Connect with us

Dạ Lan, Tribeco – Cùng kịch bản

Tình huống thương hiệu

Dạ Lan, Tribeco – Cùng kịch bản

Liên doanh, thua lỗ rồi thâu tóm là trình tự của một kịch bản cho cả 2 thương vụ liên quan đến 2 thương hiệu nổi tiếng một thời của Việt Nam: kem đánh răng Dạ Lan và nước giải khát Tribeco.

Từ Dạ Lan…

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người tiêu dùng gần như chỉ biết đến 2 thương hiệu kem đánh răng “made in Vietnam” là Dạ Lan của Công ty Sơn Hải và P/S của Công ty Hóa mỹ phẩm P/S, trong đó Dạ Lan chiếm đến khoảng 70% thị phần.

Tuy nhiên, năm 1995 khi 2 tập đoàn lớn trên thế giới là Unilever và Colgate Palmolive chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam, mọi chuyện đã có sự thay đổi nhanh chóng. P/S bán thương hiệu cho Unilever với giá 5 triệu USD, còn Sơn Hải bán thương hiệu Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD, đồng thời tham gia góp vốn vào liên doanh với Colgate Palmolive.

Lúc đó ông Trịnh Thành Nhơn, “cha đẻ” của thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan vẫn được ngồi vào chiếc ghế tổng giám đốc của liên doanh. Nhưng chỉ vài tháng sau khi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh được hoàn thành, Dạ Lan dần vắng bóng trên thị trường và liên doanh liên tục thua lỗ. Nhùng nhằng thêm một thời gian, năm 1998 liên doanh chính thức tan rã, ông Nhơn bán lại toàn bộ nhà máy cho Colgate Palmolive, Dạ Lan hoàn toàn biến mất trên các quầy hàng.

Hơn 10 năm sau, trong một phiên chợ đưa hàng Việt về tỉnh Đồng Nai, nhiều người tiêu dùng không khỏi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện thương hiệu quen thuộc kem đánh răng Dạ Lan. Sự tò mò hối thúc nhiều khách hàng đến tham quan và mua sản phẩm, 7.000 ống kem đánh răng Dạ Lan đã bán hết chỉ trong 2 ngày hội chợ.

Dạ Lan bây giờ vẫn thuộc ông chủ Trịnh Thành Nhơn nhưng không phải của Công ty Sơn Hải ngày nào mà đã là thương hiệu của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC). Ông Nhơn cho biết lý do ông lấy lại được thương hiệu Dạ Lan sau gần 15 năm bán cho Colgate bởi từ năm 2000 họ không sử dụng và bảo hộ thương hiệu nữa. Nắm cơ hội này, năm 2009 ông chính thức đăng ký lại thương hiệu xưa của mình.

Cũng đầu tư một dây chuyền máy móc hiện đại lên tới cả triệu USD, nhưng trong bối cảnh 90% thị phần thị trường đã thuộc về 2 “đại gia” là Unilever và Colgate, việc trở lại của Dạ Lan với mong muốn len lỏi vào 10% thị phần còn lại không phải dễ dàng.

Bản thân ông Trịnh Thành Nhơn đã không ít lần ngậm ngùi chia sẻ việc bán Dạ Lan là do chưa ý thức được thương hiệu và giá trị của nó nên ông phải trả giá. So với tiềm lực tài chính của đối thủ, ICC còn thua xa nên không thể chạy đua trong cuộc chiến truyền thông. Cái ông có thể bám víu trong chiến lược quảng bá chính là sự nhận diện của người tiêu dùng với một thương hiệu từng vang bóng một thời. Song song đó chính là cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

… đến Tribeco

Ngày 24-8-2012 đã trở thành một ngày đáng buồn cho thương hiệu với tuổi đời 20 năm là Tribeco. Đó là ngày DN này giải thể sau khoảng thời gian 4 năm thua lỗ triền miên. Cũng từ đó mọi hoạt động của Tribeco được chuyển về cho Tribeco Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài trực thuộc Tập đoàn Uni-President của Đài Loan). Nhìn lại sự thăng trầm của Tribeco mới thấy có quá nhiều oan trái.

Từng là một thương hiệu đình đám với những sản phẩm như nước ngọt có gas, sữa đậu nành… và là một cổ phiếu được nhiều người săn đón những năm 2001-2005 bởi việc chi trả cổ tức thuộc hàng khủng, nhưng kể từ khi chính thức bắt tay với những đại gia khác, mọi chuyện cũng không còn như xưa.

Năm 2005, CTCP Bánh kẹo Kinh Đô với tham vọng lấn sân sang lĩnh vực nước giải khát, đã quyết định mua lại 35% cổ phần của Tribeco. Cả 2 mang trong mình quyết tâm đưa thương hiệu này từng bước phát triển mạnh mẽ thông qua việc góp vốn xây dựng 2 nhà máy ở Bình Dương và Hưng Yên ngay trong năm 2006 và 2007. Nhưng đây lại chính là quyết định sai lầm, đưa Tribeco vào con đường thua lỗ khi năng lực sản xuất gấp quá nhiều lần năng lực bán hàng.

Năm 2007 là thời điểm Tribeco bán thêm 15% cổ phần cho Uni-President. Việc có thêm “tay” là một tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm tưởng sẽ giúp Tribeco thoát khỏi cái bẫy mở rộng đầu tư do chính mình tạo ra. Nhưng chỉ 1 năm sau ngày bán cổ phần cho Uni-President là chuỗi những ngày tháng thua lỗ triền miên của DN này.

Năm 2008, Tribeco lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng, năm 2009 tiếp tục lỗ 82 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 20 tỷ đồng. Năm 2010, Tribeco buộc phải chuyển nhượng cổ phần tại 2 nhà máy ở Bình Dương và khu vực miền Bắc, nhưng kết cục vẫn không thể thay đổi. Năm 2011, DN lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2012 lỗ tiếp 100 tỷ đồng. Không chịu nổi, tháng 8 cùng năm DN chính thức tuyên bố giải thể.

Lúc này Uni-President đã nắm trong tay hơn 43% cổ phần, còn Kinh Đô đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco. Theo các chuyên gia kinh tế đây là một chiêu thức của các tập đoàn nước ngoài nhằm nhanh chóng thâu tóm các thương hiệu có tiếng. Cũng còn rất nhiều câu hỏi xung quanh việc vì sao Tribeco nhanh chóng đánh mất chính mình. Những bên liên quan đều từ chối trả lời nhưng dù có hay không câu trả lời thì sự thật vẫn quá đắng cay.

Theo Sài Gòn Đầu Tư

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 5 =

To Top