Connect with us

Điện thoại di động thương hiệu Việt

Tin trong nước

Điện thoại di động thương hiệu Việt

Điện thoại di động thương hiệu Việt đã có. Nhưng năng lực cạnh tranh đang nằm ở đâu sẽ là câu hỏi lớn.

Câu chuyện của Công ty GCC hồi cuối năm 2005 đúng là bài học nhãn tiền cho những doanh nghiệp Việt Nam nào muốn chen chân vào thị trường điện thoại di động. Khi đó, GCC tung ra thị trường mẫu máy tính xách tay Genuine, trang bị bộ xử lý Celeron 1,5 Ghz với giá cực rẻ là 699 USD (khoảng 11 triệu đồng). Đúng một tuần sau, Acer tung đòn phản công với sản phẩm có cấu hình tương đương nhưng giá cũng chỉ 699 USD. Với chiêu cạnh tranh này, Acer đã đẩy GCC vào quên lãng.

Khai tử nhiều, khai sinh cũng lắm!

Hãy trở lại câu chuyện điện thoại di động Việt Nam. Ra đời ồ ạt kể từ năm 2008, một số nhãn hiệu đã có thành công bước đầu trong khi không ít nhãn hiệu cũng bị khai tử chỉ sau một thời gian ngắn.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung vào những dòng điện thoại nhiều tính năng nhưng giá rẻ và nhiều mẫu mã, màu sắc. Năng lực cạnh tranh của họ cũng đến từ đây, khi mà người tiêu dùng có nhu cầu sở hữu chiếc điện thoại nhiều tính năng nhưng giá rẻ trước kia chỉ có thể chọn những sản phẩm không tên tuổi từ Trung Quốc. Thay vì thế, nay họ có thể chọn sản phẩm của thương hiệu Việt, dù sao còn có một cái tên công ty làm bảo chứng.

Hiện nay, có hơn 20 nhãn hiệu điện thoại di động của Việt Nam tồn tại như Qmobile, FPT, Mobistar, Mobell, Alo… sau 2 năm gia nhập thị trường. Theo ước tính của một số chuyên gia trong ngành thì năm 2010, điện thoại di động thương hiệu Việt đã chiếm khoảng 20-40% thị trường.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc ABTel, nhận định, xu hướng thương hiệu Việt phát triển rất mạnh. Hiện nay, tổng thị phần của các điện thoại di động thương hiệu Việt đã gần như cân bằng với thị phần của các thương hiệu quốc tế. Những ngày đầu năm 2011, thị trường cũng chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các thương hiệu Việt như Hi Mobile của HiPT Mobile, Hanel (Công ty Hanel), Bluefone của CMC.

Ra đời nhiều là vậy nhưng theo ông Carl Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Công ty P&T Mobile (nhãn hiệu Mobistar), chỉ có một số doanh nghiệp là có chiến lược dài hơi và có khả năng phát triển được là Qmobile, FPT, Mobistar, Mobell. Trong khi đó, nhiều nhãn hiệu đã ra đời theo phong trào, có thể sẽ sớm bị khai tử hoặc chịu cảnh sống lay lắt.

Việc đầu tư điện thoại di động thương hiệu Việt đang diễn ra như thế nào? Từ năm 2004, Công ty VinaMobi khởi xướng đầu tư dự án xây dựng nhà máy được cho là sản xuất điện thoại di động tại Đà Nẵng cùng với đối tác là Công ty Zentek Technology Singapore. Công ty này đã có những bước đi bài bản khi thực hiện việc nhập máy móc, linh kiện từ Đức cũng như đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo. Từ năm 2005, chiến lược của VinaMobi là sản xuất điện thoại giá rẻ, điện thoại đa phương tiện và cả smartphone. Tuy nhiên, sau đó 3 năm, dự án này đã bị thu hồi giấy phép do chậm triển khai. Nguyên nhân vì sao chậm triển khai thì chưa được xác định rõ.

Cũng trong năm 2005, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện Postef thuộc VNPT tiếp tục nhen nhóm hy vọng về điện thoại di động thương hiệu Việt khi tuyên bố sẽ sản xuất điện thoại di động giá rẻ từ 5-20 USD, bên cạnh dòng điện thoại cao cấp. Công ty này dự tính, lô hàng đầu tiên sẽ ra mắt thị trường vào năm 2006. Tuy nhiên, đã hơn 6 năm vẫn chưa thấy điện thoại của họ trình làng.

Ngay cả một tên tuổi lớn như FPT cũng từng thất bại khi sản xuất điện thoại nhưng không bán được đành phải thoái lui. Đó là vào tháng 6. 2009, FPT cho ra mắt dòng điện thoại tính năng đơn giản, giá rẻ F Mobile. Tuy nhiên, sản phẩm có vẻ không thành công khi không được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Sau đó 1 năm, FPT tái xuất với FPT F99 và tiếp tục phát triển các dòng điện thoại 3G, WiFi…

Ngành công nghiệp điện thoại di động

Những doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia thị trường điện thoại chủ yếu trưởng thành từ những nhà phân phối, như An Bình Tel phân phối cho Siemens (Đức) và HTC (Đài Loan). Sau một thời gian làm nhà phân phối, họ tách riêng và tấn công vào thị trường béo bở này.

Là người đến sau, nhưng cũng giống như An Bình, FPT sau nhiều năm là một nhà phân phối điện thoại di động, đến giữa năm 2010 cũng đã tham gia thị trường điện thoại di động với sản phẩm chủ đạo là FPT F99. Tương tự, Mobistar trước khi sản xuất điện thoại, cũng là nhà phân phối những sản phẩm thương hiệu Motorola, HTC, Sony Ericsson.

Việc làm nhà phân phối giúp cho các doanh nghiệp có sự kế thừa về hệ thống phân phối, có sẵn mối quan hệ với các đại lý. Hơn nữa, khi làm nhà phân phối cho các nhãn hiệu khác, các công ty này có cơ hội hiểu thị trường, biết nhu cầu của thị trường. Minh chứng là hầu như tất cả các nhãn hiệu điện thoại di động của Việt Nam đều đồng loạt tập trung vào phân khúc giá thấp dưới 2 triệu đồng/chiếc.

Một điểm chung mà hầu hết các nhãn hiệu điện thoại di động Việt Nam đang mắc phải, ngoại trừ điện thoại P-Phone của Tập đoàn Thuận Phát, là việc toàn bộ phần cứng đều được gia công tại Trung Quốc. Chính điều đó khiến những nhãn hiệu này bị đặt nghi vấn về chất lượng.

Tuy nhiên, ông Carl Ngô Nguyên Kha cho rằng, chiến lược thuê ngoài (OEM) này hợp lý, tương tự như ngành may mặc, khi những thương hiệu lớn không trực tiếp sản xuất ra hàng hóa mà thực hiện thuê ngoài. Điện thoại cũng vậy, các công ty nội địa chủ yếu là thiết kế, làm phần mềm, phát triển ứng dụng, giao cho đối tác nước ngoài gia công phần cứng. Điều này khiến cho sản phẩm có giá thành thấp, có lợi cho người tiêu dùng.

Ông Minh, Công ty ABTel, cũng cho biết, việc sở hữu công nghệ, triển khai thương hiệu với hệ thống thương mại thường chiếm 80% giá trị sản phẩm, còn gia công, sản xuất chỉ chiếm 20%. Qmobile và các nhãn hiệu điện thoại Việt Nam đang đi theo hướng này để tạo ra những chiếc điện thoại có giá cạnh tranh nhất.

Phải chăng ngành công nghiệp điện thoại di động Việt Nam sẽ hình thành khi đã có sự xuất hiện những sản phẩm nội địa? Chuyện này khá giống ngành ôtô Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa nội địa hóa được. Ngoài nhà máy IMOSO của Tập đoàn Thuận Phát thì Việt Nam không hề có thêm một nhà máy nào khác mà hoàn toàn sản xuất điện thoại tại Trung Quốc. Điều này khiến cho tỉ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất điện thoại thấp, chưa có con số cụ thể nhưng thậm chí có một số ý kiến cho rằng điện thoại Việt Nam đang “Trung Quốc hóa”.

Ông Trần Quang Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam, từng nói: “Trong một chiếc điện thoại Việt, những công ty này chẳng làm gì cả mà chỉ có cái tên”.

Theo NCĐT 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 − nine =

To Top