Connect with us

Đà Lạt trăn trở bài toán hút khách ngoại

Tin trong nước

Đà Lạt trăn trở bài toán hút khách ngoại

Là điểm đến truyền thống và đắt khách của du lịch nội địa trong nhiều chục năm qua, nhưng Đà Lạt lại không nằm trong nhóm sự lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế khi đặt chân tới Việt Nam. Đó là điều mà cao nguyên giàu tiềm năng du lịch này đang trăn trở bấy lâu.

Đà Lạt nằm trong nhóm các điểm du lịch an toàn nhất và tốt nhất của Việt Nam, nổi bật bởi chất lượng môi trường, chất lượng cảnh quan và chất lượng dịch vụ.

Du khách đến Đà Lạt không bị chặt chém. Giá phòng khách sạn được xếp hạng không bao giờ tăng vô tội vạ vào các dịp festival hoa hay mùa cao điểm. Đà Lạt không có ăn xin, không rác thải bừa bãi, không trộm cắp, móc túi. Người dân ở đây có thể vứt xe đạp trong vườn, ngoài đường mà không sợ bị mất cắp. Đó là điều mà bất kỳ du khách nào đến đây đều hài lòng bên cạnh sự thoả mãn trước thiên nhiên thơ mộng và cảnh quan cổ kính mang phong cách châu Âu.

Đà Lạt được xây dựng thành khu đô thị du lịch bởi người Pháp, từng là nơi ưa chuộng của các sĩ quan thực dân Pháp mỗi khi có thời gian nghỉ ngơi bởi lợi thế về khí hậu ôn hoà, phù hợp với người châu Âu. Tuy nhiên, chính đặc điểm khí hậu ấy lại là hạn chế của Đà Lạt khi muốn thu hút khách châu Âu hiện nay.

“Khi du khách chọn Việt Nam nghĩa là họ tìm đến một vùng đất nhiệt đới màu mỡ với nhu cầu trải nghiệm, khám phá. Chính vì thế, sự tương đồng về khí hậu và kiến trúc của Đà Lạt so với đất nước của họ sẽ khiến những du khách vội vàng bỏ qua nếu không tìm hiểu kỹ về các sản phẩm du lịch của địa phương” – ông Vũ Văn Tư, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Sở VHTTDL Lâm Đồng lý giải.

Bên cạnh đó, những thông điệp được các hãng lữ hành sử dụng phổ biến một thời như “một châu Âu tại Việt Nam” hay “Thành phố của những dinh thự”, “Thành phố mù sương”, “Vương quốc của những loài hoa”… khi quảng bá về du lịch Đà Lạt cũng là một trong những nguyên nhân khiến du khách nước ngoài không chọn địa điểm này.

Ngược lại, các thông điệp đó lại đặc biệt thu hút khách nội địa. Trong nhiều năm liền, lượng khách nội địa đến Đà Lạt luôn đạt con số cao và ổn định. Các hãng lữ hành cũng tập trung vào khai thác thị trường nội địa màu mỡ và bỏ quên thị trường quốc tế. Các dịch vụ du lịch tại Đà Lạt, các Festival hoa, lễ hội trà, lễ hội cà phê cũng được thiết kế để hướng đến khách nội. Kết quả là 5 năm liền, lượng khách quốc tế đến Đà Lạt không vượt quá được 10%. Riêng trong 3,1 triệu khách của năm 2010, khách quốc tế chỉ đạt 160.000 lượt.

Trong các chiến dịch quảng bá trước đây, Đà Lạt chỉ chú trọng gây dựng hình ảnh một thành phố mang dáng dấp châu Âu với đồi thông, sương mù, hoa, hồ, thung lũng, biệt thự cổ. Và đó cũng là bấy nhiêu điều trong hình dung truyền thống về Đạ Lạt. Còn những tài nguyên khác như rừng nguyên sơ, động thực vật rừng phong phú, thác nước hùng vĩ, những cánh đồng trà và cà phê… gần như bị đứng ngoài lịch trình tham quan, khám phá. Trong khi đó, đây mới là nguồn tài nguyên đặc sắc để khai thác sản phẩm hấp dẫn du khách nước ngoài.

Ông Võ Đức Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch mạo hiểm Việt – bày tỏ: “Khi Đà Lạt nhận ra rằng phải thu hút khách quốc tế để tăng nguồn thu và ngoại tệ từ du lịch thì những tài nguyên kể trên đã mất đi đáng kể. Rừng không được bảo vệ nên mất mát nhiều, thác nước cũng mất, thác thì cạn, thác thì xuống cấp. Chúng tôi làm du lịch trong tình trạng thiếu bền vững”.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tư, thay đổi chiến lược du lịch của Đà Lạt thời điểm này vẫn kịp thời và Đà Lạt vẫn được đánh giá là địa phương duy trì được môi trường tự nhiên tốt.

Hiện tại, sản phẩm du lịch được Đà Lạt đẩy lên hàng đầu và tập trung phát triển thành sảm phẩm chủ đạo là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Các tour du lịch mạo hiểm như leo núi, leo thác, đua xe đạp, khám phá rừng nguyên sinh; du lịch cộng đồng như sinh sống cùng người dân tộc thiểu số, khám phá văn hoá người dân tộc thiểu số, hoặc tour trồng rau, trồng hoa, thu hoạch cà phê cùng người địa phương… được chính quyền ưu tiên và khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư khai thác. Hướng đi này không chỉ khai thác được tối đa các tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng của Đà Lạt mà còn duy trì sự bền vững của môi trường tự nhiên, cảnh quan thơ mộng, yên tĩnh, hài hoà vốn là thế mạnh của Đà Lạt lâu nay.

Trên các tờ rơi, cẩm nang quảng bá du lịch Đà Lạt, thông điệp chính được sử dụng hiện này cũng thay đổi. Chính quyền địa phương đang cố gắng xây dựng một hình ảnh Đà Lạt hoàn toàn mới và có sức hấp dẫn hơn với du khách quốc tế với “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Bên cạnh đó, ông Vũ Văn Tư cho biết: việc quảng bá đã bắt đầu thực hiện phân loại thị trường với mỗi thị trường khách sử dụng các thông điệp khác nhau và giới thiệu các sản phẩm khác nhau thay vì dùng chung thông điệp và sản phẩm như trước đây.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Văn Văn Tư, một khó khăn lớn của Đà Lạt hiện nay trong chiến dịch tiếp cận và thu hút khách nước ngoài là vấn đề giao thông. “Hệ thống giao thông đường bộ lên Đà Lạt vẫn còn rất khó khăn, đường hàng không thì chưa đủ phục vụ nhu cầu của du khách. Trong thời gian tới, nếu dự án đường cao tốc TP.HCM đi Đà Lạt được hoàn thiện thì lúc đó mới có thể triển khai tiếp các giai đoạn của đề án hút khách ngoại”.

Mong muốn của Đà Lạt hiện nay là sẽ trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm của cả nước với tỷ lệ khách quốc tế cao trong 5 năm tới. Song, ông Võ Đức Trung lại bày tỏ sự quan ngại nếu như các nhà quản lý không coi trọng đúng mức và hiểu đúng về du lịch sinh thái.

“Nhiều đề án phát triển du lịch hiện nay luôn đi kèm với xây dựng khách sạn, resort, bê tông hoá, khói bụi. Tôi hy vọng các nhà quản lý du lịch của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng không phạm phải sai lầm này và phát triển du lịch sinh thái đúng nghĩa: tức là vừa bảo dưỡng, vừa duy trì, vừa bảo vệ môi trường, vừa đón khách, vừa kiếm tiền. Khách quốc tế đến Đà Lạt là vì vẻ hoang sơ của nó bởi nhu cầu khám phá, trải nghiệm của họ cao hơn nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi. Do vậy, việc xây dựng hạ tầng để đón khách cần tránh can thiệp thô bạo vào môi trường tự nhiên”.

Theo Tổ Quốc

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten + fourteen =

To Top