Tình huống thương hiệu
Điều gì đang xảy ra ở Sony?
Người khổng lồ Sony đã trở nên quá cồng kềnh và chậm chạp trong sự phát triển vũ bão của kỷ nguyên internet và kỹ thuật số.Trận động đất và sóng thần đã buộc Sony phải đóng cửa 10 nhà máy, làm đứt đoạn dây chuyền sản xuất đĩa Blu-ray, pin và nhiều sản phẩm khác.
Thảm họa này cũng biến khoản lời dự kiến 2 tỷ USD thành khoản lỗ 3 tỷ USD – thiệt hại lớn nhất trong 16 năm qua của Sony.
Họa vô đơn chí, hacker cũng khiến Sony phải ngưng hoạt động mạng PlayStation Network. Rồi đồng yên tăng giá trong bối cảnh kinh tế Nhật và thế giới suy thoái, các dây chuyền sản xuất đĩa CD và DVD tại London bị cháy, nhà máy tại Thái Lan bị lụt nhấn chìm…
Hậu quả là cổ phiếu của Sony giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua, thị phần 17 tỷ USD chỉ còn bằng một nửa thời điểm năm 1997.
Tuy nhiên, còn nhiều điều để nói về Sony hơn là các thiên tai bất khả kháng. Đó là Sony quá chậm chân trong việc thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên internet và kỹ thuật số.
Doanh thu của Sony từng đạt 3 tỷ USD mỗi năm kể từ khi hãng này tung ra sản phẩm máy nghe nhạc Walkman vào năm 1979. Với 11 năm và 50 triệu Walkman được tiêu thụ, Sony đã bỏ túi 25 tỷ USD và sở hữu CBS Records cùng Columbia Pictures.
Sony tin rằng sức mạnh này không bao giờ có thể thay đổi. Nhưng khi kỷ nguyên số và internet bùng nổ song hành thì Sony chậm chạp đã ngã ngựa.
Trong thị trường sôi động nhất như máy nghe nhạc, smartphone và tablet, Sony luôn phải bám đuổi phía sau các thương hiệu mạnh như Apple, Blackberry, Samsung và Nokia.
Sony cũng có những thay đổi nhằm bù lại sự chậm chân với kỷ nguyên internet ít nhất trong một thập kỷ qua, với 168.000 công nhân, 41 nhà máy và hơn 2.000 sản phẩm, mở rộng từ tai nghe, máy in y tế đến các thiết bị phim 3D, rồi máy chơi game, smartphone, tablet, laptop, TV, âm nhạc.
Hãng cũng mua lại Ericsson để gia nhập sâu hơn vào thị trường smartphone vì Sony đã bị tụt hậu so với Samsung và Apple. Thế nhưng ở Sony có rất nhiều sai lầm mang tính hệ thống, chẳng hạn như chính sách marketing và sự chậm chạp trong việc thương mại hóa sản phẩm.
Sai lầm khiến Sony thua lỗ 8,5 tỷ USD chỉ riêng ở thị trường TV trong 8 năm qua, và dự kiến tiếp tục lỗ ít nhất cũng đến năm 2013. Samsung, Vizio và các đối thủ mới nổi khác đã khiến giá TV xuống thấp đến mức lãnh đạo của Sony cho rằng “giá TV của đối thủ chưa bằng cước vận chuyển TV của Sony vài năm trước đây”.
Sony cần có sự cải tổ lớn. Năm 1997, lần đầu tiên trong lịch sử của hãng, Sony chọn Howard Stringer – một công dân Mỹ – làm chủ tịch mới của HĐQT. Tuy nhiên, sự lựa chọn có tính lịch sử này không đem lại kết quả khả quan cho Sony.
Stringer sắp chấm dứt vai trò CEO của Sony vào năm 2013. Người thay thế Stringer có thể là Hirai – một người có xu hướng “Tây hóa”, hiện đang điều hành mảng kinh doanh PlayStation và có nhiều kinh nghiệm với Sony Music Entertainment.
Tuy nhiên, thay đổi là không dễ, với Sony lại càng không dễ. Ít ai biết Sony từng có sản phẩm tương tự như iPod, còn trước cả Apple rất lâu. Và cũng ít ai biết Sony có những laptop còn mỏng hơn Macbook Air, có trước Apple cả nửa thập kỷ.
Nhưng Sony đã mất quá nhiều thời gian để đi đến quyết định từ bỏ Walkman, chuyển sang “iPod Sony” hay thương mại hóa nhanh chóng chiếc “Air Sony”.
Tinh thần fukutsu no seihin (không bao giờ từ bỏ) của người Nhật Bản thể hiện rõ nét trong văn hóa quản trị của Sony. Đó cũng là tinh thần và văn hóa làm nên sức mạnh của Sony cũng như nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Nhưng đó cũng là gót chân Asin khiến Sony quá chậm chạp trong kỷ nguyên internet và kỹ thuật số có tốc độ thay đổi như vũ bão.
Theo DNSG