Connect with us

Cuộc phiêu lưu mới của Đinh Anh Huân

Tình huống thương hiệu

Cuộc phiêu lưu mới của Đinh Anh Huân

Hàng trăm loại hàng hóa khác nhau đang chờ được phân loại địa chỉ nơi đến để chuyển sang cho nhân viên giao hàng. Từ kho phân loại này, hàng hóa được chuyển đến tay người nhận tại các quận nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận. 

Không khí năng động, tất bật luôn bao trùm khu vực kho phân loại của giaohangnhanh.vn tại Khu Công nghiệp Tân Bình, TP.HCM. Nó gợi nhớ tới mô hình Hub & Spoke (Trục và mạng lưới nan hoa) của đại gia chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới FedEx (Mỹ).

Thích khám phá cái mới

Cách đây 2 năm, “lời ong, tiếng ve” đã được đồn thổi khá nhiều sau khi ông Đinh Anh Huân, cựu Tổng Giám đốc (CEO) dienmay.com quyết định rời khỏi doanh nghiệp này. Ông vốn được đánh giá là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất định trong ngành bán lẻ điện thoại di động và điện máy hiện nay (từng là một trong những người đồng sáng lập hệ thống bán lẻ thegioididong.com năm 2004 và trở thành CEO của dienmay.com năm 2010). Tất nhiên, việc ông chia tay dienmay.com đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau, nhưng chắc chắn thông tin tiêu cực sẽ lấn át tích cực.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do mâu thuẫn phát sinh giữa ông Huân với các thành viên quản lý khác. Thậm chí, còn có thông tin nêu rõ là do việc kinh doanh hàng điện máy quá khó khăn, dẫn đến tình trạng dienmay.com thua lỗ nên ông phải nghỉ việc tại đây.

“Dienmay.com ở năm thứ nhất lỗ khoảng 10 tỉ đồng, nhưng sau đó đã lãi 3-4 tỉ đồng mỗi tháng nên lý do thua lỗ là không đúng”, ông Huân nói. Việc rời khỏi dienmay.com được ông giải thích là do ông chỉ giỏi triển khai những cái mới, còn việc tối ưu hóa nó không phải là thế mạnh của bản thân. Vì vậy, ông đã quyết định bước vào những thử thách mới.

Bẵng đi một thời gian, vào tháng 6.2012, vị cựu CEO dienmay.com lại tái xuất thương trường trong một vai trò hoàn toàn mới là đầu tư và phát triển kinh doanh cho một công ty khởi nghiệp (startup) với tên gọi giaohangnhanh.vn.

Sau 2 năm triển khai mô hình này, ông Huân giờ đã khẳng định mình đang đi đúng hướng theo đúng, mặc dù trước mắt vẫn còn không ít thách thức.

7.000 đơn hàng/ngày

Cách vận hành của giaohangnhanh.vn được thiết kế tương tự như mô hình Hub & Spoke của Fedex, trong đó đặt trọng tâm việc ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề tự động hóa và chuyên nghiệp hóa nhằm giảm thiểu tối đa chi phí vận hành.

Điểm nổi bật của hệ thống giao hàng này là toàn bộ các bước đều được quản lý trực tuyến. Khách hàng có thể theo dõi trực tiếp đơn hàng của mình được nhận và vận chuyển như thế nào. Đồng thời, cấp quản lý cũng có thể theo dõi chi tiết quy trình vận chuyển cùng những sự cố có thể xảy ra trong quá trình giao nhận hàng.

Hiện giaohangnhanh.vn có 4 trục (Hub) và 1 trung tâm phân loại hàng hóa ở TP.HCM, 2 trục và 1 trung tâm phân loại ở Hà Nội, 1 trục ở Đà Nẵng với hơn 500 nhân viên, trong đó có khoảng 400 nhân viên giao nhận. Từ các trục và trung tâm phân loại này, hàng hóa được giao tới khắp 63 tỉnh thành trong cả nước hay được gọi là mạng lưới nan hoa (Spoke).

Sau chỉ hơn 2 năm hoạt động, nhưng ông Huân cho biết, giaohangnhanh.vn đang trên đà phát triển khá nhanh với doanh thu 6 tháng đầu năm nay đã gần gấp đôi tổng doanh thu cả năm 2013. “Hiện chúng tôi giao khoảng 7.000 đơn hàng/ngày cho khách hàng. Mục tiêu nửa cuối năm nay là đạt mức doanh thu gấp đôi của doanh thu 6 tháng đầu năm với số lượng dự kiến lên tới 15.000 đơn hàng/ngày vào tháng 12.2014”, ông Huân kỳ vọng.

Với lượng đơn hàng xử lý mỗi ngày hiện nay, ước tính doanh thu của giaohangnhanh.vn đang đạt mức xấp xỉ 450 triệu đồng/ngày.

Không tiết lộ số vốn đầu tư cho giaohangnhanh.vn, nhưng ông Huân cho biết sẽ không dưới 20 tỉ đồng. Theo một nguồn tin khả tín của NCĐT, con số này có thể lên tới mức 40-50 tỉ đồng. Hiện giaohangnhanh.vn có khoảng 10 cổ đông, sắp tới dự kiến mở rộng ra cho nhân viên.

“Chúng tôi chưa có lãi đến ít nhất sau năm 2015 vì vẫn đang trong giai đoạn đầu tư vào con người và hạ tầng. Logistics là bài toán cung cấp dịch vụ trên quy mô lớn mới có thể có lãi được”, ông Huân cho biết.

Với mục tiêu tập trung cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh cho thị trường thương mại điện tử, nên 95% khách hàng của giaohangnhanh.vn là chon.vn, Lazada, 123.vn, Tiki.vn, sendo.vn, chodientu.vn…; các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối chiếm khoảng 5%.

Đối với mục tiêu dần hoàn thiện chuỗi cung ứng, ông Huân cho biết giaohangnhanh.vn đang cung cấp dịch vụ giao hàng thu tiền, quản lý kho bãi và tổng đài chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Mục tiêu đến hết năm nay sẽ đẩy mạnh hoàn thiện nền tảng công nghệ và con người. Từ năm 2015, Công ty sẽ bắt đầu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như đội xe tải, kho bãi, văn phòng.

Lợi thế của giaohangnhanh.vn là hiện chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh. Một thương hiệu giao nhận khác trong ngành thương mại điện tử được xem là đối thủ của giaohangnhanh.vn trong tương lai chính là giaohangso1.vn.

Ông Trần Thiện Trung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Truyền thông Tâm Điểm, cho biết tháng 5.2013, ông bắt đầu khởi động dự án giaohangso1.vn chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận hàng và thu hộ tiền cho các cửa hàng trực tuyến và các Công ty kinh doanh thương mại điện tử. Với nhân sự hơn 60 người và đang tiếp tục tuyển dụng, trang web này hiện phục vụ cho hơn 2.000 khách hàng. Tuy nhiên, về quy mô hoạt động, giaohangnhanh.vn vẫn đang dẫn trước giaohangso1.vn một khoảng cách khá xa.

Ngoài 2 tên tuổi kể trên, hiện thị trường còn xuất hiện các dịch vụ giao nhận “ngách” như zship.vn và eat.vn chỉ tập trung vào phân khúc ẩm thực với dịch vụ giao thức ăn tận nhà.

Đề cập tới các thách thức đối với mô hình hoạt động của giaohangnhanh.vn, ông Huân cho rằng chi phí logistics của Việt Nam hằng năm chiếm khoảng 25% GDP. So với các nước trong khu vực như Thái lan (18% GDP) và trên thế giới như Mỹ (7% GDP), mức chênh lệch này là khá cao. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như giaohangnhanh.vn sẽ phải nỗ lực trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để góp phần giảm thiểu chi phí logistics.

Cùng với góc nhìn đó, giải pháp của giaohanhnhanh.vn là sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư mạnh vào hệ thống công nghệ để có thể cung cấp dịch vụ logistics với chi phí tối ưu, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của Doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × four =

To Top