Connect with us

Cuộc chiến giữa các tiểu gia di động

Tin trong nước

Cuộc chiến giữa các tiểu gia di động

Beeline đặt tham vọng đứng vị trí số một trong nhóm các tiểu gia viễn thông; S-Fone nghĩ cách chuyển giao công nghệ để chiếm lĩnh thị trường. Vietnamobile cũng tung chiêu với gói cước siêu rẻ.

Sáng 24/6, Beeline tuyên bố “quay trở lại thị trường” với mức cam kết đầu tư của đối tác ngoại lên tới 500 triệu đôla Mỹ khiến giới chuyên gia liên tưởng tới một cuộc đua mới trên thị trường di động.

Ngoài tuyên bố về chiến lược đầu tư, tại cuộc họp báo này, Beeline cũng công bố CEO mới là ông Michael Cluzel, người có nhiều kinh nghiệm trong việc chiếm lĩnh thị trường viễn thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Beeline lý giải việc thay tướng giữa dòng này là để thích ứng với thực tế của thị trường và những bài học xương máu mà họ học được sau 2 năm hiện diện ở thị trường Việt Nam. Ông Michael cho rằng với khoản đầu tư mới, Beeline sẽ có cơ sở để mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng, tăng thị phần. “Tham vọng của chúng tôi là trở thành mạng di động thứ 4 tại Việt Nam, sau MobiFone, VinaPhone và Viettel. Điều này có nghĩa, chúng tôi sẽ đứng vị trí số 1 trong 4 mạng di động còn lại”, ông Michael chia sẻ.

Không chạy đua giảm giá, Beeline cho biết sẽ tập trung tổng lực vào việc phát triển hạ tầng, mạng lưới, tăng phạm vi phủ sóng để sớm có được nhiều triệu thuê bao, thay cho con số chưa đến 800.000 hiện tại.

Cùng tham vọng giữ “ngôi vương” trong giới tiểu gia, thời gian qua, hãng viễn thông Vietnamobile liên tiếp tung ra thị trường các gói cước siêu rẻ, cho phép khách hàng gọi miễn phí nội mạng và đại hạ giá các cuộc gọi liên mạng. Lãnh đạo cấp cao của Vietnamobile bày tỏ tham vọng sẽ giữ vị trí thứ 4 thị trường, sau Viettel, MobiFone, VinaPhone, về số lượng thuê bao, vùng phủ sóng và sức hấp dẫn của dịch vụ. Trong số 4 tiểu gia, hãng viễn thông này đang có lượng thuê bao lớn nhất với con số gần 10 triệu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tung ra thị trường những gói cước gây sốc để kích cầu tiêu dùng và chiếm lĩnh thị phần còn lại”, vị lãnh đạo hãng cho biết.

S-Fone sau một thời gian rơi vào cảnh khó khăn về vốn do bất đồng quan điểm với đối tác ngoại cũng tuyên bố sự trở lại của mình trên thị trường. Tổng giám đốc S-Fone – Phạm Tiến Thịnh cho biết hãng đang hoàn tất việc chuyển đổi mô hình hoạt động để tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Khi vấn đề vốn được giải quyết và ổn định, hãng sẽ tập trung tổng lực để thúc đẩy các hoạt động cạnh tranh về giá cước, chất lượng, dịch vụ giá trị gia tăng…

“Thời gian qua, S-Fone hoạt động khá trầm lắng do quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động. Chúng tôi đang nỗ lực vượt qua giai đoạn này để hiện diện mạnh mẽ trên thị trường bằng việc tạo ra dịch vụ chất lượng và giá cả hợp lý, xứng đáng với đồng tiền mà người tiêu dùng bỏ ra”, Tổng giám đốc Phạm Tiến Thịnh, chia sẻ.

Trong số 4 tiểu gia di động gồm Vietnamobile, Beeline, S-Fone và EVN Telecom, thì mạng di động điện lực 096 hoạt động mờ nhạt nhất trên thị trường. Dù rằng, EVN Telecom là hãng duy nhất trong số này triển khai giấy phép 3G với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Do hạn chế về công nghệ, lối tư duy độc quyền, hãng viễn thông này đang gặp không ít trở ngại trong việc kêu gọi đầu tư.

Giới chuyên gia nhận định từ nay đến năm 2013, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ phát triển theo chiều sâu, sau khi trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng. Do vậy, để tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng lưới.

Thị trường viễn thông Việt Nam đang thiết lập trật tự giữa – mạng di động đại gia, gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone và các tiểu gia viễn thông – Vietnamobile, Beeline, S-Fone và EVN Telecom. “Hai năm tiếp theo được coi là giai đoạn thử lửa, các hãng viễn thông nào không đủ sức cạnh tranh sẽ chấp nhận quy luật bị thôn tính – mua bán hoặc sáp nhập…”, một chuyên gia nói.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 − 1 =

To Top