Tình huống thương hiệu
Đổ xô theo “vàng trắng”: Triệu đô xây tổ yến
Trên thế giới, thị trường các sản phẩm liên quan đến yến đạt doanh thu đạt 6 - 7 tỷ USD/năm cùng tốc độ tăng trưởng 7,2%.Tại Việt Nam, mấy năm gần đây, nuôi yến đã trở thành một phong trào lan rộng cả nước, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu yến như Yến Việt, Hoàng Yến, Khánh Hòa, Bảo Ngọc… và thu hút cả quỹ đầu tư lớn như VinaCapital. Thực sự thị trường “vàng trắng” này hấp dẫn đến mức độ nào?
Nguồn lợi lớn từ yến đã làm dấy lên phong trào nuôi chim yến và kinh doanh yến sào ở Việt Nam. Lĩnh vực này càng trở nên sôi động hơn với hàng loạt các kế hoạch tăng tốc sản xuất, mở rộng mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp (DN) sau khi có sự tham gia của một nhà đầu tư nước ngoài.
Thương vụ đặc biệt
Cuối tháng 5/2011, VinaCapital – một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam đã bất ngờ tuyên bố hợp tác với Công ty Cổ phần Yến Việt, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm yến sào.
Theo công bố này, VinaCapital sẽ bỏ ra 7,5 triệu USD để đầu tư vào Yến Việt, nhằm hỗ trợ Yến Việt củng cố các kênh phân phối, tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm cũng như cải thiện năng lực quản trị DN, tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong thời điểm khó khăn này, việc đầu tư được xem là một thương vụ khá đặc biệt nhưng một quỹ nhạy bén như VinaCapital đã thấy cơ hội đầu tư. Bởi vì, thống kê cho thấy, năm 2010, thị trường yến sào trên thế giới lên tới 6,3 tỷ USD.
Theo phân tích của VinaCapital, về lợi thế quốc gia, yến sào Việt Nam được sản xuất với giá thành thấp hơn, nhưng chất lượng được coi là tốt nhất so với 4 nước sản xuất được yến sào trên thế giới là Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Lợi thế này là lâu dài do đặc điểm về thời tiết thuận lợi và mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam thấp hơn so với các nước lân cận. Hơn nữa, do hạn chế về nguồn nguyên liệu nên nhu cầu của ngành ngày đang vượt xa nguồn cung.
Và lợi thế này sẽ tiếp tục trong một tương lai vì sự tăng trưởng nhanh của nhu cầu người dân trong nước và trên thế giới trong khi nguồn cung bị giới hạn.
Theo đại diện của VinaCapital, có hai lý do để tập đoàn này đầu tư vào Yến Việt. Thứ nhất, ngành yến có tiềm năng tăng trưởng lớn về mặt thị trường. Thứ hai, Yến Việt có quy mô phù hợp để đầu tư và có nền tảng về thương hiệu tốt để kết hợp với nguồn lực về tài chính và con người của VinaCapital để hỗ trợ sự phát triển của DN.
Quy mô phù hợp mà VinaCapital nhắm đến đó là Yến Việt có 18 nhà nuôi yến với năng suất cao, phủ khắp từ Phú Yên đến Cà Mau, năng suất khai thác bình quân 2 tấn/năm và nhà máy chế biến yến sào tại Cụm Công nghiệp Thành Hải (Phan Rang) với công suất 5 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 4 triệu USD, đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2.
Ngay sau khi nhận được sự đầu tư và hỗ trợ của VinaCapital, Yến Việt đã phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn trong một thị trường sôi động. Không chỉ chú trọng đẩy mạnh các kênh phân phối, tăng cường năng lực sản xuất, phát triển ra các thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và các thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới, Yến Việt còn quan tâm đến từng chi tiết của sản phẩm khi đến được tay người tiêu dùng.
Đại diện Công ty Yến Việt cho biết, hiện Yến Việt đã phát triển được một hệ thống bán hàng phân phối rộng khắp các tỉnh và thành phố lớn, cùng với mạng lưới khoảng 60 cửa hàng phân phối chính thức trên toàn quốc.
Sau khi được “bơm vốn”, thị phần và doanh thu của Yến Việt liên tục tăng trưởng qua mỗi tháng. Ngoài việc mở rộng hệ thống các cửa hàng đại lý chính thức, Công ty liên tục đưa ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của người tiêu dùng. Trong đó, sản phẩm “Tổ yến chưng sẵn” của Công ty đã được thử nghiệm cho kết quả tốt.
Người “bay” theo yến
Cùng với việc đầu tư của VinaCapital vào Yến Việt, các DN sản xuất và kinh doanh yến tại Việt Nam cũng đều công bố mở rộng đầu tư. Không tiết lộ số nhà nuôi yến hiện có nhưng ông Lê Danh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH – TM – DV Chấn Hưng với thương hiệu yến sào Hoàng Yến, cho biết, đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư.
Hiện Hoàng Yến có 7 cửa hàng và nhà hàng tại TP.HCM, Hà Nội và Nha Trang với tốc độ phát triển bình quân 60%/năm. Cùng với tốc độ phát triển chung của thị trường, Hoàng Yến đang đẩy mạnh đầu tư theo hai hướng: xây dựng khu nuôi yến tập trung để tạo nguồn cung và phát triển hệ thống phân phối.
Hiện hai khu nuôi yến tập trung (10 – 14 nhà nuôi yến) đang được Công ty xây dựng ở TP.HCM và Bình Phước. Trong 3 năm tới, Hoàng Yến sẽ có 35 điểm bán tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn trong cả nước. Bên cạnh đó, Hoàng Yến cũng sẽ sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp thị trường để kéo càng nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm yến.
Tương tự, Công ty Việt An, đơn vị sở hữu thương hiệu yến sào Thiên Hoàng, cũng tăng tốc đầu tư. Bà Phạm Thị Ngọc Yến, Giám đốc Điều hành thương hiệu yến sào Thiên Hoàng, cho biết, cách đây 5 tháng, Thiên Hoàng đã đưa ra thị trường sản phẩm nước yến dinh dưỡng.
Sản phẩm đã có mặt tại tất cả các hệ thống siêu thị trong cả nước cùng với 20 cửa hàng tại các tỉnh thành lớn. Tuy mới ra thị trường chưa đầy nửa năm nhưng sản phẩm này luôn trong tình trạng “đứt hàng”.
Với tín hiệu tốt này, Thiên Hoàng tiếp tục nghiên cứu sản xuất một sản phẩm dành cho phụ nữ vào đầu năm 2012. Cũng trong năm này, một loạt các sản phẩm thực phẩm bổ sung, thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em… cũng sẽ được giới thiệu đến người tiêu dùng.
Bên cạnh nhu cầu trong nước, Thiên Hoàng cũng đã có nhiều đơn hàng của các đối tác Trung Quốc, Đài Loan nhưng vẫn chưa nhận vì chưa đủ nguồn hàng để cung ứng.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cho biết, trong vòng 2 năm nữa, sản phẩm Thiên Hoàng sẽ xuất hiện tại các nước Đông Nam Á và châu Âu. Song song với việc phát triển hệ thống phân phối, Thiên Hoàng cũng đang lên kế hoạch xây nhà máy tại TP.HCM để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ các DN đầu tư mạnh cho ngành này vì yến sào của Việt Nam đang “có giá” so với các nước khác cùng sản xuất mặt hàng này. Hiện giá yến tổ của Việt Nam khoảng 2.000 – 2.500 USD/kg, cao gấp đôi yến sào Malaysia nhưng vẫn không đủ hàng để bán, đặc biệt là tại thị trường Hồng Kông.
Tuy chất lượng tốt và “có giá” nhưng sản lượng yến sào của Việt Nam chỉ vào khoảng 10 tấn/năm, tương đương 10% so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, tận dụng mọi năng lực có thể để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao là điều mà hầu hết các DN đều nhắm tới.
Do điều kiện về thời tiết, trên thế giới chỉ có 1 số quốc gia châu Á sản xuất được yến sào, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Theo Cục Lương Nông Thế giới (FAO), tổng nhu cầu về yến sào đã vượt nhiều lần so với lượng cung hằng năm với tổng giá trị khoảng 6 – 7 tỷ USD và sẽ tăng lên 10 tỷ vào năm 2012. Đây sẽ là nguồn lợi không nhỏ cho các nước và các DN, trong đó có Việt Nam đang nhắm đến.
Bình dân hóa nhất phẩm
Theo các DN, kinh doanh yến sào đang trở thành “mốt” và trào lưu không chỉ tại TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành lớn. Thống kê sơ bộ của các DN cho thấy, tại TP.HCM có khoảng 100 cửa hàng kinh doanh yến sào.
Ngoài số cửa hàng có thương hiệu như Khánh Hòa, Yến Việt, Hoàng Yến, Thiên Hoàng, Bảo Ngọc…, thị trường còn xuất hiện nhiều “tên tuổi” lạ theo kiểu: cứ có nhà yến, có sản phẩm là có treo bảng bán yến.
Đó là chưa kể số yến sào được bày bán ở các chợ lớn như Bến Thành, An Đông, Bình Tây. Bên cạnh đó, thị trường còn có sự góp mặt của các nhà hàng chuyên về các món ăn chế biến từ yến như Hoàng Yến, Song Yến… Do có nhiều loại cửa hàng giá bán của yến cũng khác nhau.
Chỉ riêng với yến tổ đã có nhiều loại với nhiều mức giá khác nhau, từ vài ba triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng cho 100gr. Tuy nhiên, thông thường, người ta chia yến tổ ra hai loại: yến bạch và yến huyết. Trong các loại yến tổ thì yến huyết có giá cao nhất vì giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Trên thị trường hiện nay, ngoài yến nhà, yến đảo, tại Việt Nam còn có yến sào nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia. So với yến sào Việt Nam, yến sào nhập khẩu chất lượng kém hơn, giá chỉ khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/100g nhưng nguồn hàng dồi dào nên được nhiều DN, cửa hàng nhập về bán và giới thiệu là yến Việt.
Tại các siêu thị, sản phẩm chế biến từ yến đang ngày càng phổ biến hơn. Thống kế của hệ thống siêu thị Big C cho thấy, có hai loại sản phẩm phổ biến: yến sào và yến nước. Trong đó, các sản phẩm yến sào có xu hướng phát triển, nhiều sự lựa chọn hơn với các thương hiệu Yến Việt, Thiên Hoàng, A1… nhưng chưa thật sự mạnh vì giá cao, thường để chăm sóc sức khỏe, làm quà biếu… chứ không phải là thức uống giải khát thông thường.
Với các loại yến nước có xu hướng tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết tăng tốt hơn nữa do nhu cầu tiêu thụ trong các dịp này với bạn bè, gia đình… Nhìn chung, ngành hàng sản phẩm từ yến nhìn về lâu dài thì có tiềm năng phát triển rất tốt.
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc Điều hành VinaCapital, cho rằng, sở dĩ có phong trào kinh doanh yến sào vì “tiềm năng tăng trưởng của thị trường liên quan đến mức thu nhập bình quân của người Việt Nam đang tăng cao.
Hơn nữa, càng ngày người tiêu dùng càng chú ý hơn đến các sản phẩm thiên nhiên có lợi cho sức khỏe”. Cùng nhận định này, ông Lê Danh Hoàng, cũng cho rằng, ngành này sẽ rất phát triển trong tương lai, và hiện nay đang có xu hướng “bình dân hóa sản phẩm yến” khi giá sản phẩm yến đang giảm nhiều.
“Vàng trắng” chưa hóa vàng ròng
Tuy ngành kinh doanh yến đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn có những thách thức đáng kể. Theo bà Minh Loan, tổ yến là mặt hàng giá trị cao nên số lượng người tiêu dùng tổ yến thường xuyên không nhiều.
Mặt khác, do người tiêu dùng ngại mua phải yến giả nên thường chọn các thương hiệu nổi tiếng, trong khi giá thuê mặt bằng cao nên đối với các thương hiệu và cửa hàng mới việc có lời từ việc kinh doanh các cửa hàng yến sào là không dễ dàng.
Hiện nay, tổng lượng sản xuất yến sào ở Việt Nam còn thấp do tốc độ phát triển nhà yến còn thấp. Thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng vài ngàn nhà nuôi yến. So với một nước có nguồn thu từ yến đứng thứ tư trên thế giới là Indonesia thì số nhà nuôi yến đã lên đến con số 200.000.
Hơn nữa, mức độ tiêu dùng yến tại Việt Nam còn rất thấp. Theo số liệu nghiên cứu thị trường của VinaCapital, hiện số người dùng yến tổ chỉ chiếm dưới 2% và yến lọ khoảng 6% trong tổng dân số.
Nhu cầu thì chưa nhiều nhưng vì nhà nhà bán yến, người người nuôi yến nên cạnh tranh ngày càng tăng. Và tình trạng hiện nay, theo ông Danh Hoàng là “có nhiều cửa hàng mở ra nhưng số cửa hàng đóng cửa cũng không ít”.
Hoàng Yến cũng từng mở nhà hàng hoành tráng trên đường Nguyễn Trãi nhưng sau một năm phải đóng cửa vì lỗ. Ông Hoàng thừa nhận, đó là sai lầm vì nhìn chưa đúng hướng nên sau 1 năm mở ra, nhà hàng này đã lấy đi của ông hơn 1 tỷ đồng.
Ngay cả trong lĩnh vực nuôi yến, không phải cứ có nhà yến là có sản phẩm để bán ra thị trường. Trong hơn 5 năm nuôi yến với nhiều nhà yến trên nhiều tỉnh thành, nhưng đến cách đây 3 tháng, Hoàng Yến mới có đủ nguồn cung để bán cho khách hàng.
Trước kia, khách hàng phải đặt hàng trước mới có. Hiện nay, nguồn yến sào trong nước vẫn chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Không bị thất bại về nhà hàng như Hoàng Yến như Thiên Hoàng lại khó khăn ở hướng khác. Do còn quá mới nên để có nước yến dinh dưỡng đưa ra thị trường, Thiên Hoàng đã mất thời gian khá lâu để nghiên cứu sản phẩm.
Và trong quá trình đó, nhiều mẻ yến chưng cất phải đổ bỏ vì không đạt như mong muốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thiên Hoàng mất một khoảng tiền không nhỏ.
Bà Minh Loan, cho rằng, để tồn tại bền vững trong ngành này là một thử thách lớn nếu không có sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm, thương hiệu, hệ thống cửa hàng và chất lượng dịch vụ.
Điều này yêu cầu DN phải có năng lực tài chính và một bộ máy con người có năng lực, kinh nghiệm và hiểu về ngành hàng tiêu dùng. Mặc dù hiện nguồn vốn nước ngoài từ các quỹ đầu tư DN tư nhân khá dồi dào, việc lựa chọn các DN Việt Nam trong ngành này để đầu tư là không dễ dàng do quy mô các DN còn quá nhỏ, phần lớn chưa phù hợp phạm vi đầu tư của các quỹ.
Theo DNSG