Tin trong nước
Đại gia ngoại săn lùng mặt bằng bán lẻ tại TP HCM
Trong khi tiểu thương nội tháo chạy khỏi trung tâm thương mại vì thua lỗ thì khối ngoại có động thái ngược lại. Các ông lớn bán lẻ quốc tế đang ngấp nghé mặt bằng ở các khu đô thị mới để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi.Tổng giám đốc một công ty tư vấn bất động sản tiết lộ: “Chúng tôi đang tìm mặt bằng theo đơn đặt hàng cho đại gia bán lẻ Nhật. Họ đã vào Việt Nam và âm thầm khảo sát khắp khu Đông cũng như khu Nam TP HCM để chuẩn bị cho kế hoạch lớn trong 2-3 năm tới”.
Vị này cho biết thêm, tuy nhà đầu tư Nhật chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng điều kiện của họ khá cụ thể. Khách không đòi hỏi phải có được vị trí đắc địa ở khu trung tâm nhưng đặc biệt ưa chuộng khu vực đông dân và có nhiều đô thị mới bao quanh.
Trong khi đó, AEON (tập đoàn bán lẻ Nhật) đã chọn khu đô thị Celadon City (82 ha, tọa lạc tại quận Tân Phú) làm đất hứa để ráo riết đầu tư xây dựng khu mua sắm 3,51 ha. AEON thỏa thuận hợp tác với công ty TTJSC – chủ đầu tư dự án Celadon City để phát triển khu thương mại trong dự án này nhằm chuẩn bị cho lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt Nam. Đại gia bán lẻ hàng đầu châu Á dự kiến sẽ hoàn thành khu mua sắm lớn nhất phía Tây TP HCM vào năm 2014.
Sớm hơn Nhật, các nhà bán lẻ Hàn Quốc, điển hình là Tập đoàn Lotte đã lên kế hoạch táo bạo thâm nhập thị trường Việt Nam. Tập đoàn đứng thứ năm xứ sở kim chi dự kiến từ năm 2010 đến 2018, Lotte sẽ mở thêm 30 trung tâm thương mại, tập trung ở 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Quan điểm chọn mặt bằng của Lotte có nhiều điểm tương đồng với nhà đầu tư Nhật. Đó là không định vị ở khu trung tâm cũ mà đầu tư vào các khu dân cư cũ ở rìa nội đô. Hiện Lotte Mart đã có 5 siêu thị hoạt động tại Việt Nam, gồm 2 ở TP HCM, còn lại ở Hà Nội, Đồng Nai và Đà Nẵng.
Các ông lớn bán lẻ ngành fast food cũng không muốn chậm chân. Mới đây, hồi tháng 2/2013, Starbucks chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, với một cửa hiệu 2 tầng mở tại quận 1, TP HCM. Thương hiệu thức uống này nhanh chóng hút khách tại Sài Gòn. CEO của Starbucks, Howard Schultz tiết lộ với Wall Street Journal tại Bangkok, Thái Lan rằng doanh thu từ cửa hiệu đầu tiên của hãng tại Việt Nam đến tháng 5 vượt kỳ vọng.
Trước Starbucks, Burger King Worldwide, nhiều thương hiệu piza, KFC đều đã có mặt tại TP HCM và các đô thị lớn trên cả nước. Trong tháng 6, một phái đoàn thương mại gồm 11 nhà sản xuất rượu vang từ bang Victoria, Australia đã đến TP HCM. Đại diện phái đoàn này, bà Yasmin Power đánh giá Việt Nam là miền đất hứa đầy tiềm năng cho thị trường rượu vang.
“Nếu có đối tác nào định liên doanh, chúng tôi rất sẵn sàng. Điều kiện cần là các đối tác ở Việt phải có thời gian hoạt động lâu dài trong ngành thực phẩm, hệ thống phân phối tốt”, bà Yasmin Power chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, đang có làn sóng các tập đoàn bán lẻ quốc tế tràn vào Việt Nam dể săn cơ hội. “Lợi thế dân số trẻ, người lao động ở đô thị có trình độ và thu nhập cao, lại khát khao thẳng định đẳng cấp khiến Việt Nam trở thành thiên đường với các nhà bán lẻ”, ông nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận xét, hàng hiệu thời trang và mỹ phẩm, thức uống theo phong cách mới, fast food… đang tranh thủ chiếm thị phần đáng kể. Đơn cử như bánh piza đã có ít nhất 3-4 thương hiệu mới, trào lưu cà phê kèm bánh ngọt cũng khá thịnh hành. Trong khi đó, hàng hiệu đang trở thành chủ lực trong hầu hết các khu mua sắm sầm uất, sang trọng ở trung tâm Sài Gòn, Hà Nội.
Khi được hỏi liệu số lượng các trung tâm thương mại đang vắng khách và vật lộn với ế ẩm tại TP HCM có phải vì cung lấn lướt cầu, Tổng giám đốc Công ty Saigon Land, Lê Quang Hàng phân tích: “Đây là cuộc chơi dài hơi của các ông lớn”.
Theo ông Hàng, Việt Nam có dân số gần 90 triệu người và ba phần năm số đó dưới 35 tuổi, là thị trường đầy tiềm năng. Những ông lớn bán lẻ quốc tế đang thể hiện tầm nhìn dài hạn. Họ đi trước để đón đầu và sẵn sàng chấp nhận bài toán thua lỗ giai đoạn đầu để sàng lọc cơ hội sớm hơn các đối thủ tiềm năng.
Chuyên gia này cho rằng, trong ngắn hạn có thể mặt bằng thương mại ở những đô thị mới sẽ thất thế trước các khu mua sắm hạng sang ở trung tâm TP HCM. Tuy nhiên, cuộc đua dài hơi sẽ dựa trên sức bền. Khối ngoại đang cho thấy sự vượt trội về vốn, kinh nghiệm, cách quản lý vận hành hệ thống bán lẻ cũng như nắm bắt nhanh thị hiếu của những thị trường mới nổi. “Sự gia nhập của những nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tạo thêm nhiều động lực cho thị trường bán lẻ trong nước”, ông Hàng dự báo.
Theo vnexpress