Connect with us

Cuộc chiến 3G: Tự đo kiểm, Viettel tung “chiêu” marketing thử mù?

Tin trong nước

Cuộc chiến 3G: Tự đo kiểm, Viettel tung “chiêu” marketing thử mù?

Người trong lĩnh vực marketing không hề lạ về phương pháp thử mù, nhưng khi công bố, dù có cạy răng, công chúng không biết được đối tượng bị so sánh, đối chiếu là hàng của ai, sản xuất ở đâu.

Nhiều ý kiến cho rằng, Viettel đã cạnh tranh không lành mạnh khi thử nghiệm chất lượng của các nhà mạng khác và tự công bố kết quả này.

Đầu tháng 7.2011, chi nhánh Viettel tại TP.HCM đã đo kiểm tốc độ kết nối của Dcom 3G, thiết bị nối mạng 3G qua cổng USB, tại 200 điểm thuộc địa bàn TP.HCM. Sẽ không có chuyện gì nếu kết quả đo kiểm này không được công bố trên một tạp chí trực thuộc sở Khoa học và công nghệ TP.HCM và đại diện của Viettel TP.HCM tiết lộ danh tính của hai nhà mạng khác.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, đại diện Viettel TP.HCM, thiết bị dùng để đo kiểm trong lần này là máy tính xách tay, USB 3G của các nhà mạng và các công cụ bấm giờ. Theo kết quả mà Viettel và tạp chí nọ công bố, mạng 3G của Viettel “chạy nhanh và ổn định hơn ở các địa điểm có đo kiểm tại TP.HCM”. Cụ thể, ở tốc độ truy cập vào các trang web và tốc độ download trung bình, Viettel vượt lên trên, với tỷ lệ thấp nhất là 82,32%, còn cao nhất là 96,97% tính trên số điểm đo kiểm.

Trong cạnh tranh, việc nhà mạng đo kiểm chất lượng, để từ đó xây dựng giải pháp hay dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn là điều bình thường. Tuy nhiên, cách thức công bố và việc tiết lộ thông tin về đối thủ cạnh tranh trực tiếp là điều cần phải bàn, dựa trên luật định về cạnh tranh cũng như quy tắc kinh doanh.

Một chuyên gia của trung tâm kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực 2 (cục Tần số vô tuyến điện, bộ Thông tin và truyền thông) cho rằng, Viettel có thể tự đo kiểm và công bố các số liệu của nhà mạng này. Vị này nói: “Tuỳ theo chiến lược kinh doanh, nhà mạng có cách bố trí các trạm BTS 3G khác nhau. Do vậy, vấn đề quan trọng trong việc đo kiểm chất lượng là chọn điểm. Có thể điểm đo kiểm nào đó có lợi cho Viettel nhưng sẽ bất lợi cho Vinaphone và Mobifone, và ngược lại. Ai chủ động đo kiểm đều chọn ưu thế về điểm để làm lợi thế cạnh tranh”.

Khi biết sự việc, bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện Vinaphone khẳng định: “Họ không có quyền dùng mạng của chúng tôi để công bố kết quả đối chiếu với giới truyền thông. Những kết quả đó ai chứng nhận?”

Trên thực tế, có khá nhiều các cuộc nghiên cứu thực hiện so sánh đối chiếu. Để tăng tính thuyết phục, đơn vị tiến hành thường là tổ chức độc lập, có uy tín. Đi kèm với việc công bố kết quả là việc công khai phương pháp đánh giá, những điểm hạn chế. Cho dù vậy, trên phương diện nghiên cứu, bất kỳ phương pháp nào cũng có điểm hạn chế. Chưa kể tới những sai số do thiết bị hay người thực hiện.

Người trong lĩnh vực marketing không hề lạ về phương pháp thử mù, nhưng khi công bố, dù có cạy răng, công chúng không biết được đối tượng bị so sánh, đối chiếu là hàng của ai, sản xuất ở đâu. Sở dĩ có điều này bởi những ràng buộc về quy tắc ứng xử trong kinh doanh, cũng như việc lộ thông tin làm vẩn đục tinh thần cạnh tranh như là động lực của sự phát triển.

Việc đo kiểm nói riêng hay các phương pháp đối chuẩn, nói chung, dựa trên triết lý: biết chuẩn để vượt chuẩn. Nói gọn là nâng cao khả năng phục vụ và làm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Khi đối chuẩn không thật chuẩn như cách làm, điều này không tạo ra động lực phát triển mà đôi khi, còn dẫn tới một cuộc đua không có bên nào thắng, kể cả khách hàng.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eight + two =

To Top