Connect with us

Doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê: Lợi ngắn hại dài!

Tin trong nước

Doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê: Lợi ngắn hại dài!

Cuối năm 2010 và đầu năm 2011 giá cà phê liên tục tăng, đạt mức kỷ lục 49.000 VND/kg. Theo đánh giá của giới kinh doanh, người nông dân trồng cà phê được lợi nhuận rất lớn.

Có nhiều người cho rằng, việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường cà phê Việt Nam là yếu tố giúp đẩy giá thu mua cà phê.

Lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường

Các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia thị trường cà phê Việt Nam đều là những doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền, nhà máy chế biến, sau đó thu mua nguyên liệu sản xuất từ các doanh nghiệp của Việt Nam để sản xuất thành các sản phẩm xuất khẩu.

Như vậy các doanh nghiệp nước ngoài khi đáp ứng yêu cầu trên sẽ làm tăng giá trị cà phê Việt Nam khi xuất khẩu.

Tuy nhiên niên vụ cà phê vừa qua, các công ty nước ngoài không chỉ mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn trực tiếp tranh thu mua với các doanh nghiệp trong nước.

Với mạng lưới có sẵn từ trước, các doanh nghiệp FDI xuống gặp gỡ trực tiếp người nông dân, mua cà phê với phương thức thanh toán toàn bộ trực tiếp. Người nông dân sau khi thu hoạch cà phê cần tiền để trang trải các khoản chi phí nên với cách thanh toán này của các doanh nghiệp nước ngoài thực sự hấp dẫn. Đặc biệt là giá thu mua cao từ 35.000 – 37.000 VND/kg, so với mọi năm chỉ từ 24.000 – 25.000 VND/kg.

Với những lợi ích như trên nhiều người đánh giá sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài là yếu tố tích cực cho thị trường cà phê Việt Nam.

Kiếm lời trên lưng người nông dân

Vụ thu hoạch cà phê 2010, các doanh nghiệp nước ngoài đã có cơ hội kiếm lời rất lớn qua việc mở rộng mạng lưới thu mua của người dân. Hoàn cảnh kinh tế năm 2010 đã giúp cho các doanh nghiệp ngoại có nhiều lợi thế.

Trước hết vốn mua hàng. Vụ thu hoạch cà phê bắt đầu cuối từ quý 4 kèo dài sang quý 1 năm sau. Cuối quý 4 vừa qua chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu, các ngân hàng không cấp tín dụng cho các doanh nghiệp cà phê để thu mua tạm trữ. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài lại có vốn dồi dào từ công ty mẹ. Nguyên liệu cà phê được thu mua rầm rộ, thậm chí các doanh nghiệp ngoại sẵn sàng thuê kho của doanh nghiệp trong nước để tạm trữ cà phê.

Thời điểm mua hàng rất thuận lợi. Cà phê vào vụ thu hoạch, người nông dân cần tiền để thanh toán các khoản vay để đầu tư. Theo tập quán, nông dân đem cà phê đến các kho để tạm trữ nhận 70% tiền ứng trước để trang trải chi phí. Tuy nhiên năm nay giá thu mua trực tiếp từ các doanh nghiệp nước ngoài cao, 35-37.000 VND/kg, lại thanh toán hết 100% nên nông dân cảm thấy thoải mái giao dịch.

Nhận biết được xu thế tăng giá do sản lượng giảm tại một số quốc gia, các đại lý thu mua của doanh nghiệp ngoại thậm chí còn đánh xe đến tận nơi để thu mua nguyên liệu của bà con trồng cà phê. Điều này càng khiến mọi người tin tưởng vào sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình thu mua nguyên liệu là đem đến lợi ích cho người trồng cà phê.

Tuy nhiên, câu chuyện dần thay đổi khi giá cà phê liên tục tăng. Những ngày đầu quý 1/2011, giá cà phê nguyên liệu đã tăng lên 45.000 VND/kg. Ngay tại thời điểm người viết thực hiện bài viết thì giá thu mua nguyên liệu đã ở mức 49.000 VND/kg.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đứng trước bài toán không vay vốn được từ các TCTD do chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Trong khi các hợp đồng đã ký với khách hàng để giao trong niên vụ 2010 vẫn chưa có hàng.

Lúc này chính các doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê với mục đích chế biến đã chào bán nguyên liệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Để đảm bảo giao hàng đúng hẹn, giữ uy tín nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận mức giá DN nước ngoài đưa ra.

Như vậy chỉ sau hơn 1 tháng với giá thu mua 35.000 VND/kg, các doanh nghiệp nước ngoài đã bán sang tay cho chính doanh nghiệp được phép thu mua cà phê Việt Nam với giá 49.000 VND/kg. Phần lợi nhuận này đáng ra thuộc về người nông dân nếu như thực hiện lưu kho tạm ứng, chốt giá sau như mọi năm.

Chưa kể việc các doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá với công ty mẹ. Một số doanh nghiệp bán lại nguyên liệu cho công ty mẹ, hay công ty khác thuộc công ty mẹ với giá bằng giá thu mua. Kết quả nhà nước cũng thất thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngành chế biến cà phê Việt Nam ưu đãi với các doanh nghiệp FDI để đầu tư nhằm nâng cao chất lượng xuất khẩu, từ đó nâng vị thế cà phê thương hiệu Việt. Nhưng với cách làm thương mại của các doanh nghiệp nước ngoài thời gian vừa qua, câu chuyện chế biến cà phê xuất khẩu cũng giống trường hợp công nghiệp ô tô vừa qua.

Nhận được nhiều hỗ trợ từ các chính sách nhà nước nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn tìm cách lách luật, chuyển sang làm thương mại để nhanh chóng thu lợi nhuận. Khi các ưu đãi không còn, việc rút khỏi Việt Nam sẽ được tính đến nhanh chóng do chưa đầu tư nhiều vào dây chuyền sản xuất, vùng nguyên liệu.

Đây là bài học đối với việc mở cửa các thị trường hàng hóa nói chung, nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh những ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta cần có hàng rào kỹ thuật với quy định phù hợp cam kết WTO đảm bảo lợi ích của quốc gia.

Theo Cafef 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − twelve =

To Top