Connect with us

Điện thoại bình dân lên ngôi

Tin trong nước

Điện thoại bình dân lên ngôi

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, phần đông người tiêu dùng chọn một chiếc điện thoại di động có giá "mềm" với nhiều tính năng. Và đây chính là "đất lành" cho các nhà bán lẻ.

Ðiện thoại phổ thông đắt khách.

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, chính sách “thắt lưng buộc bụng” của phần lớn gia đình đã góp phần đẩy mạnh doanh số bán dòng điện thoại phổ thông, nhất là ở khu vực nông thôn và ngoại ô các thành phố lớn.

Ông Huỳnh Nhân Quí – Giám đốc Nghiên cứu Thị trường của Công ty Viễn Thông A nhận xét, thị trường điện thoại di động vẫn đang tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2011. Tuy nhiên, dòng điện thoại phổ thông vẫn có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn ở khu vực nông thôn. Các thị trấn, thành phố nhỏ… đang lôi cuốn sự chú ý của các nhà bán lẻ nhóm mặt hàng điện máy. Vừa qua, nhà bán lẻ Thegioididong đã đầu tư vào khu vực nông thôn với các cửa hàng mới khai trương ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… Công ty Viễn Thông A cũng tăng cường sự hiện diện của mình với một số cửa hàng mới ở các tỉnh thành phía Nam.

Theo công ty Nghiên cứu Thị trường GFK, nhóm điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh (smartphone) đang tăng trưởng ở thị trường Việt Nam. Hiện tại, điện thoại phổ thông vẫn đang chiếm ưu thế về số lượng sản phẩm bán ra.

Ở các siêu thị lớn kinh doanh điện thoại di động như Thegioididong, Viễn Thông A… nhóm điện thoại có giá bán dưới 2 triệu đồng chiếm đến 70% số lượng sản phẩm bán ra. Kênh phân phối hàng chính hãng (không phải hàng xách tay) với nhóm điện thoại phổ thông vẫn đang chiếm ưu thế tuyệt đối…

 

Mất ưu thế 2 sim – 2 sóng

Nhóm điện thoại di động thương hiệu Việt đang có chiều hướng đi xuống với doanh số bán ngày càng giảm sút. Các nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng trước đây như: Q-Mobile, FPT Mobile, MobiStar… đang bị cạnh tranh mạnh bởi những mẫu điện thoại phổ thông mới xuất hiện được bán với “giá mềm” của các hãng nước ngoài như Nokia, Samsung, LG…

Theo ông Đinh Anh Huân – Giám đốc Kinh doanh hệ thống siêu thị Thegioididong, đã qua rồi thời kỳ điện thoại thương hiệu Việt đạt mức doanh số cao như mấy năm trước đây. Các nhà sản xuất như Nokia, Samsung, LG… đang tập trung nguồn lực để gia tăng cạnh tranh ở phân khúc thị trường này.

Giá “sàn” của dòng điện thoại phổ thông (entry level) đang được các hãng điện thoại nước ngoài “ép” dần dần… từ 1,5 triệu đồng xuống chỉ còn trên dưới 500.000 đồng! Đây chính là trở ngại không nhỏ đối với điện thoại thương hiệu Việt do tiềm lực tài chính của các công ty trong nước khó mà sánh bằng các nhà sản xuất nổi tiếng của nước ngoài.

Trước đây, điện thoại thương hiệu Việt chiếm lĩnh được thị trường nhờ ưu điểm giá rẻ – có nhiều tính năng tiện ích. Trong số các tính năng được yêu thích là khả năng sử dụng 2 sim – 2 sóng. Ngày nay, các hãng điện thoại Nokia, Samsung, LG, Alcatel… đã “lẹ tay” giới thiệu một loạt sản phẩm 2 sim – 2 sóng với giá bán cực kỳ cạnh tranh.

Theo nhận định của hầu hết các siêu thị kinh doanh điện thoại di động tại TP.HCM, người tiêu dùng đang chuyển sang chọn mua các mẫu điện thoại 2 sim – 2 sóng mang thương hiệu quốc tế. Họ giảm dần sự ưa chuộng các loại điện thoại thương hiệu Việt (được sản xuất ở Trung Quốc) như trước kia.

Anh N.V.Trung, nhà ở Q.3 cho biết, thay vì chọn mua các mẫu điện thoại gắn mác Việt, anh chuyển qua mua điện thoại 2 sim – 2 sóng Nokia. Nếu giá bán không chênh lệch bao nhiêu, anh mua điện thoại nước ngoài chính hãng, có nhãn hiệu nổi tiếng chắc ăn hơn. Minh chứng cho điều này, các siêu thị chuyên doanh hàng điện máy – hi-tech như: Thegioididong, Viễn Thông A, Pico… cho biết, sự hiện diện của các mẫu điện thoại thương hiệu Việt tại các siêu thị bắt đầu giảm sút từ quý 2 trở đi. Sức ép cạnh tranh quá lớn từ các nhà sản xuất điện thoại di động đã khiến cho các công ty trong nước thu hẹp quy mô hoạt động. Một số đơn vị phải tìm cách khai thác thị trường nông thôn, nơi vẫn có nhu cầu sử dụng các mẫu điện thoại giá rẻ được lắp ráp trong nước.

Ðầu tư cho sản phẩm giá rẻ

Đây là chiến lược phát triển kinh doanh của một số nhà sản xuất điện thoại di động ở thời điểm hiện tại. Cả Nokia và Samsung đều đưa ra kế hoạch phát triển mạnh dòng điện thoại phổ thông – giá thấp cho những thị trường mới nổi trên thế giới. Trong tương lai, kể cả các mẫu điện thoại giá rẻ cũng sẽ có một số ứng dụng tiện ích giống như dòng điện thoại thông minh có giá bán trên dưới 3 triệu đồng! Theo các hãng thông tấn nước ngoài, Nokia đang có ý định phát triển một hệ điều hành dành riêng dựa trên nền tảng Linux (mã nguồn mở) cho dòng điện thoại phổ thông. Có vẻ như nhà sản xuất này đang “ém mình” ở mặt trận smartphone cao cấp để tăng cường nguồn lực ở nhóm sản phẩm điện thoại cấp thấp.

Trên thực tế, Nokia vẫn đang dẫn đầu phân khúc thị trường điện thoại phổ thông trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ sử dụng hệ điều hành “miễn phí” Android của Google, sức ép cạnh tranh của các mẫu điện thoại cảm ứng giá rẻ Android đang từng bước đe dọa vị trí số một của Nokia trên “sân chơi” cấp thấp… Hiện tại, ở thị trường Việt Nam đã xuất hiện một số mẫu điện thoại thông minh trang bị màn hình cảm ứng và hệ điều hành Android có giá bán dưới 2 triệu đồng. Các mẫu điện thoại này có khả năng nghe nhạc số, lướt web, hỗ trợ 2 sim – 2 sóng… Về lâu dài, nhóm sản phẩm này sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhóm điện thoại 2 sim – 2 sóng giá rẻ hiện nay (từ 1,5 triệu đồng trở xuống).

Nhóm sản phẩm này cũng chính là “niềm hy vọng” của các công ty kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt. Nhờ ưu thế sử dụng hệ điều hành Android, họ có thể giảm giá các mẫu điện thoại cảm ứng này xuống mức thấp nhất có thể. Dù các hãng điện thoại di động lớn đã giảm giá các mẫu điện thoại cảm ứng cấp thấp xuống dưới ngưỡng 3 triệu đồng… nhưng các đơn vị kinh doanh điện thoại “made by Vietnam” vẫn dễ thở hơn với “khe hở” thị trường này!

Theo DĐDN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen − five =

To Top