Connect with us

Cơ hội nào cho mô hình chia sẻ?

Tình huống thương hiệu

Cơ hội nào cho mô hình chia sẻ?

Mô hình kinh doanh chia sẻ có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam khi mà chỉ có 18% người Việt từ chối cho thuê tài sản cá nhân để tăng thu nhập.

Đó là kết luận do hãng nghiên cứu thị trường Nielsen đưa ra sau khi khảo sát tổng cộng 30.000 người tiêu dùng trực tuyến tại 60 quốc gia. Theo đó, Nielsen cho biết có 3 trên 4 người Việt được hỏi cho biết họ thích ý tưởng của những mô hình kinh doanh chia sẻ. Cụ thể, mô hình kinh doanh chia sẻ là như thế nào?

Mô hình kinh doanh chia sẻ là hình thức cùng nhau hợp tác tiêu thụ và cho thuê đồ dùng giữa người này với người khác. Người tham gia mô hình kinh doanh này sẽ thuê hoặc chia sẻ những tài sản họ sở hữu như đồ nội thất, dụng cụ thể thao, xe hơi hay nhà cửa cho người khác có nhu cầu. Theo Forbes (Mỹ), doanh thu từ việc chuyển đổi tài sản cá nhân trở thành công cụ kiếm tiền qua mô hình kinh doanh chia sẻ ước tính sẽ lên đến 3,5 tỉ USD trong năm 2014, tăng hơn 25% so với năm trước đó.

Airbnb và Uber (đều của Mỹ) là 2 công ty nổi tiếng thế giới vận hành mô hình kinh doanh chia sẻ thành công ở quy mô lớn.

Airbnb chuyên kết nối những chủ căn hộ hoặc nơi ở trống có ý muốn cho thuê ngắn hạn với người có nhu cầu. Ðây là mô hình kinh doanh chia sẻ dựa trên internet ra đời từ năm 2008 và mới được định giá lên đến gần 10 tỉ USD.

Không giống mô hình đặt khách sạn trực tuyến hay dịch vụ môi giới cho thuê căn hộ thường thấy ở các công ty bất động sản, ý tưởng của Airbnb cho phép khách du lịch có thể dễ dàng thuê được chỗ ở qua đêm phù hợp với sở thích với chi phí thấp, còn những người chủ nhà sẽ có thêm một khoản thu nhập. Do nhu cầu thuê và cho thuê ngắn hạn là rất lớn và luôn luôn hiện hữu, mạng lưới của Airbnb hiện đã vươn ra 190 quốc gia trên thế giới với hơn 600.000 địa điểm, trong đó có hơn 1.000 chỗ ở tại Việt Nam.

Uber ứng dụng mô hình chia sẻ bằng cách kết nối chủ xe với người có nhu cầu di chuyển mà không muốn gọi taxi.

Cũng là mô hình kinh doanh chia sẻ, nhưng Uber lại phát triển thành công bằng cách kết nối chủ xe ôtô với những người có nhu cầu di chuyển mà không muốn gọi taxi. Đầu tháng 6.2014, công ty này vừa được định giá 17 tỉ USD.

Là một công ty internet thành lập từ năm 2009, Uber cho phép chủ xe ôtô tăng thu nhập thông qua việc chở thêm khách trên chặng đường mình đang đi. Người có nhu cầu chỉ cần dùng ứng dụng di động Uber để đăng ký hành trình muốn di chuyển, hệ thống sẽ kết nối họ với những chủ xe ôtô thích hợp và thông báo trước chi phí. Hiện tại, Uber đã có mặt tại 34 quốc gia và tiếp tục mở rộng thị trường nhanh chóng nhờ đơn giản hóa việc đi lại và góp phần tăng thu nhập cho các chủ xe ôtô tại địa phương. Chưa có mặt chính thức tại Việt Nam, nhưng được biết Uber đã sớm đăng ký tên miền uber.com.vn từ năm ngoái.

Rõ ràng, tư tưởng cởi mở của người Việt đối với việc cho thuê tài sản để tăng thu nhập chính là cơ hội lớn cho những mô hình kinh doanh kiểu như Airbnb hay Uber phát triển. Để có thể so sánh, tỉ lệ 18% người từ chối cho thuê tài sản tại Việt Nam là thấp hơn nhiều so với mức trung bình 32% của thế giới, theo Nielsen.

Tỉ lệ người tiêu dùng từ chối cho thuê tài sản cá nhân để tăng thêm thu nhập.

Tại Việt Nam, nếu để ý chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng xe ôm chính là mô hình kinh doanh chia sẻ ở dạng cơ bản nhất và đã tồn tại từ rất lâu. Tương tự, những người chủ nhà có sẵn phòng trống và cho khách thuê cũng là một ví dụ của mô hình chia sẻ. Các công ty vận hành mô hình kinh doanh chia sẻ thành công trên thế giới đều tận dụng internet để nhân rộng những điều cơ bản như vậy lên một quy mô lớn hơn.

Từ đây, doanh nghiệp hoặc cá nhân tại Việt Nam có đam mê và khả năng hoàn toàn có thể ứng dụng internet để phát triển những mô hình kinh doanh chia sẻ mới. Ví dụ như mạng lưới kết nối các bác tài xe ôm với người có nhu cầu di chuyển (phiên bản xe máy của Uber), hay đơn giản hơn là mạng lưới cho thuê phòng ở Airbnb phiên bản Việt Nam. Tuy nhiên, trở ngại đối với mô hình kinh doanh chia sẻ vẫn hiện hữu, nhất là ở khâu kiểm soát chất lượng.

Cuối năm ngoái, đã có trường hợp một công ty ở phía Bắc sao chép mô hình Uber (kết nối chủ ôtô và người cần di chuyển) gặp rắc rối khi để xảy ra tình trạng chủ xe đánh cắp tài sản khách hàng. Trong khi đó, những mô hình tương tự Airbnb (kết nối chủ nhà và người trọ) cũng đã gặp phải trường hợp khách quay lại và đột nhập bất hợp pháp vào chỗ thuê trước đó.

Khác với các mô hình kinh doanh trực tuyến thông thường, những công ty vận hành mô hình chia sẻ bắt buộc phải kiểm soát chặt chẽ và liên tục chất lượng của bên cung cấp dịch vụ, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả bên cung cấp dịch vụ lẫn người dùng. Uber hay Airbnb đều thực hiện khá tốt khâu này và có những chính sách bảo hiểm thỏa đáng cho đôi bên.

Đối với Airbnb, công ty này dùng thuật toán lập trình khiến cho những chỗ ở bị người dùng đánh giá thấp trở nên khó tìm trên hệ thống. Airbnb cũng bảo vệ các chủ nhà cho thuê bằng chính sách bồi thường tối đa 1 triệu USD cho mỗi sự cố. Trong khi đó, Uber yêu cầu cả chủ xe ôtô lẫn người dùng phải đạt mức đánh giá nhất định (đánh giá qua lại thông qua ứng dụng di động Uber) để được tiếp tục tham gia vào hệ thống.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các đơn vị vận hành mô hình kinh doanh chia sẻ phải thu hút được một lượng người dùng đủ lớn. Bằng không, các công ty này sẽ khó mở rộng được đến quy mô đủ để có thể kinh doanh hiệu quả.

Theo NCĐT 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × two =

To Top