Tin trong nước
Du khách Việt Nam trong tầm ngắm nước ngoài
Gần đây, các tổ chức xúc tiến du lịch, doanh nghiệp du lịch nước ngoài đã tổ chức hàng loạt chương trình tiếp thị tại thị trường Việt Nam.Lượng khách du lịch nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn hàng năm đã làm cho Việt Nam được ghi tên vào danh sách ưu tiên của ngành du lịch nhiều nơi như Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore hay Hàn Quốc
Ồ ạt tiếp thị
Từ giữa tháng 11 cho đến đầu tháng 12-2011, Patrick Kwok, Tổng giám đốc phát triển kinh doanh của Cục du lịch Hồng Kông đã có 2 chuyến đến 2 thành phố lớn của Việt Nam là TPHCM và Hà Nội. Đi cùng đại diện của cơ quan du lịch này trong những cuộc làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam là hàng loạt doanh nghiệp khách sạn, du lịch, giải trí.
Ông Kwok nói sơ nét kế hoạch tiếp cận mạnh mẽ vào thị trường trong vòng 12 tháng, gồm các kịch bản như đưa doanh nghiệp sang làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức tour cho đại lý du lịch, cơ quan truyền thông đến Hồng Kông, đưa ra những sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi mới cho khách du lịch cùng với kế hoạch sẽ thiết lập cơ quan đại diện tại Việt Nam. “Vào năm ngoái, đã có 102.000 lượt khách Việt Nam đến Hồng Kông, tăng đến 33,1% so với năm 2009 nên chúng tôi đã xác định đây là thị trường quan trọng và kế hoạch này sẽ giúp tăng tốc thu hút khách”, ông nói.
Trước đó không lâu, Campuchia cũng tổ chức những chương trình quảng bá tại Việt Nam. Cùng với các gian hàng lớn ở hội chợ du lịch, Tổng cục du lịch Campuchia còn đưa cả đoàn nghệ thuật với hơn 100 diễn viên biểu diễn tại Nhà hát TPHCM.
Các chương trình của Hàn Quốc và Cục xúc tiến du lịch đảo Cheju nói riêng cũng được thực hiện rầm rộ trong năm nay. Riêng những thị trường quen thuộc như Thái Lan, Malaysia hay Singapore thì cơ quan đại diện tại Việt Nam đã trở nên thân thiết với công ty du lịch trong nước.
Theo số liệu của ngành du lịch Campuchia, Việt Nam là thị trường du lịch lớn nhất với khoảng 470.000 lượt khách vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng đến khoảng 550.000 trong năm nay. Trong khi đó, dù có một số sự kiện không có lợi cho du lịch, nhưng Thái Lan vẫn thu hút đến số 452.000 lượt khách Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2011, tăng đến 44% so với cùng kỳ, với số khách quay trở lại đến 68%. Các điểm đến khác như Singapore hay Malaysia đều cho biết lượng khách Việt Nam cũng lên đến hàng trăm ngàn lượt mỗi năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường giúp công ty du lịch Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi từ đối tác và cả cơ quan xúc tiến du lịch.
Nhờ đâu du lịch nước ngoài hút khách Việt Nam?
Theo các công ty du lịch tại Việt Nam, tour nước ngoài bán mạnh là nhờ “khách được lợi, lữ hành được lợi”. Khách lợi vì được đến những điểm tham quan mới hoặc có thêm nhiều dịch vụ mới tại những điểm tham quan cũ nhưng với mức giá vừa phải. Lữ hành thì được lợi vì có được những ưu đãi từ đối tác. Chính từ lợi ích của doanh nghiệp mà các công ty du lịch sở tại trở thành những động lực mạnh mẽ nhất để thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
“Không ai hiểu thị trường tốt hơn là doanh nghiệp sở tại. Vì thế, để phát triển thị trường, những người làm tiếp thị phải làm việc với doanh nghiệp tại đây, chứ không chỉ là những chương trình chung chung”, ông Patrick Kwok của Cục xúc tiến du lịch Hồng Kông chia sẻ.
Chính từ quan điểm này, hàng loạt chương trình tiếp thị của Hồng Kông được thực hiện thông qua một công ty Việt Nam và sắp đến cũng có thể sẽ chọn công ty Việt Nam làm đại diện du lịch. Thậm chí, cơ quan này còn tính đến việc đưa ra những ưu đãi trực tiếp cho công ty du lịch trong nước để hỗ trợ việc bán hàng.
Các điểm đến khác cũng tận dụng triệt để sức mạnh của doanh nghiệp địa phương. Mỗi năm, hàng loạt chương trình tour làm quen, tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tại các điểm đến nước ngoài lại được thực hiện bằng chính các công ty du lịch trong nước, với sự hỗ trợ, cung cấp dịch vụ từ đối tác và cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài.
“Ai cũng nói giá tour nước ngoài thấp nên hút khách, nhưng giá chỉ là một vấn đề. Cái chính là dịch vụ ở đó được đổi mới liên tục làm khách không chán và sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả những mắt xích của du lịch để tạo nên các chương trình tiếp thị, các gói sản phẩm tốt, mang đến lợi ích cho cả khách lẫn công ty du lịch “, bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc SPSC Tour nhận xét.
Tour đến Hàn Quốc được bà đưa ra làm ví dụ. Giá tour đến nước này không hề rẻ nhưng mỗi mùa lại có chương trình khác nhau, nên công ty du lịch có cái để quảng bá, có cái để bán. Thêm vào đó, đường bay lại phong phú để khách đi, cứ 15 vé thì lại có 1 vé miễn phí cho hướng dẫn viên cùng những ưu đãi khác từ dịch vụ mặt đất nên tour hút khách.
Hàn Quốc và cả những điểm đến khác đã kết hợp đồng bộ từ xe, nhà hàng, điểm tham quan, hàng không, thậm chí được hỗ trợ từ cơ quan quản lý du lịch để tạo thành tour cạnh tranh.
Còn ở Việt Nam, các đơn vị tổ chức tour phải làm một mình, phải tự tìm nhà hàng, khách sạn… Hàng không thì lại không cho vé miễn phí cho hướng dẫn viên, và tuy cũng đưa ra một số chương trình khuyến mãi, nhưng nếu chọn được giá thấp thì giờ bay, ngày đi không thích hợp cho khách đi tour rồi về nghỉ ngơi. Những điều này là rào cản.
“Thái Lan chẳng hạn, xe không phải là của công ty du lịch, mà của chủ điểm mua sắm, để đưa khách đến hoặc điểm du lịch tặng suất ăn miễn phí cho khách, rồi cơ quan du lịch hỗ trợ ngay khi doanh nghiệp cần đến những chương trình chào đón riêng cho những đoàn đặc biệt, thì đương nhiên công ty du lịch có giá tốt, chương trình hấp dẫn để hút khách”, bà Hằng nói.
Theo TBKTSG