Connect with us

Du lịch Việt Nam: Sáng tạo slogan hay hành trình đi tìm định vị thương hiệu

Chiến lược thương hiệu

Du lịch Việt Nam: Sáng tạo slogan hay hành trình đi tìm định vị thương hiệu

Du lịch là một lĩnh vực kinh doanh được xem là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam hiện tại và trong tương lai. Kỳ vọng của ngành là đến năm 2020 sẽ mang lại một nguồn doanh thu là 19-20 tỉ USD.

Với mục tiêu trên thì ngành cần tăng lượng khách nội địa từ 28 triệu lượt của năm 2010 lên 47- 48 triệu lượt vào năm 2020 và khách quốc tế từ 5,05 triệu lên 10- 10,5 triệu lượt.

Sáng tạo slogan

Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam là một trong những vấn đề mấu chốt giúp gia tăng lượng khách nội địa và quốc tế. Việc đưa ra một khẩu hiệu mới và hình ảnh logo mới là một công việc cần thiết đế “làm mới hình ảnh thương hiệu” hay “tái định vị thương hiệu” để tạo một sức hút mới với du khách.

Cuộc thi slogan và thiết kế logo của ngành du lịch đã thu hút được nhiều công ty thiết kế thương hiệu và quảng cáo tham gia và cuối cùng thì slogan “Sự khác biệt Á Đông” được chọn để tham khảo ý kiến đại chúng. Ý kiến phản hồi cũng chia ra làm 2 thái cực: một số người khen hay (rất khác biệt) – đầy khí thế tự tin, một ý kiến trái chiều khác thì cho rằng không phù hợp (chung chung) và không hấp dẫn.

Về khía cạnh chuyên môn thì những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu hay tiếp thị thường đánh giá một vấn đề đúng sai dựa trên đầu bài toán được đặt ra. Trong trường hợp này slogan “Sự khác biệt Á Đông” có phù hợp hay không còn dựa vào bản yêu cầu (đầu bài toán) hay cụ thể hơn chính là “điểm khác biệt” hay “định vị thương hiệu” của ngành du lịch Việt Nam.

Nếu chưa xác định rõ được định vị thương hiệu cho ngành du lịch thì câu slogan này  “không đúng cũng chẳng sai”.

Không sai vì “sự khác biệt Á Đông” là một phạm trù rất rộng, chung chung nên không thể sai được. Chắc chắn mỗi du khách đến Việt Nam sẽ cảm nhận có điểm gì đó khác biệt với những nơi họ đã từng đến. Có thể sự khác biệt chính là điểm tích cực như thắng cảnh đẹp, hay nét đẹp của nền văn hóa lâu đời. Hoặc một khía cạnh khác của sự khác biệt có thể chính là hiện trạng giao thông đông đúc, kẹt xe, khói bụi mà họ không thể tìm thấy ở các thiên đường du lịch khác trên thế giới.

Không đúng vì câu này không chỉ rõ được “điểm khác biệt Á Đông” ở đây là gì? Có phải là thắng cảnh? Hay là sự kẹt xe triền miên?… vì vậy, xét về khía cạnh chiến lược hay tiếp thị thì câu slogan này không mang lại thông tin cụ thể cần thiết nên có cũng được mà không có cũng chả sao.

Quả thật đây là một câu slogan “quá an toàn” vì không thể sai nhưng nếu sử dụng thì ý nghĩa lại chung chung quá rộng nên sẽ khó quảng bá được “sự khác biệt Á Đông” là gì đến với du khách.

 

Hành trình đi tìm một định vị thương hiệu

Để tìm được một slogan đúng thì cần phải xác định được một định vị thương hiệu đúng. Định vị thương hiệu lại thường được xác định dựa trên hai khía cạnh chính: (1) điểm khác biệt: là sự ưu việt hay điểm khác biệt mà du khách chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam; (2) Sự phù hợp: điểm khác biệt này có được du khách quan tâm hay không? Có phải là điểm mấu chốt để tạo sức hấp dẫn để du khách viếng thăm.

Tìm ra điểm khác biệt này là một vấn đề nan giải và trong một số trường hợp bạn sẽ không tìm ra được? Về mặt lý thuyết, ta có thể thấy được một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam đó là chúng ta có nhiều thắng cảnh đẹp như Vịnh Hạ Long, Biển Nha Trang hay Thành phố Đà Lạt mộng mơ… Nhưng điểm khác biệt này sẽ không còn nhiều khi du khách cần phải di chuyển một đoạn đường dài và trải nghiệm hiện trạng giao thông với xe cộ đông đúc, khói bụi hay trải nghiệm chính sách giá “chặt chém” khi tham quan mua sắm.

Hay một thế mạnh khác mà chúng ta thường hay nói đó chính là sự hiếu khách của người dân Việt Nam. Đây quả thật là một nét văn hóa từ lâu đời của người dân, tuy nhiên liệu khách du lịch có hoàn toàn được trải nghiệm sự hiếu khách này không? Có lẽ là không vì đâu đó vẫn còn tình trạng tranh giành khách của người bán, tài xế taxi, những em bé đánh giày hay bán kẹo cao su trên đường phố.

Việc tìm ra được một thế mạnh hay điểm khác biệt “đúng nghĩa” cho ngành du lịch thật không dễ dàng khi mà một định vị thương hiệu chỉ phát huy được tác dụng khi điều chúng ta muốn hướng tới phải đúng trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh mà điều này lại quá khó với hiện trạng của du lịch Việt Nam. Vì mọi thế mạnh của của chúng ta như nhiều danh lam thắng cảnh, người dân hiếu khách hay truyền thống văn hóa lâu đời…dường như bị triệt tiêu ngay khi du khách còn phải trải nghiệm quá nhiều điểm yếu một cách song hành.

Để có một slogan hay là một việc hoàn toàn nằm trong tầm tay của các nhà tư vấn thương hiệu hay quảng cáo. Tuy nhiên để câu slogan đó đúng thì vấn đề hoàn toàn khác khi chẳng mấy ai trong chúng ta tự tin chỉ ra được điểm khác biệt “đúng nghĩa” để tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch. Có lẽ ngành du lịch cần có một chiến lược dài hạn để xây dựng “điểm khác biệt” thay vì đi tìm một “định vị thương hiệu” vẫn đang còn tiềm ẩn.

DNA Branding – www.dna.com.vn

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 + 14 =

To Top