặt bằng và cũng chính vì yếu tố trên mà dự định đã trễ hơn nửa năm nay, anh Nhật khẳng định.
Không ít rủi ro
Dù được đánh giá là lĩnh vực đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng với sự phát triển “nóng” của các sân cỏ hiện nay đã mạng lại không ít rủi ro tiềm ẩn, nhất là khi TP chưa có sự quy hoạch các sân bóng rõ ràng, đa số hình thành tự phát.
Anh Trần Hòa Minh, hiện thuê khu đất tại đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) kinh doanh sân bóng, than, hiện riêng tiền thuê tại đây đã có giá 20.000 đồng/1m2, trong khi năm 2008 là 10.000 đồng/1m2. Mặt khác, một sân cỏ đạt tiêu chuẩn là 22.42m2, tức rộng cỡ gần 1.000m2, vậy giá thuê 1 sân hiện tại là 20 triệu đồng (giá thuê ở ngoại thành).
Ngoài ra, giá thuê đất liên tục tăng sau mỗi lần thay đổi hợp đồng và khi ký kết tối đa cũng không quá 3 năm. Bên cạnh đó, việc thuê nhân công, sửa chữa cải tạo sân bóng, đóng thuế và các chi phí phát sinh khác cũng đã tiêu tốn một khoản tiền lớn.
Song song đó, yếu tố rất được quan tâm và quyết định sự thành bại khi đầu tư sân bóng là vị trí. Thông thường, các nhà đầu tư nhắm đến là các khu trong đô thị, dân cư đông đúc, gần trường học, công ty, ngân hàng và hội tụ đầy đủ các yếu tố để kinh doanh thành công, nhất là môn thể thao vừa lành mạnh lại được đa số người dân ưu chuộng như môn bóng đá.
Tuy nhiên, do nằm phía ngoại thành, lại ở sâu trong đường hẻm nên dù có quảng cáo rầm rộ trên báo, đài, thậm chí phát tờ rơi khắp nơi, treo bảng hiệu to tướng trên đường lớn nhưng khách vẫn vắng bóng.
Theo ghi nhận của PV tại đây, vào những ngày thường trong tuần, hầu như khách vắng, thậm chí khi chúng tôi đến buổi sáng cho tới gần trưa nhưng không có một bóng người, khác hẳn một số sân trong trung tâm TP.
Anh Minh bộc bạch, cách đây khoảng 2 năm về trước, chuyện làm ăn rất thuận lợi, do khi đó phong trào mở sân nhân tạo chưa nhiều nên gặp ít sự cạnh tranh, khách đến sân chơi bóng đông. Nếu giờ mà mở sân tại khu vực ngoại thành chẳng những khó thu hồi vốn mà nguy cở lỗ nặng, thậm chí phá sản là điều dễ hiểu.
Theo Bee